KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2025)
Văn hóa - Xã hội
Đăng ngày: 04/04/2024 - Lượt xem: 348
Đề phòng nguy cơ bùng phát bệnh truyền nhiễm

Theo Bộ Y tế, hiện nay, một số bệnh truyền nhiễm đang có nguy cơ bùng phát nhanh như sởi, cúm gia cầm A/H5N1 và các bệnh truyền nhiễm khác. Vì vậy, tăng cường giám sát, phát hiện, xử lý triệt để các ổ dịch là yêu cầu thường xuyên để bệnh không lây lan rộng trong cộng đồng.

Bộ Y tế cảnh báo nguy cơ bùng phát sởi do số ca mắc toàn cầu tăng lên và tỉ lệ tiêm chủng trong nước giảm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong thời gian qua cùng với việc gián đoạn cung ứng các vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng năm 2023. Năm 2023, tại tỉnh Hưng Yên, tỉ lệ tiêm vắc xin phòng sởi – rubella cho trẻ 18 tháng tuổi đạt 86,94%, tỉ lệ tiêm vắc xin DPT4 (phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván) cho trẻ 18 tháng tuổi đạt 54,34%. Nguyên nhân tỉ lệ chưa đạt do thiếu vắc xin phòng sởi, vắc xin phòng lao, vắc xin phòng bại liệt. Riêng vắc xin DPT-VGB-Hib (vắc xin phối hợp phòng 5 bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib) không có trong nhiều tháng liền dẫn đến tỉ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi năm 2023 chỉ đạt 77,23% so với kế hoạch.
Hiện nay đang trong giai đoạn thời tiết nồm ẩm là điều kiện thuận lợi cho bệnh về đường tiêu hóa, hô hấp bùng phát. Đầu tháng 3, tại Trường mầm non Liên Nghĩa (Văn Giang) đã ghi nhận chùm ca bệnh có biểu hiện nôn, đau bụng, tiêu chảy cấp. Kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm phát hiện ca dương tính với Rota vi rút. Ngay sau khi ghi nhận chùm ca bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh có văn bản đề nghị trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường chỉ đạo các khoa, phòng y tế công cộng, các trạm y tế tích cực, chủ động giám sát dịch bệnh tiêu chảy do Rota vi rút và các dịch bệnh khác, triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, không để lây lan ra cộng đồng. Đồng thời, phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch trong nhà trường; khử trùng, tiêu độc môi trường lớp học; sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; hướng dẫn học sinh rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh…
Phun hoá chất tiêu độc khử trùng tại Trường THCS Thiện Phiến (Tiên Lữ)
Theo số liệu báo cáo trên phần mềm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 5 ca mắc sốt xuất huyết, 12 ca mắc tay chân miệng, trên 1,4 nghìn ca mắc cúm mùa, 65 ca mắc Covid-19… Tuy nhiên, một số bệnh viện chưa triển khai báo cáo trên phần mềm theo quy định của Bộ Y tế. Do vậy, có thể số bệnh nhân còn nhiều hơn so với số báo cáo trên hệ thống…
Bác sĩ Nguyễn Viết Linh, Trạm trưởng Trạm Y tế thị trấn Khoái Châu (Khoái Châu) cho biết, năm 2023 do gián đoạn vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng nên tỉ lệ trẻ được tiêm thấp. Từ đầu năm 2024, vắc xin đã được cấp phát đầy đủ. Trạm rà soát tiêm bù, tiêm vét cho những trẻ chưa tiêm nhằm giảm thiểu nguy cơ bùng phát dịch; theo dõi tình hình tiêm chủng của trẻ trên địa bàn, thông báo lịch tiêm chủng, vắc xin tiêm chủng để người dân đưa trẻ đến tiêm đúng lịch, đủ liều. Đồng thời, tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe, phổ biến kiến thức cho người dân các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại gia đình và cộng đồng như bảo đảm vệ sinh nguồn nước ăn uống, nước sinh hoạt, sử dụng dinh dưỡng đầy đủ, an toàn, ăn chín, uống sôi…
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiếp tục duy trì phối hợp với các đơn vị y tế theo dõi, giám sát tình hình bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh; truyền thông phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt đối với các dịch bệnh đang nổi lên, dịch bệnh mùa đông xuân, giao mùa xuân hè; duy trì đội đáp ứng nhanh, bảo đảm đầy đủ nhân lực, vật lực ứng phó kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra trên địa bàn.
Đối với bệnh cúm gia cầm trên người, hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh. Vi rút A/H5N1 là chủng cúm độc lực cao, người bị nhiễm thường diễn tiến nặng, tỉ lệ tử vong cao, khoảng 50%. Để chủ động phòng, chống dịch cúm A/H5N1 lây từ gia cầm sang người, người dân không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc, ăn chín, uống sôi, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn; không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết, tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay với chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn; hạn chế tiếp xúc, giết mổ, ăn các loại động vật hoang dã, đặc biệt là chim. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm, phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan