Chiều 17/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT (Ban Chỉ đạo) chủ trì họp phiên thứ 14 của Ban Chỉ đạo.
Phiên họp được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến giữa đầu cầu trụ sở Chính phủ với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang có các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải (GTVT) trên địa bàn.
Dự phiên họp có: Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh; các thành viên Ban Chỉ đạo, lãnh đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố; đại diện các ban quản lý dự án, chủ đầu tư, các nhà thầu…
Phiên họp nhằm kiểm tra, đôn đốc các công việc sau phiên họp lần thứ 13 và bàn các giải pháp, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, đến nay, danh mục các dự án mà Ban Chỉ đạo theo dõi gồm 40 dự án lớn/92 dự án thành phần trên 3 lĩnh vực: Đường bộ, đường sắt và hàng không, đi qua địa phận 48 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh từ nay đến cuối năm 2025, chỉ còn khoảng 15 tháng nữa, khối lượng công việc rất lớn. Do đó, Thủ tướng đề nghị cần thảo luận giải pháp đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng các dự án; áp dụng các kinh nghiệm quý báu từ dự án đường dây điện 500 kV mạch 3.
Theo đó, cần tạo phong trào thi đua sôi nổi, cách huy động các lực lượng, tạo sức mạnh tổng hợp với cả hệ thống chính trị vào cuộc dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội; các nhà thầu chính huy động thêm các nhà thầu phụ để tạo việc làm, sinh kế cho người dân, doanh nghiệp và nâng cao năng lực của các nhà thầu trên địa bàn…, tinh thần là "cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng, cùng phát triển".
Thủ tướng cũng dành thời gian phân tích ý nghĩa quan trọng của hạ tầng giao thông vận tải chiến lược. Đặc biệt, thống kê sơ bộ cho thấy siêu bão số 3 đã gây thiệt hại khoảng 40 nghìn tỷ đồng, chúng ta phải có giải pháp bù đắp lại những thiệt hại này, trong đó có nhiệm vụ đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, thúc đẩy 3 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá chiến lược về hạ tầng giao thông vận tải.
Do đó, việc triển khai các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cũng là thể hiện "tình dân tộc, nghĩa đồng bào", các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp phải tập trung làm với tinh thần, trách nhiệm vì dân, vì nước, đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện; biểu dương, khen thưởng những nơi làm tốt và xử lý các trường hợp trì trệ, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ theo quy định của Đảng, Nhà nước.
Tại phiên họp lần thứ 13 ngày 08/8/2024, Thủ tướng Chính phủ đã giao 42 nhiệm vụ cho các bộ, ngành và địa phương trong đó tập trung vào tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai công tác giải phóng mặt bằng, cấp nguồn vật liệu xây dựng, nhất là cho các dự án giao thông trọng điểm khu vực phía Nam.
|
Phiên họp được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến giữa đầu cầu trụ sở Chính phủ với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang có các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải
|
Theo báo cáo của Bộ GTVT, đến nay, các đơn vị đã hoàn thành 11 nhiệm vụ đúng thời hạn yêu cầu, đang tích cực triển khai 28 nhiệm vụ là công việc chỉ đạo, điều hành thường xuyên và 01 nhiệm vụ chưa đến hạn, chưa hoàn thành đúng hạn 02 nhiệm vụ, trong đó đã hoàn thành một số nhiệm vụ quan trọng.
Bộ Xây dựng đã hết sức tích cực, trách nhiệm, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức xây dựng và ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung các định mức xây dựng, góp phần hoàn thiện cả về số lượng, chất lượng định mức, hạn chế các bất cập, phù hợp hơn với thực tiễn; đã ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương xác định chi phí liên quan đến cấp mỏ vật liệu xây dựng theo cơ chế đặc thù, tháo gỡ nhiều khó khăn trong việc xác định và quản lý chi phí cho các dự án trọng điểm ngành GTVT.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh Nghị quyết số 273/NQ-UBTVQH15 về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên tại dự án Cao tốc Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2021-2025; đã có văn bản gửi các địa phương phổ biến Nghị định số 91/2024/NĐ-CP ngày 18/7/2024 về thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của một số Luật nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong đầu tư xây dựng; đã trình Thủ tướng Chính phủ phương án điều chỉnh kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách trung ương trong nước năm 2024.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hướng dẫn tỉnh Bến Tre khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường theo cơ chế đặc thù phục vụ các dự án.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã báo cáo phương án đầu tư mở rộng đoạn TP Hồ Chí Minh - Long Thành; đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hướng dẫn các đơn vị trực thuộc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về di dời đường điện cao thế.
Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương đã phối hợp Bộ Nội vụ, Bộ GTVT và các địa phương tổ chức lễ phát động đợt thi đua cao điểm "500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc".
Bộ GTVT đã trình Bộ Chính trị Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam; đã trình Chính phủ Nghị quyết triển khai Nghị quyết số 138/2024/QH15 của Quốc hội về chủ trương đầu tư xây dựng đường cao tốc Gia Nghĩa-Chơn Thành.
Về công tác chuẩn bị đầu tư, TP Hồ Chí Minh đã phối hợp cùng các tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Long An để báo cáo Thủ tướng Chính phủ về chủ trương lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Vành đai 4 TP Hồ Chí Minh; Thủ tướng Chính phủ đã giao các bộ, ngành xử lý các kiến nghị của TP Hồ Chí Minh.
Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương đã điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án TP Hồ Chí Minh -Thủ Dầu Một - Chơn Thành. Tỉnh Cao Bằng đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để làm rõ các ý kiến thẩm định về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ.
Bộ GTVT đang thẩm định nội bộ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu; đã hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam theo Nghị quyết của Chính phủ và gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thẩm định (lần 2).
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với UBND TP. Hà Nội hoàn thiện hồ sơ và báo cáo Thủ tướng, Phó Thủ tướng về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đường sắt đô thị Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo.
Về công tác lập, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, tỉnh Ninh Bình đã phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Ninh Bình-Hải Phòng.
Tỉnh Thái Bình đang trình Hội đồng thẩm định liên ngành thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Nam Định - Thái Bình; tỉnh Sơn La đang hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Hòa Bình - Mộc Châu theo ý kiến thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng; tỉnh Lâm Đồng đang chỉ đạo nhà đầu tư hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Tân Phú - Bảo Lộc theo ý kiến thẩm định; tỉnh Lâm Đồng và Bình Dương đang tổ chức thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Bảo Lộc - Liên Khương và dự án TP Hồ Chí Minh -Thủ Dầu Một - Chơn Thành.
Ngày 04/9/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ đã họp cùng tỉnh Lâm Đồng và các bộ, ngành để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ phê duyệt dự án Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương.
Về công tác giải phóng mặt bằng, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Ban Chỉ đạo lần thứ 13 và Công điện số 80/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 16/8/2024, các địa phương đã tích cực triển khai công tác này và có sự chuyển biến đáng kể.
Tuy nhiên, do phần diện tích còn lại chủ yếu là đất ở, việc triển khai xác định nguồn gốc, phương án đền bù phức tạp nên một số địa phương vẫn chưa đáp ứng yêu cầu như: Đồng Nai, Bình Dương, Khánh Hòa, Lạng Sơn.
Về vật liệu xây dựng, với các dự án khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ, nguồn cung cấp vật liệu đã cơ bản đáp ứng nhu cầu thi công.
Với các dự án khu vực phía nam, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giao chỉ tiêu cung ứng vật liệu cho các dự án, các địa phương đã phối hợp cùng các chủ đầu tư, nhà thầu triển khai các thủ tục liên quan đến cấp mỏ cho các dự án, tuy nhiên tiến độ triển khai còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Ngoài tỉnh Vĩnh Long đã cấp 1,1/3,4 triệu m3, các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre vẫn đang triển khai thủ tục cấp mỏ, bổ sung mỏ.
Dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, tỉnh Đồng Nai đang triển khai, hoàn thiện các thủ tục cấp mỏ, nhưng còn chậm hơn so với yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Về công tác triển khai thi công, triển khai phong trào "500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc", Bộ GTVT đã phối hợp cùng các địa phương được giao làm cơ quan chủ quản rà soát kế hoạch triển khai, xây dựng tiến độ chi tiết, đặc biệt là các công việc có tính chất đường "găng" để đôn đốc các đơn vị.
