KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2024)
Kinh tế
Đăng ngày: 30/10/2024 - Lượt xem: 39
Đề xuất thành lập Quỹ Hỗ trợ đầu tư để thu hút nhà đầu tư chiến lược

Về một số nội dung sửa đổi, bổ sung trong Luật Đầu tư, Chính phủ đề xuất thành lập Quỹ Hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu và các nguồn hợp pháp khác để thu hút nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ doanh nghiệp đối với một số ngành, nghề ưu đãi đầu tư.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình tóm tắt dự án Luật. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Tiếp tục Kỳ họp thứ 8, sáng 30/10, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.
Bổ sung quy định về thủ tục đầu tư đặc biệt
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tóm tắt dự thảo Luật, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đối với Luật Đầu tư, các nội dung sửa đổi gồm phân quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ cho UBND cấp tỉnh đối với dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất; dự án đầu tư xây dựng mới bến cảng, khu bến cảng có quy mô vốn đầu tư dưới 2.300 tỷ đồng thuộc cảng biển đặc biệt.
Cùng với đó là dự án đầu tư không phân biệt quy mô thuộc phạm vi bảo vệ của khu vực I và khu vực II của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt, trừ các dự án đầu tư thuộc khu vực bảo vệ I của di tích quốc gia đặc biệt thuộc Danh mục di sản thế giới nhằm tạo chủ động cho các địa phương.
Dự thảo cũng quy định việc thành lập Quỹ Hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu và các nguồn hợp pháp khác để thu hút nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ doanh nghiệp đối với một số ngành, nghề ưu đãi đầu tư.
Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Đồng thời, quy định việc chấm dứt hoạt động đối với các dự án chậm tiến độ, dự án không được triển khai thực hiện trong nhiều năm, gây lãng phí đất đai nhằm giải phóng nguồn lực để phát triển kinh tế-xã hội.
Chính phủ cũng đề xuất bổ sung quy định về thủ tục đầu tư đặc biệt theo hướng chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm nhằm đơn giản hóa thủ tục đầu tư, rút ngắn thời gian triển khai dự án để tạo cơ chế thuận lợi, cạnh tranh nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược.
Theo đó, thủ tục đầu tư đặc biệt áp dụng đối với một số dự án thuộc lĩnh vực đổi mới sáng tạo, công nghiệp bán dẫn và các lĩnh vực công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế theo quy trình đăng ký đầu tư tại các Ban quản lý để cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong thời hạn 15 ngày.
Nhà đầu tư không phải thực hiện một số thủ tục để được cấp phép, chấp thuận hoặc phê duyệt trong 3 lĩnh vực cần sử dụng nhiều thời gian thực thủ tục hành chính là xây dựng, bảo vệ môi trường và phòng cháy, chữa cháy (dự kiến có thể cắt giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính đến 260 ngày).
Áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt cần gắn chế tài xử lý vi phạm
Thẩm tra các nội dung trên, về thủ tục đầu tư đặc biệt, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ rà soát kỹ và quy định rõ ràng, chặt chẽ về đối tượng được áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt này; nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ lưỡng, bảo đảm việc phân cấp thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đầu tư đặc biệt đáp ứng khả năng, năng lực quyết định, tổ chức, nguồn nhân lực của từng cấp quản lý, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Đồng thời, cần bổ sung chế tài gắn trách nhiệm cụ thể, xử lý vi phạm nhằm bảo đảm tính khả thi và hiệu quả trong triển khai thực hiện, nhất là đối với các dự án lớn, quan trọng, có tính chất chuyên ngành phức tạp, tác động lan tỏa tới phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, vùng và cả nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Về phân cấp thêm cho UBND cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng mới bến cảng, khu bến cảng thuộc cảng biển đặc biệt có quy mô vốn đầu tư dưới 2.300 tỷ đồng, theo cơ quan thẩm tra, quy định này chưa thể hiện sự khác biệt về điều kiện đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng mới bến cảng, khu bến cảng có quy mô vốn đầu tư từ 2.300 tỷ đồng trở lên đối với cảng biển đặc biệt và cảng biển loại I, do đó đề nghị nghiên cứu lại nội dung này, đồng thời cần rà soát bảo đảm tương thích với nội dung sửa đổi về quy mô dự án tại Luật Đầu tư công (sửa đổi) đang trình Quốc hội.
Ngoài ra, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, làm rõ và thống nhất việc quy định các chính sách ưu đãi đầu tư sẽ thể hiện cụ thể tại các luật chuyên ngành hay tại Luật Đầu tư vì hiện nay có một số luật chuyên ngành đang sửa đổi, dẫn chiếu việc hỗ trợ ưu đãi đầu tư theo Luật Đầu tư nhưng tại Luật Đầu tư không có quy định.
Rà soát lại quy định tại khoản 7 Điều 36a liên quan đến thực hiện thủ tục cấp Giấy phép môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, bảo đảm khả thi trong triển khai thực hiện; rà soát lại quy định đánh giá sự phù hợp của dự án đầu tư với các loại quy hoạch, bổ sung trường hợp hoặc phân loại các dự án chậm tiến độ theo mức độ hoàn thành để có chế tài xử lý đối với việc chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư phù hợp và bảo đảm lợi ích tổng thể phát triển chung.
Nguồn: https://nhandan.vn
Tin liên quan