Đối với mỗi người dân Việt Nam nói chung và người dân Hưng Yên nói riêng, không gian văn hóa ngày Tết cổ truyền luôn có ý nghĩa thiêng liêng, sâu sắc và cả những háo hức, mong chờ. Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 năm nay, sự đa dạng trong không văn hóa Tết ở tỉnh càng nổi bật với nhiều hoạt động sôi nổi, hấp dẫn.
Xin chữ đầu năm – nét đẹp văn hoá thể hiện truyền thống hiếu học của người dân Hưng Yên
Ngày Tết không chỉ là khoảng thời gian mỗi người sum họp, quây quần bên gia đình, người thân mà còn là lúc để mỗi người hòa mình vào cảnh sắc thiên nhiên tươi tắn, những lễ hội văn hóa tâm linh, những chương trình văn nghệ đặc sắc… Do vậy, đối với nhiều người dân Hưng Yên dù làm ở xa hay tại quê nhà đều mang trong mình niềm háo hức mong chờ Tết đến, Xuân về. Anh Nguyễn Minh Thuật quê ở xã Tân Phúc, (Ân Thi), hiện đang làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Dù làm việc ở miền Nam nhưng dịp Tết Nguyên đán hằng năm tôi vẫn thường thu xếp công việc để về quê ăn Tết. Không chỉ được sum họp cùng gia đình, tôi còn yêu thích không khí Tết cổ truyền với nhiều hoạt động lễ hội đầu xuân ở quê hương. Cùng mang tâm thế mong chờ Tết để được hòa mình vào không khí mùa xuân, chị Lê Bích Việt ở phường Lam Sơn (thành phố Hưng Yên) bày tỏ: Điều tôi thích nhất trong ngày Tết Nguyên đán là được nhìn thấy thành phố trang hoàng rực rỡ cờ, hoa, các điểm du xuân như: Quảng trường Nguyễn Văn Linh, các đình, đền, chùa… được tạo cảnh quan đẹp mắt. Tết là thời gian nghỉ ngơi sau một năm vất vả làm việc, chính những giờ phút cùng người thân, bạn bè hòa mình vào không gian văn hóa mùa xuân ấy giúp tôi xóa tan hết mọi lo toan, mệt mỏi.
Để chuẩn bị không gian văn hóa ngày Tết nhiều màu sắc mừng Đảng - mừng Xuân Giáp Thìn 2024, những ngày này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các cấp chính quyền, địa phương đang khẩn trương thực hiện nhiều phần việc nhằm đáp ứng nhu cầu vui Tết, đón Xuân cho người dân. Đồng chí Đỗ Hữu Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Năm 2023, kinh tế - xã hội của tỉnh đạt được nhiều thành tựu khởi sắc. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở đã có văn bản hướng dẫn các đơn vị, địa phương thực hiện nhiều phần việc như: Chỉnh trang tạo cảnh quan, thay mới biểu tượng, băng cờ, khẩu hiệu tại các trung tâm hành chính, khu di tích, tuyến đường chính tại các cơ sở; tạo các điểm không gian vui chơi lành mạnh. Bên cạnh đó, tăng cường tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao như: Xây dựng các chương trình văn nghệ mừng Đảng, mừng Xuân, ca ngợi quê hương, đất nước, ca ngợi Đảng, Bác Hồ; tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ thơ, dân vũ… nhằm tạo không khí tết vui tươi, sôi nổi cho mỗi người dân.
Nhiều địa phương trong tỉnh đã tiến hành chỉnh trang các tuyến đường, điểm đến vui xuân phục vụ người dân. Đồng chí Nguyễn Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND thị xã Mỹ Hào cho biết: Thực hiện chỉ đạo của tỉnh và ngành văn hóa, chúng tôi đã cho trang hoàng lại các tuyến đường, treo cờ Đảng, cờ Tổ quốc, các panô, áp phích có nội dung mừng Đảng, mừng xuân mới. Đặc biệt, tại các điểm vui chơi, khu di tích… đều mang đậm không gian mùa xuân với các thiết kế khung cảnh nhiều màu sắc kết hợp giữa truyền thống và hiện đại nhằm thu hút người dân vui Tết, đón Xuân.
Đặc biệt, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo Bảo tàng tỉnh phối hợp với Trung tâm Văn hóa tỉnh, Nhà hát Chèo Hưng Yên, Thư viện tỉnh và Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Hưng Yên chuẩn bị tổ chức trưng bày chuyên đề “Chợ Tết Việt”. Tại đây, người dân sẽ được tham quan và cùng trải nghiệm không gian Tết trong gia đình người Việt như: Ban thờ gia tiên, mâm cỗ, mâm ngũ quả, câu đối đỏ, hoa tươi, tranh Tết, gói, nấu bánh chưng; một số nghi lễ, phong tục, tập quán người Việt trong dịp Tết và những nét chợ quê ngày Tết qua các gian hàng trưng bày. Bên cạnh đó là các hoạt động trình diễn nghệ thuật hát trống quân, ca trù, xẩm, thư pháp, chơi trò chơi dân gian; trưng bày triển lãm sách, báo, tạp chí, ảnh tư liệu về những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ảnh đẹp du lịch Hưng Yên. Chương trình dự kiến diễn ra từ ngày 3/2 (ngày 24 tháng Chạp năm Quý Mão) đến hết ngày 15/2 (ngày mồng 6 tháng Giêng năm Giáp Thìn) sẽ góp phần khơi dậy niềm tự hào, nâng cao ý thức trách nhiệm của các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ trong việc gìn giữ và lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của ông cha trong cuộc sống đương đại. Sự kiện này hứa hẹn sẽ thu hút đông đảo các tầng lớp Nhân dân đến tham quan, thưởng lãm.
Năm nay, bên cạnh các hoạt động văn nghệ, thể thao dịp Tết, trong đêm giao thừa, người dân còn được thưởng thức những màn pháo hoa lung linh sắc màu tại 8 điểm ở 7 địa phương trong tỉnh là: Thành phố Hưng Yên, thị xã Mỹ Hào và các huyện: Văn Lâm, Văn Giang, Khoái Châu, Ân Thi, Yên Mỹ từ nguồn xã hội hóa.
Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 sắp về trên khắp làng quê, góc phố, đây cũng là thời điểm người dân cả nước chào mừng kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2024). Với sự vào cuộc của các cấp, ngành, hy vọng không gian văn hóa Tết sẽ mang đến cho mỗi người dân một cái Tết sum vầy, đầm ấm, vui tươi và hạnh phúc. Đó sẽ là một khởi đầu mang lại nhiều may mắn và thịnh vượng cho mỗi người nói riêng và cho sự phát triển của quê hương, đất nước nói chung.
Nguồn: https://baohungyen.vn