Việt Nam tiến tới là trung tâm đầu tư tác động hàng đầu khu vực Đông Nam Á, mở ra cơ hội khai phá tiềm năng, thúc đẩy hợp tác, phát triển cho các doanh nghiệp tác động xã hội và cộng đồng yếu thế.
Đầu tư tác động là một phương thức sáng tạo để thúc đẩy đóng góp của khu vực tư nhân vào sự phát triển bền vững. (Ảnh: Hạnh Nguyễn/Vietnam+)
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, đầu tư tác động đang nổi lên như một động lực then chốt cho sự phát triển bền vững.
Khẳng định mạnh mẽ xu hướng này, Diễn đàn Đầu tư Tác động Việt Nam 2024, diễn ra ngày 24/10, đã quy tụ hơn 100 đại diện là nhà lãnh đạo, chuyên gia và nhà đầu tư, doanh nghiệp cùng trao đổi nhằm kiến tạo một tương lai thịnh vượng và công bằng hơn cho Việt Nam.
Phương thức đầu tư sáng tạo
Diễn đàn năm nay có chủ đề Thúc đẩy Đầu tư Tác động cho Tương lai Bền vững, được tổ chức bởi Viện Phát triển Doanh nghiệp thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Quỹ đầu tư Impact Investment Exchange (IIX), do Bộ Các Vấn đề Toàn cầu Canada (GAC) tài trợ.
Tại diễn đàn, tiến sĩ Lương Minh Huân, Viện trưởng Viện Phát triển Doanh nghiệp tại VCCI, nhấn mạnh đầu tư tác động là một khái niệm đã bắt đầu được phổ biến ở Việt Nam. Đây là hoạt động đầu tư vào các dự án nhằm tạo ra tác động cho xã hội hoặc môi trường.
“Đầu tư tác động là một phương thức sáng tạo để thúc đẩy đóng góp của khu vực tư nhân vào sự phát triển bền vững. Theo đó, các tổ chức kinh doanh tạo tác động xã hội đang tạo ra một làn sóng làm thay đổi nhiều khía cạnh cuộc sống và triết lý kinh doanh của các tổ chức kinh doanh truyền thống. Song song với lợi ích kinh tế, ngày càng có nhiều tổ chức kinh doanh mong muốn mang lại tác động tích cực cho xã hội và môi trường…,” tiến sĩ Lương Minh Huân chia sẻ.
Diễn đàn Đầu tư Tác động Việt Nam 2024, ngày 24/10, đã quy tụ hơn 100 đại diện là nhà lãnh đạo, chuyên gia và nhà đầu tư, doanh nghiệp cùng trao đổi nhằm kiến tạo một tương lai thịnh vượng và công bằng hơn cho Việt Nam. (Ảnh: Vietnam+)
Trên thực tế, các tổ chức kinh doanh lựa chọn hoạt động theo hướng tạo ra tác động xã hội và môi trường đang ngày càng nhiều hơn và phát triển lớn mạnh. Từ đó, vai trò của khối tư nhân trong nỗ lực thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) sẽ được nâng cao.
Không nằm ngoài xu hướng thế giới, Việt Nam cũng có một hệ sinh thái đầu tư tác động sôi động và đang phát triển nhanh chóng. Theo báo cáo của Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư năm 2022, Việt Nam có khoảng 22.000 doanh nghiệp tác động xã hội và con số này có xu hướng tăng liên tục; trong đó số doanh nghiệp tác động xã hội có quy mô nhỏ và siêu nhỏ chiếm 89% và có đến 72% doanh nghiệp loại này có doanh thu dưới 5 tỷ đồng/năm. Các doanh nghiệp này tập trung nhiều trong các lĩnh vực như nông nghiệp, thủy sản, thực phẩm, giáo dục đào tạo kỹ năng, sinh kế phi nông nghiệp, tư vấn, hỗ trợ kinh doanh, thủ công mỹ nghệ …
Đánh giá về tiềm năng, ông Lương Minh Huân lạc quan cho rằng với hệ sinh thái đầu tư tác động sôi động và đang phát triển nhanh chóng, Việt Nam có cơ hội trở thành trung tâm đầu tư tác động hàng đầu Đông Nam Á, thu hút nhiều nguồn vốn quốc tế, đặc biệt là trong lĩnh vực doanh nghiệp xã hội. Song, mặc dù đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn cho đầu tư tác động, nhưng đầu tư tác động tại Việt Nam cũng đang đối mặt với những thách thức về khung pháp lý và tiếp cận nguồn vốn.
Do vậy, ông Lương Minh Huân cho hay diễn đàn được tổ chức nhằm mục đích để các nhà đầu tư, doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách xây dựng mối quan hệ hợp tác, chia sẻ ý tưởng và phát triển chiến lược nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tạo tác động xã hội, hỗ trợ các cộng đồng yếu thế, đặc biệt là phụ nữ, bằng cách giúp các doanh nghiệp tạo tác động xã hội (SIBs) sẵn sàng tiếp cận các nguồn vốn đầu tư.
