KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Kinh tế
Đăng ngày: 20/02/2024 - Lượt xem: 303
Dệt may: Đẩy mạnh phát triển thương hiệu, tận dụng các cơ hội thị trường

Rất nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển thương hiệu, trong đó, không ít doanh nghiệp đã xây dựng cả chiến lược nhằm đưa sản phẩm ra thị trường Thế giới.

Doanh nghiệp dệt may đẩy mạnh khâu thiết kế, tạo lợi thế cạnh tranh. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Nhiều năm qua, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã tập trung phát triển và xây dựng thương hiệu, hướng đi này không chỉ tạo giá trị cao hơn trong các đơn hàng xuất khẩu mà ngay cả thị trường nội địa, những sản phẩm “made in Vietnam” đã tạo vị thế vững chắc, chinh phục người tiêu dùng.
Tạo luồng gió mới
Mới đây, Tổng Công ty May 10 đã đưa ra thị trường hai dòng sản phẩm mang thương hiệu Generos và DeTheia nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Trong đó, Generos sẽ hướng tới phân khúc khách hàng trẻ tuổi, được kỳ vọng sẽ mang lại luồng gió mới, phong cách trẻ trung, năng động; DeTheia là dòng sản phẩm cao cấp dành cho nữ giới.
Không chỉ hai dòng sản phẩm trên, nhiều năm trước, May 10 đã không ngừng đầu tư, thiết kế và đưa ra nhiều sản phẩm thời trang đa phong cách, chủng loại phong phú với nhiều chất liệu, kiểu dáng theo xu thế của thời trang Việt Nam và quốc tế như dòng sản phẩm Eternity GrusZ, May10 M series hay dòng sản phẩm ECO là một trong những dòng sản phẩm mới mang đặc trưng riêng, gần gũi với thiên nhiên. Các sản phẩm này gồm các chất liệu tơ tằm, Linen, các loại vải sợi tự nhiên,... không gây hại cho môi trường và người sử dụng.
Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 chia sẻ doanh nghiệp đã có những bộ sưu tập riêng nhằm đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng. Với quy mô 12.000 lao động, riêng các nhà thiết kế, bộ phận phát triển mẫu, phát triển thị trường,... lên tới hơn 300 người sẽ giúp May 10 sớm đạt mục tiêu tăng tỷ trọng ODM (thiết kế-sản xuất-bán thành phẩm), ngoài tỷ trọng tăng FOB (mua nguyên liệu, sản xuất, bán thành phẩm) hiện nay.
Bên cạnh xuất khẩu, ngay từ những năm 1992, đơn vị đã xây dựng thương hiệu May 10 bán tại thị trường nội địa. Với thương hiệu này, May 10 làm theo phương thức OBM (sản xuất, gắn thương hiệu gốc), không khác gì những nhãn hiệu thời trang toàn cầu, chỉ khác ở chỗ bán tại thị trường trong nước. Qua đó, từng bước tiếp cận nhằm phát triển ở thị trường thế giới, với việc xuất khẩu thương hiệu của chính May 10, thay vì đang làm FOB hay ODM cho các thương hiệu nước ngoài.
"Ðây là cái May 10 đã nhìn thấy chuỗi giá trị và phân tích rất rõ trong chiến lược hàng chục năm hình thành và phát triển, đồng thời May 10 cũng tập trung sâu vào việc nâng cao giá trị trong chuỗi thay vì làm gia công đơn thuần," ông Thân Ðức Việt nhấn mạnh.
Dệt may đáp ứng các tiêu chí Xanh để thúc đẩy xuất khẩu. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Tương tự, Tổng Công ty cổ phần May Việt Tiến đã từng bước khẳng định được tên tuổi và vị thế trên thị trường với những thương hiệu nổi tiếng như Viettien, Viettien Smartcasual San Sciaro, Manhattan, T-up, Vietlong, Camellia…
Với hơn 1.300 cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm trên toàn quốc, ông Bùi Văn Tiến, Tổng Giám đốc Tổng Công ty cổ phần May Việt Tiến cho rằng, mục tiêu đến năm 2030, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa, hướng tới đạt tỷ trọng xuất khẩu mang thương hiệu Việt Tiến chiếm từ 10 đến 15% tổng giá trị xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam, với kim ngạch đạt 1,2-1,4 tỷ USD toàn hệ thống.