Đa số các dự án có đủ nguồn vật liệu và điều kiện giải phóng mặt bằng thuận lợi, tiến độ thi công đáp ứng yêu cầu.
Một số dự án có giá trị thực hiện lớn như Cao tốc Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2021-2025 thi công đạt 52%, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua An Giang đạt 26%, Vành đai 4 Hà Nội đoạn qua Hà Nội đạt 33%, dự án Tuyên Quang - Hà Giang đoạn qua Hà Giang đạt 35%, Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh đoạn qua Long An đạt 41%, Cao Lãnh - An Hữu đoạn qua Đồng Tháp đạt 36%, Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua Bà Rịa-Vũng Tàu đạt 35%, một số dự án thành phần đang phấn đấu hoàn thành sớm từ 3 đến 6 tháng.
Tuy nhiên, việc triển khai thi công các dự án tại một số địa phương còn chậm như Cần Thơ, Sóc Trăng tại dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Bắc Ninh tại dự án Vành đai 4 Hà Nội, Cao Bằng tại dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Lạng Sơn mới triển khai thi công dự án Hữu Nghị - Chi Lăng; đặc biệt là tại các dự án có kế hoạch hoàn thành năm 2025 gồm: Đồng Nai tại dự án thành phần 1 Biên Hòa-Vũng Tàu và dự án thành phần 3 Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh; Bình Dương tại dự án Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh; Tuyên Quang tại dự án Tuyên Quang - Hà Giang.
Về dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đang nỗ lực triển khai bám sát tiến độ đề ra; đã mở thầu gói thầu J3-1 và đang giải quyết các thủ tục liên quan để triển khai thi công. Đồng thời, Bộ GTVT đã tổng hợp và trình điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.
Về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, việc xây dựng trụ sở các cơ quan quản lý nhà nước đang được triển khai đáp ứng tiến độ. Đã thi công đạt 94% khối lượng phần bê tông cốt thép Đài kiểm soát không lưu, bám sát tiến độ đề ra;
Gói thầu nhà ga hành khách đã hoàn thành toàn bộ phần bê tông cốt thép, đang tiến hành lắp dựng kết cấu thép mái theo đúng kế hoạch; các gói thầu khác và hạng mục đường cất hạ cánh, đường lăn, 02 tuyến giao thông kết nối đang được nỗ lực triển khai để đáp ứng kế hoạch;
Dự án nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất đã hoàn thành công tác bê tông, lắp đặt hệ mái dàn thép; đang triển khai các hạng mục còn lại bám sát tiến độ.
Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đã đào 297 m và lắp đặt 186 vòng vỏ hầm đoạn đi ngầm. Dự án đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên tiếp tục chạy thử đến tháng 11/2024 để phục vụ việc đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống, đào tạo nhân sự vận hành.
Với các dự án thuộc khu vực chịu ảnh hưởng của cơn bão số 3, các chủ đầu tư đã thực hiện nghiêm các công điện của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT, chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống nên ảnh hưởng không đáng kể, các công trình xây dựng không gây ngập úng cho các khu vực lân cận; hiện các đơn vị đang khắc phục, sửa chữa đường công vụ, đường điện,... để thi công trở lại.
Các báo cáo, ý kiến tại phiên họp thống nhất đánh giá, để triển khai nhiệm vụ về đầu tư xây dựng hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông đã được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII thông qua, Quốc hội và Chính phủ đã dành nguồn lực lớn, tập trung đầu tư các dự án đường bộ cao tốc, cảng hàng không, đường sắt, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả nước với nhiều lực lượng tham gia triển khai các dự án.
Đến nay, tổng số dự án thuộc danh mục Ban Chỉ đạo là 40 dự án/92 dự án thành phần trên 3 lĩnh vực là đường bộ, đường sắt và hàng không; đi qua địa phận của 48 tỉnh, thành phố.