Việt Nam trong nhóm dẫn đầu ASEAN
Điểm nổi bật của diễn đàn là sự ra mắt Báo cáo Chỉ số Đầu tư Tác động (Chỉ số Cam) - Một công cụ đo lường đột phá giúp đánh giá sự tiến bộ của các quốc gia trên con đường hướng đến một tương lai bền vững và bao trùm. Chỉ số là nền tảng của Phong trào Cam, một sáng kiến toàn cầu với tham vọng huy động 10 tỷ USD vào năm 2030 với mục tiêu trao quyền cho 100 triệu phụ nữ, trẻ em gái và các nhóm thiểu số giới. Bằng cách cung cấp một khung đánh giá rõ ràng về bình đẳng giới và hành động khí hậu, Chỉ số Cam đã làm nổi bật những tiến bộ đã đạt được và các lĩnh vực cần đầu tư thêm trong hệ sinh thái tác động.
Cụ thể, Chỉ số đánh giá ba trụ cột chính: Tác động Cộng đồng-Bình đẳng giới-Bảo vệ khí hậu với thang điểm từ 1 đến 100 (trong đó 100 là mức đánh giá cao nhất về thành tựu đạt được).
Đây là báo cáo nằm trong chuỗi theo dõi 4 năm về sự phát triển của hệ sinh thái đầu tư tác động tại Việt Nam. Chỉ số Cam Việt Nam 2024 đạt 50 điểm, xếp vào hàng các quốc gia dẫn đầu ASEAN và vượt qua mức trung bình toàn cầu là 41 điểm. Theo báo cáo, Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong lĩnh vực bình đẳng giới với 49 điểm, cao hơn mức trung bình toàn cầu và vượt qua phần lớn các quốc gia trong khu vực ASEAN. Điều này phản ánh vai trò quan trọng của các doanh nghiệp tác động xã hội trong việc trao quyền cho phụ nữ thông qua lãnh đạo và tham gia kinh tế.
Chỉ số Cam Việt Nam 2024 đạt 50 điểm, xếp vào hàng các quốc gia dẫn đầu ASEAN và vượt qua mức trung bình toàn cầu là 41 điểm. (Ảnh: Vietnam+)
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn tồn tại những thách thức trong lĩnh vực bền vững môi trường, khi chỉ đạt 43 điểm. Điều này chỉ ra những khu vực cần có các can thiệp cụ thể, đặc biệt là trong quản lý chất thải, bảo tồn nước và sức khỏe đất.
Theo giáo sư Durreen Shahnaz, Giám đốc điều hành và Người sáng lập Quỹ IIX, Chỉ số Cam năm 2024 cho thấy Việt Nam đang là một nền kinh tế đang trên đà dẫn đầu làn sóng tăng trưởng bền vững và bao trùm tiếp theo của ASEAN.
“Với sự hỗ trợ từ Bộ các Vấn đề Toàn cầu Canada, chúng tôi cam kết thúc đẩy Phong trào Cam, khai thác toàn bộ tiềm năng của hệ sinh thái tác động xã hội năng động tại Việt Nam. Sáng kiến này không chỉ có ý nghĩa về đầu tư; nó thể hiện sự cống hiến của chúng tôi cho một tương lai mà bình đẳng giới và bền vững là động lực chính để tạo ra sự tiến bộ có ý nghĩa cho tất cả mọi người,” Giáo sư Durreen Shahnaz nói.
Khẳng định Canada tiếp tục đồng hành với Việt Nam trong việc thúc đẩy đầu tư tác động, bà Khadija Jarik, Bí thư Thứ nhất Đại sứ quán Canada tại Việt Nam, cho biết Chương trình hợp tác phát triển của Canada đang giúp thu hút nguồn vốn tư nhân để hỗ trợ sự phát triển bền vững và bao trùm tại Việt Nam. Thông qua quan hệ đối tác với Quỹ IIX và VCCI, Canada đang nỗ lực nâng cao khả năng sẵn sàng thu hút đầu tư của các doanh nghiệp tạo tác động tại Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, nhằm thúc đẩy vốn tư nhân và trao quyền cho các cộng đồng yếu thế để giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường.
“Canada cam kết hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi trở thành trung tâm đầu tư tác động tại Đông Nam Á, thúc đẩy tiến trình đạt được các mục tiêu phát triển toàn diện của đất nước,” bà Khadija Jari nói.
Đánh giá chung từ các diễn giả, diễn đàn này là bước đi quan trọng nhằm hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm đầu tư tác động hàng đầu khu vực Đông Nam Á, mở ra cơ hội để khai phá tiềm năng, thúc đẩy hợp tác và phát triển cho các doanh nghiệp tác động xã hội và cộng đồng yếu thế./.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/