Không chỉ May 10, Việt Tiến, hiện có rất nhiều doanh nghiệp như may Ðức Giang, Nhà Bè,... cũng đang tập trung đẩy mạnh phát triển thương hiệu, trong đó, không ít doanh nghiệp đã xây dựng cả chiến lược nhằm đưa sản phẩm ra thị trường thế giới.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) nhận định, thị trường nội địa với quy mô 100 triệu dân đang được doanh nghiệp hướng đến bằng cách thay đổi và ứng dụng nhiều phương thức để thiết kế mẫu sản phẩm, quảng bá nhãn hàng nhằm chinh phục thị trường.
“Hiệp hội sẽ tiếp tục sát cánh cùng doanh nghiệp, phối hợp hợp với các tổ chức quốc tế triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp về quản trị, chuyển đổi Xanh, công nghệ mới, xây dựng thương hiệu... nhằm đẩy mạnh sản xuất hàng hóa và phát triển thị trường,” lãnh đạo Vitas nói
Chú trọng khâu thiết kế
Hiện nay, xuất khẩu Việt Nam đang nằm trong tốp các nước đứng đầu thế giới. Tuy vậy, việc chủ động được nguồn nguyên phụ liệu, đẩy mạnh được khâu thiết kế chắc chắn sẽ đem lại giá trị cao hơn.
Ông Lê Tiến Trường Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho hay, là ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, nhưng sự đa dạng của các nguồn nguyên vật liệu trong nước còn hạn chế, làm giảm năng lực cạnh tranh của ngành.
Để đáp ứng và tháo gỡ được điểm nghẽn này, cần tập trung phát triển nguồn nguyên phụ liệu trong nước nhưng theo xu thế Xanh và tuần hoàn, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe hơn về xác định nguồn gốc xuất xứ, cũng như các sắc thuế bổ sung có thể áp dụng trong thời gian tới như ERP (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, CBAM (cơ chế điều chỉnh biên giới carbon).
Cũng theo lãnh đạo Vinaex, hiện năng lực sản xuất vải nội địa chỉ mới đáp ứng được 36% nhu cầu, thị phần vải nhập khẩu đang chiếm đến 64%. Như vậy, Việt Nam cần có một chiến lược bài bản để đa dạng hóa nguồn cung nhằm đảm bảo duy trì chuỗi cung ứng dệt may bền vững.
“Việt Nam đang có lợi thế của người đi sau. Nếu chúng ta đã có một hệ thống sản xuất nguyên liệu lớn, thì giờ là lúc chúng ta phải lo chuyển đổi sao cho sản xuất được các nguyên liệu phù hợp kinh tế tuần hoàn. Trong khi thực tế do vẫn còn có tỷ lệ sản xuất nguyên liệu chưa cao, nên cơ hội là đầu tư mới cần điều chỉnh ngay vào khu vực sản phẩm đáp ứng yêu cầu này,” ông Lê Tiến Trường nói.
Tiến sỹ Hoàng Xuân Hiệp, Hiệu trưởng Trường đại học Công nghiệp dệt may Hà Nội nhấn mạnh, trong phát triển thời trang, khâu thiết kế chiếm vai trò hết sức quan trọng, chính vì vậy, các trường đào tạo cử nhân thiết kế thời trang đều trang bị những nội dung mới, phục vụ công tác giảng dạy, trong đó, có thể kể đến phần mềm 3D ảo với tiện ích vừa có thể tích hợp lựa chọn nguyên liệu, vừa thiết kế sản phẩm cơ sở, vừa phát triển bộ sưu tập thời trang và tổ chức sàn trình diễn thời trang ảo cho khách hàng xem và duyệt mẫu cũng như đưa ra yêu cầu điều chỉnh, thay đổi mầu sắc, chất liệu,... ngay trên mô hình ảo.
Trong phát triển thời trang, khâu thiết kế chiếm vai trò hết sức quan trọng. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Bên cạnh đó, nhà trường cũng đưa vào chương trình đào tạo đại học ngành thiết kế thời trang tất cả các xu thế mới của thế giới như thời trang Xanh, thời trang tái chế nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có thể ứng dụng được các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào trong thiết kế, sản xuất,...
Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp cần chủ động đầu tư các trang thiết bị hiện đại nhằm tăng năng suất, chuyển đổi phương thức sản xuất từ cắt may sang phương thức FOB, ODM, OBM để gia tăng giá trị, chất lượng sản phẩm; tiếp tục xu thế sản xuất Xanh, tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường và lấy đó là tiêu chí cạnh tranh cho dệt may Việt Nam./.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn
Tin liên quan