Sau 13 phiên họp, đến nay cả nước đã hoàn thành 2 dự án/12 dự án thành phần (cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 và Tuyên Quang-Phú Thọ) với tổng chiều dài 674 km đi qua 15 tỉnh, thành phố, nâng tổng số đường bộ cao tốc lên 2.021 km. Cả nước đang xây dựng, thi công khoảng 1.700 km cao tốc và chuẩn bị khởi công 1.400 km cao tốc nữa.
Phong trào thi đua "500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc vào năm 2025" (do Thủ tướng Chính phủ phát động vào ngày 18/8/2024 tại Đắk Lắk) được sự hưởng ứng, tin tưởng ủng hộ của nhân dân, làm tiền đề hoàn thành mục tiêu đưa vào khai thác 5.000 km đường bộ cao tốc vào năm 2030.
Ban Chỉ đạo đã xử lý, tháo gỡ nhiều vướng mắc khó khăn, trong đó có các vướng mắc kéo dài, như vốn cho các dự án đường sắt đô thị, cao tốc Bến Lức-Long Thành, việc tiếp tục thi công dự án đường sắt đô thị tuyến Nhổn-Ga Hà Nội; xử lý nguồn vật liệu xây dựng, công tác giải phóng mặt bằng; tiến độ triển khai nhiều dự án bảo đảm yêu cầu.
Thực hiện kết luận của Ban Chỉ đạo tại phiên họp lần thứ 13, đến nay, các bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành 11 nhiệm vụ đúng thời hạn yêu cầu, đang tích cực triển khai 28 nhiệm vụ là công việc chỉ đạo, điều hành thường xuyên và 1 nhiệm vụ chưa đến hạn.
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận phiên họp
|
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, trong bối cảnh hiện nay cần bứt phá, tăng tốc để thực hiện các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, trong đó có mục tiêu xây dựng 3.000 km cao tốc tới năm 2025 và 5.000 km cao tốc tới năm 2025; đồng thời ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, khắc phục hậu quả, thiệt hại rất nặng nề do bão lũ, thiên tai gây ra.
Do đó, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, nhà thầu tư vấn, thiết kế, giám sát… căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cam kết của mình cần tích cực, chủ động hoàn thành các công việc được phân công trong thúc đẩy các công trình, dự án trọng điểm quốc gia, quan trọng ngành GTVT, góp phần thúc đẩy giải ngân đầu tư công, tạo ra không gian phát triển mới, khu công nghiệp, dịch vụ mới, gia tăng giá trị đất đai, giảm chi phí logistics, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế-xã hội.
Thay mặt Ban Chỉ đạo, Thủ tướng biểu dương các bộ, cơ quan và địa phương đã thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Đồng thời, các cơ quan, địa phương chưa thực hiện tốt cần rút kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, không để các vướng mắc kéo dài phải kiểm điểm tại nhiều phiên họp. Nơi nào đã làm tốt thì làm tốt hơn nữa; nơi nào chưa làm tốt thì phải cố gắng, học tập những nơi làm tốt; nơi nào trì trệ, chậm chễ, không hoàn thành nhiệm vụ thì phải xử lý theo quy định.
Theo Thủ tướng, cơn bão số 3 đã gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản, nhưng qua các khó khăn càng thấy được sức mạnh của nhân dân, của sự đoàn kết, tinh thần tự lực, tự cường, tương thân tương ái của dân tộc. Hiện nay, thời tiết biến đổi bất thường, bất lợi, Bộ GTVT và các địa phương cần tiếp tục phát huy tinh thần "vượt nắng thắng mưa, không thua gió bão", chủ động ứng phó với tình hình thời tiết bất lợi để triển khai các công việc đáp ứng tiến độ yêu cầu.
Thời gian tới, chúng ta phải tiếp tục thực hiện mục tiêu hoàn thành 3.000 km cao tốc tới năm 2025 và 5.000 km cao tốc tới năm 2030; hoàn thành các dự án đường sắt, các sân bay Long Thành, Tân Sơn Nhất, Nội Bài… bảo đảm tiến độ, chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn, vệ sinh môi trường, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Thủ tướng khẳng định, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, những kết quả, kinh nghiệm và bài học qua các nhiệm kỳ, qua lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nhiều dự án như đường dây 500 kV mạch 3 Phố Nối (Hưng Yên)-Quảng Trạch (Quảng Bình), dự án sân bay Long Thành… chúng ta nhất định sẽ thực hiện thành công các dự án trọng điểm của ngành giao thông. "Cơn bão số 3 đã gây thiệt hại rất lớn về người về tài sản, nhưng dù khó khăn bao nhiêu, chúng ta vẫn phải hoàn thành mục tiêu đã đề ra", Thủ tướng nhấn mạnh.
