Nguồn nhân lực có chất lượng và kỹ năng nghề có vai trò quan trọng phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Vì vậy, những năm gần đây, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn tỉnh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo.
Một giờ học ở Trường Cao đẳng Công nghiệp Hưng Yên
Đào tạo gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp từ công tác tuyển sinh, tổ chức đào tạo đến cung ứng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp là một trong những giải pháp đang được Trường Cao đẳng Cơ điện và Thủy lợi chú trọng thực hiện. Đồng chí Lý Hưng An, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện và Thủy lợi cho biết: Để đào tạo được nguồn nhân lực có chất lượng, trường đã xây dựng nội dung chương trình đào tạo theo hướng học đi đôi với hành, giảm thời lượng lý thuyết, tăng thời gian thực hành. Nhà trường đang liên kết với gần 100 doanh nghiệp từ việc tuyển sinh đến đào tạo và kết nối tạo việc làm cho học sinh, sinh viên. Trong các kỳ thực tập, các em được bố trí thực hành tại những doanh nghiệp uy tín như: Công ty TNHH Canon Việt Nam, Công ty TNHH Hamaden Việt Nam, Công ty TNHH Điện lạnh Hòa Phát… Sau thời gian thực hành, thực tập tại doanh nghiệp, các em được rèn tay nghề, tác phong làm việc nên đáp ứng tốt yêu cầu tuyển dụng sau khi ra trường. Do vậy, những năm qua tại trường, tỉ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm là 98%, một số nghề 100% học sinh, sinh viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp…
Cũng với mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, Trường Cao đẳng Công nghiệp Hưng Yên quan tâm đầu tư, hiện đại hóa cơ sở vật chất, thiết bị, phát triển đội ngũ giáo viên, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy; đổi mới chương trình, phương thức đào tạo… Chương trình đào tạo của trường được xây dựng và triển khai theo hướng hiện đại, mở, linh hoạt, coi trọng các giờ học thực hành, thường xuyên bổ sung, cập nhật kiến thức mới nhằm thực hiện đào tạo sát với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Cùng với đó, trường tích cực điều tra nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; tập trung đào tạo các ngành, nghề doanh nghiệp có nhu cầu cao về nhân lực, tạo cơ hội tìm việc sau tốt nghiệp cho học sinh, sinh viên như: Điện tử công nghiệp, may thời trang, công nghệ thông tin, hàn…
Một giờ học ở Trường Cao đẳng Cơ điện và Thuỷ lợi
Để góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, thời gian qua, tỉnh đã tổ chức rà soát, sắp xếp, cơ cấu lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc phạm vi quản lý. Đến nay, toàn tỉnh có 26 cơ sở GDNN, gồm: 10 trường cao đẳng (trong đó có 6 trường cao đẳng được công nhận ngành, nghề trọng điểm), 6 trường trung cấp, 10 trung tâm GDNN - giáo dục thường xuyên cấp huyện. Các bậc trình độ đào tạo GDNN được hình thành theo hướng mở, liên thông. Các cơ sở GDNN đang đào tạo các cấp trình độ gồm: Cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, ngắn hạn với khoảng 60 ngành, nghề, trong đó có 23 ngành, nghề trọng điểm. Cơ cấu ngành/nghề đa dạng, bao gồm các lĩnh vực: Công nghiệp, nông nghiệp, thương mại và dịch vụ. Đội ngũ nhà giáo GDNN từng bước được đào tạo, bồi dưỡng tiến tới đạt chuẩn về trình độ đào tạo, kỹ năng nghề, năng lực sư phạm. Cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo được đầu tư theo danh mục thiết bị đào tạo tối thiểu và nội dung chương trình đào tạo. Chương trình, giáo trình đào tạo thường xuyên được điều chỉnh, bổ sung phù hợp với tình hình thực tiễn; đưa nội dung kỹ năng làm việc trong doanh nghiệp; an toàn, vệ sinh lao động vào chương trình đào tạo, chú trọng phát triển phẩm chất, giáo dục nhân cách. 100% trường cao đẳng, trung cấp sử dụng giáo án điện tử, quản lý hồ sơ, sổ sách bằng phần mềm điện tử… Chất lượng và hiệu quả GDNN từng bước được nâng lên, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và thị trường lao động; kỹ năng nghề của người học được nâng cao. Tính đến hết năm 2023, tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 69%. Tỉ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt khoảng 31%. Tỉ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt trên 92%.
Tuy nhiên, nguồn lao động qua đào tạo nghề, nhất là lao động có kỹ năng nghề phục vụ nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp còn thiếu về số lượng, hạn chế về chất lượng. Chất lượng, hiệu quả hoạt động của một số cơ sở GDNN còn yếu, chưa đáp ứng yêu cầu…
Với sự nỗ lực của tỉnh trong thu hút đầu tư, dự báo thời gian tới, nhu cầu tuyển dụng lao động chất lượng cao, nhất là ở những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại các khu công nghiệp tăng. Năm 2024, tỉnh đặt ra mục tiêu: Tỉ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt 92,5%. Tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 70%. Tỉ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt khoảng 32%. Để đạt được mục tiêu này, các đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp đã đề ra trong Kế hoạch số 213-KH/TU ngày 1/8/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 4/5/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng GDNN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 như: Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lí, nhà giáo, người dạy nghề; phát triển chương trình, học liệu, phương pháp và thiết bị đào tạo…
Cùng với đó, Sở Lao động - Thương binh xã Xã hội phối hợp với các đơn vị, địa phương tiếp tục quan tâm công tác dự báo nhu cầu lao động. Các cơ sở GDNN đổi mới chương trình giảng dạy, đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, nhân lực giảng dạy phù hợp với công nghệ, kỹ thuật mới của doanh nghiệp…
Nguồn: https://baohungyen.vn