Ngày 25/8, Hội đồng thẩm định hiện vật và hồ sơ hiện vật đề nghị công nhận Bảo vật Quốc gia (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) (Hội đồng thẩm định) tổ chức hội nghị đánh giá, thẩm định hồ sơ hiện vật đề nghị công nhận bảo vật Quốc gia năm 2023 đối với hiện vật tấm bia đá “Đại Bi Diên Minh tự bi” ở xã Lạc Đạo (Văn Lâm).
Các đại biểu dự hội nghị
Bia “Đại Bi Diên Minh tự bi” (còn được gọi là Bia đá chùa Đại Bi) được tạo tác thời Trần niên hiệu Khai Thái 4 (1327), triều vua Trần Minh Tông. Đây là tấm bia đá cổ quý hiếm, duy nhất có niên đại tuyệt đối của thời Trần còn đang lưu giữ đến ngày nay trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Bia được làm bằng đá xanh nguyên khối dạng khối hình chữ nhật dẹt: Chiều rộng 60cm; chiều cao 100cm, dày 11 cm. Bia gồm 2 mặt (mặt trước và mặt sau) bao gồm các phần: Trán bia và diềm bia.
Qua khảo sát nội dung văn bia cho biết, tấm bia “Đại Bi Diên Minh tự bi” là hiện vật thuộc chùa Đại Bi, xã Lạc Đạo (Văn Lâm) do Sa môn Trí Hành lệnh cho Thư gia Nguyễn Khảo Quảng cùng con cháu trùng tu lại. Sa môn Sùng Nhân soạn và Phạm Bồng khắc bia.
Trải qua thời gian, ngôi chùa đã bị phá hủy hoàn toàn, hệ thống tượng phật và các di vật tại chùa đều bị thất lạc. Trong những năm 1960, tấm bia được chính quyền địa phương tổ chức bảo vệ, đưa về bảo quản tại nhà truyền thống xã Lạc Đạo (Văn Lâm).
Về nội dung văn bia, văn bia được khắc kín hai lòng bia và hai cạnh bia. Lòng bia chép một bài tựa và một bài minh. Phần nội dung văn bia được khắc liên tục không ngắt đoạn, ghi chép về cảnh đẹp nơi di tích tọa lạc, việc trùng tu và những người công đức vào chùa vào thời điểm bấy giờ…
Tại hội nghị, các thành viên trong Hội đồng thẩm định và các nhà khoa học nhận định, Bia “Đại Bi Diên Minh tự bi” hội tụ những giá trị đặc sắc như: Tấm bia là hiện vật gốc độc bản, được các nghệ nhân dân gian tạo tác hoàn toàn bằng kỹ thuật điêu khắc đá thủ công truyền thống hết sức công phu, tỉ mỉ, chi tiết và vô cùng độc đáo. Tấm bia là một kiệt tác điêu khắc đá thời Trần, minh chứng cho sự phát triển huy hoàng của chùa Đại Bi trong một khoảng thời gian. Tấm bia có hình thức thể hiện độc đáo: Diềm trán bia và diềm hai bên cả hai mặt đều thống nhất chạm hình hoa cúc dây uốn lượn hình sin, ở dưới chân bia chạm sóng nước hình núi; có biểu tượng ngọc sáng cách điệu (ngọc báu) đứng riêng lẻ trên trán bia mặt sau…
Tấm bia là hiện vật có giá trị về lịch sử, văn hóa tiêu biểu, là một chứng tích về sự phát triển huy hoàng của Phật giáo Việt Nam trong lịch sử… Đồng thời, đề xuất các biện pháp để bảo quản, trưng bày, phát huy giá trị của tấm bia.
100% thành viên trong Hội đồng thẩm định đã bỏ phiếu đồng ý Bia “Đại Bi Diên Minh tự bi” đủ tiêu chí đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận bảo vật quốc gia.
Nguồn: https://baohungyen.vn