Về các nhiệm vụ chung, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm để hoàn thành mục tiêu của Phong trào thi đua "500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc"; đồng thời áp dụng các bài học kinh nghiệm quý báu trong các dự án trọng điểm ngành giao thông, với trách nhiệm cao nhất, "tất cả vì Nhân dân, vì sự phát triển của đất nước, vì niềm tự hào của dân tộc ta".
Thủ tướng khái quát một số bài học kinh nghiệm:
Thứ nhất, bài học về công tác quản lý lãnh đạo, điều hành, chỉ đạo, chỉ huy với: Tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó.
Thứ hai, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động sức mạnh tổng lực với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, lực lượng quân đội, công an, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội, các doanh nghiệp và đặc biệt là người dân với tinh thần "trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt", "tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng". Thực hiện "4 tại chỗ" gồm chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, trang thiết bị tại chỗ, hậu cần tại chỗ.
Thứ ba, chủ đầu tư, các đơn vị thi công thực hiện dự án phải nỗ lực không ngừng nghỉ, chủ động tích cực, bản lĩnh của ngành giao thông và sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, các doanh nghiệp ở cả Trung ương và địa phương, doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, các nhà thầu chính tạo điều kiện, hợp tác để các doanh nghiệp, nhà thầu địa phương làm nhà thầu phụ để từng bước lớn mạnh, với tinh thần "chia sẻ, thấu hiểu, cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển, cùng có niềm vui, hạnh phúc và niềm tự hào".
Thứ tư, tăng cường công tác hiệp đồng giữa các lực lượng, giữa các cấp, các ngành, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị bảo đảm khoa học, hiệu quả công việc; phân công phải rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ sản phẩm, rõ kết quả; kết quả phải cân đong, đo, đếm được để từ đó dễ kiểm tra, dễ giám sát và dễ đánh giá.
Thứ năm, xây dựng, phát động phong trào thi đua yêu nước sôi nổi, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, kịp thời động viên, khen thưởng, tạo không khí hăng say làm việc, tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc, phê bình, xử lý kịp thời những tổ chức, cá nhân làm không tốt, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; các cơ quan truyền thông báo chí nỗ lực, làm tốt công tác tuyên truyền, khắc họa gương người tốt, việc tốt trên công trường, dự án, vận động người dân, tạo sự đồng thuận, đồng lòng triển khai dự án.
Giao các nhiệm vụ cụ thể với các địa phương trong chuẩn bị đầu tư, Thủ tướng yêu cầu Hà Nội, Cao Bằng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để sớm phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Đồng Đăng-Trà Lĩnh và đường sắt đô thị Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo (Hà Nội).
Các tỉnh Sơn La, Thái Bình, Ninh Bình, Bình Dương bám sát kế hoạch đề ra, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để hoàn thành các thủ tục, sớm phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án Hòa Bình-Mộc Châu (hoàn thành trong tháng 10 năm 2024); Ninh Bình-Hải Phòng đoạn qua Nam Định, Thái Bình theo phương thức PPP (phấn đấu hoàn thành tháng 10/2024), TP Hồ Chí Minh -Thủ Dầu Một-Chơn Thành theo nghị quyết của Chính phủ.
Tỉnh Lâm Đồng khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, rà soát phương án đầu tư, sớm phê duyệt dự án cao tốc Tân Phú-Bảo Lộc, Bảo Lộc-Liên Khương; hoàn thành trong tháng 10/2024.
TP Hồ Chí Minh phối hợp với các bộ, ngành để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, giải quyết các thủ tục đầu tư để sớm trình cấp có thẩm quyền thông qua chủ trương đầu tư dự án Vành đai 4 TP Hồ Chí Minh .
Thành phố Hà Nội chủ trì tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền cân đối tổng mức đầu tư giữa các dự án thành phần thuộc Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội.
Về giải phóng mặt bằng, các địa phương phối hợp với các chủ đầu tư để xây dựng kế hoạch triển khai giải phóng mặt bằng, tập trung vào các vị trí đường "găng" để ưu tiên triển khai trước; chủ động tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tăng cường công tác dân vận để đẩy nhanh giải phóng mặt bằng các dự án bám sát tiến độ yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 80/CĐ-TTg, nhất là với các dự án đường bộ cao tốc có kế hoạch hoàn thành năm 2025.
Các tỉnh Đồng Nai, Khánh Hòa, Tuyên Quang, Đà Nẵng, Hưng Yên, Bình Dương, Kiên Giang, Lạng Sơn huy động cả hệ thống chính trị, xác định công tác giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ trọng tâm, quyết tâm, nỗ lực, khắc phục các khó khăn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, đáp ứng tiến độ triển khai các dự án.
Tỉnh Lạng Sơn chủ động làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường để được hướng dẫn thủ tục bổ sung chỉ tiêu sử dụng đất giao thông cho dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh, không để ảnh hưởng đến tiến độ công tác giải phóng mặt bằng.
Về vật liệu xây dựng, các địa phương được giao làm cơ quan chủ quản các dự án chủ động trong việc tìm kiếm, nguồn vật liệu phục vụ thi công các dự án đáp ứng tiến độ yêu cầu; phối hợp chặt chẽ với các địa phương có mỏ vật liệu để hoàn thiện các thủ tục cấp mỏ đảm bảo nguồn vật liệu đắp, không để ảnh hưởng đến tiến độ các dự án, nhất là tỉnh Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh .
Về triển khai thi công, các địa phương được giao nhiệm vụ là các cơ quan chủ quản chỉ đạo các chủ đầu tư, các nhà thầu thi công phối hợp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, xây dựng kế hoạch tổ chức thi công hợp lý, phù hợp điều kiện giải phóng mặt bằng nguồn vật liệu, điều kiện thời tiết; linh hoạt tổ chức thi công phù hợp với điều kiện thời tiết các khu vực bắt đầu vào mùa mưa; xây dựng kịch bản ứng phó với tình hình thời tiết bất thường như bão, lũ để bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người lao động, máy móc, giảm thiểu tối đa thiệt hai do bão lũ; tổ chức thi công 3 ca, 4 kíp để hoàn thành các dự án thuộc danh mục 3.000 km có kế hoạch hoàn thành trong năm 2025 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; nhất là dự án Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh (đoạn qua Đồng Nai và Bình Dương), Biên Hòa-Vũng Tàu (Đồng Nai), Tuyên Quang-Hà Giang (Tuyên Quang) chậm tiến độ, cần có sự chủ động, quyết tâm, nỗ lực vượt bậc của các cơ quan chủ quản, các chủ đầu tư, các nhà thầu để bảo đảm tiến độ đề ra.
Các tỉnh có khối lượng thi công còn thấp như Cần Thơ, Sóc Trăng, Bắc Ninh cần rà soát lại toàn bộ kế hoạch triển khai, tập trung tháo gỡ về vật liệu xây dựng, chỉ đạo nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công tại các khu vực đã có mặt bằng, các hạng mục không bị ảnh hưởng bởi nguồn vật liệu; rà soát năng lực của nhà thầu thi công để kịp thời xử lý theo quy định nếu triển khai chậm tiến độ.
Tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng đẩy nhanh tiến độ thi công dự án Hữu Nghị-Chi Lăng và Đồng Đăng-Trà Lĩnh. Thành phố Hà Nội, các tỉnh Hòa Bình, Sơn La đẩy nhanh các thủ tục để sớm khởi công dự án dự án thành phần 3 Vành đai 4 Hà Nội, cao tốc Hòa Bình-Mộc Châu (khởi công đoạn qua Hòa Bình trong tháng 9/2024 theo đúng kế hoạch của tỉnh).
TPHCM kiểm soát chặt chẽ tiến độ triển khai để đưa vào khai thác dự án đường sắt đô thị Bến Thành-Suối Tiên đúng tiến độ đề ra (trong tháng 11/2024).
Tỉnh Hà Giang rà soát ngân sách để báo cáo cấp thẩm quyền giải quyết các khó khăn về nguồn vốn ngân sách địa phương tham gia dự án Tuyên Quang-Hà Giang.
Các tỉnh bị ảnh hưởng của cơn bão số 3 chỉ đạo các chủ đầu tư, tư vấn rà soát, điều tra bổ sung các số liệu thủy văn để cập nhật (nếu có), bảo đảm các giải pháp thiết kế phù hợp với các biến đổi của thời tiết.
Giao nhiệm vụ cho các bộ ngành, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT tiếp tục chỉ đạo các chủ đầu tư, các nhà thầu phối hợp với các địa phương đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025, Biên Hòa-Vũng Tàu, Hòa Liên-Túy Loan trong năm 2025 và dự án thành phần 2 Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột, đường Hồ Chí Minh theo kế hoạch.
Triển khai lựa chọn nhà đầu tư để sớm khởi công dự án Dầu Giây-Tân Phú; hoàn thiện thủ tục để trình Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Biên Hòa-Vũng Tàu; phối hợp chặt chẽ với Bộ KH&ĐT trong việc thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam.
Khẩn trương tổng hợp ý kiến của các cơ quan liên quan, hoàn thiện báo cáo Thường trực Chính phủ về phương án mở rộng đoạn TP Hồ Chí Minh -Long Thành thuộc dự án đường cao tốc TP Hồ Chí Minh -Long Thành-Dầu Giây theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà.
Khẩn trương báo cáo Thường trực Chính phủ về dự án thành phần 4 sân bay Long Thành theo đúng chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà. Khẩn trương chuẩn bị hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án sân bay Long Thành theo chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ để trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Bộ TN&MT sớm hướng dẫn các địa phương về thời gian được phép hoạt động khai thác trong ngày đối với khai thác cát, sỏi lòng sông.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm hoàn thiện báo cáo thẩm định dự án Tân Phú-Bảo Lộc và Ninh Bình-Hải Phòng đoạn qua Nam Định, Thái Bình; đẩy nhanh các thủ tục thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam. Phối hợp với UBND TP Hồ Chí Minh khẩn trương hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án xây dựng đường Vành đai 4 TP Hồ Chí Minh theo quy định của pháp luật, kịp thời trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Bộ NN&PTNT báo cáo cấp có thẩm quyền để bố trí vốn cho dự án trụ sở cơ quan kiểm dịch động, thực vật, bảo đảm việc khai thác đồng bộ sân bay Long Thành; chủ trì, phối hợp Bộ GTVT, Bộ TN&MT làm việc với cơ quan thuộc Quốc hội để giải trình Nghị quyết điều chỉnh chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên của dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tiếp tục chỉ đạo Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc (VEC) phối hợp với các cơ quan liên quan để sớm hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án mở rộng đoạn TP Hồ Chí Minh -Long Thành, gửi Bộ GTVT để tổng hợp, báo cáo Thường trực Chính phủ; sớm hoàn thiện thủ tục lựa chọn nhà thầu gói thầu J3-1, đồng thời đẩy nhanh tiến độ thi công các gói thầu còn lại hoàn thành toàn bộ dự án Bến Lức - Long Thành trong năm 2025.
Chỉ đạo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam kiểm soát chặt chẽ chất lượng, tiến độ các dự án cảng hàng không; đẩy nhanh tiến độ lựa chọn nhà thầu, thiết kế kỹ thuật các gói thầu còn lại của nhà ga hành khách Long Thành. Tiếp tục chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị trực thuộc đẩy nhanh việc di dời các đường điện cao thế.
Cho ý kiến giải quyết các đề xuất, kiến nghị, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GTVT với vai trò cơ quan thường trực phát huy hơn nữa tính chủ động, phối hợp cùng Văn phòng Chính phủ để đôn đốc các nhiệm vụ được giao, kịp thời tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền để giải quyết các khó khăn, vướng mắc.
Nguồn: https://dangcongsan.vn/