Trong những ngày đầu xuân, từ Hưng Yên, chúng tôi có dịp đến thăm Di tích quốc gia đặc biệt - Nhà tù Sơn La. Những bức ảnh tư liệu gắn trên tường đá rêu phong của nhà tù cùng lời giới thiệu truyền cảm của thuyết minh viên khiến chúng tôi trào dâng biết bao cảm xúc khi tận mắt nhìn thấy những chứng tích lịch sử minh chứng cho một thời kỳ đấu tranh cách mạng hào hùng, tinh thần bất khuất của những người cộng sản kiên trung mà tiêu biểu là đồng chí Tô Hiệu.
Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La
Năm 1908, thực dân Pháp bắt đầu xây dựng nhà tù Sơn La trên đỉnh đồi Khau Cả nay thuộc tổ 9, phường Tô Hiệu, thành phố Sơn La (tỉnh Sơn La). Qua 3 lần xây dựng và mở rộng, Nhà tù Sơn La có tổng diện tích 2.184m2. Thực dân Pháp đã biến nơi đây thành một “địa ngục trần gian” gồm các hạng mục: Cổng chính và tường rào bao quanh; hệ thống chòi canh gác; hệ thống phòng phạt giam ở cả trên và dưới lòng đất; khu sân chung nhà tù... Tuy nhiên, cũng chính tại chốn “địa ngục trần gian” này, khí tiết của những người cộng sản càng thêm chói sáng. Nơi đây đã ươm mầm những “hạt giống đỏ” đầu tiên cho phong trào cách mạng tại Việt Nam, tiêu biểu như các đồng chí: Trường Chinh, Lê Duẩn, Văn Tiến Dũng, Trần Quốc Hoàn, Nguyễn Lương Bằng… Đặc biệt, đồng chí Tô Hiệu được xem là cánh chim đầu đàn trong phong trào cách mạng tại Nhà tù Sơn La.
Đồng chí Tô Hiệu sinh năm 1912 trong một gia đình nhà nho nghèo có truyền thống yêu nước tại thôn Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ (Văn Giang). Tham gia cách mạng từ khi còn trẻ, đến năm 18 tuổi, đồng chí bị thực dân Pháp bắt và đày đi Côn Đảo. Ra tù, đồng chí tiếp tục hoạt động cách mạng. Đến cuối năm 1939, đồng chí một lần nữa bị kết án 5 năm tù và đày lên Nhà tù Sơn La. Tại đây, một lần nữa người cộng sản trẻ tuổi Tô Hiệu đã thể hiện ý chí kiên cường dũng cảm trước đòn roi tra tấn của địch, tham gia tích cực vào các cuộc đấu tranh chống bọn cai ngục. Đồng chí được bầu làm Bí thư chi bộ nhà tù Sơn La. Đồng chí tham gia viết báo, soạn tài liệu huấn luyện cán bộ. Đồng chí đã biến nhà tù của địch thành trường học đào tạo được nhiều cán bộ ưu tú cho Đảng.
Các du khách tham quan Di tích Quốc gia đặ biệt Nhà tù Sơn La
Chị Lò Thủy Tiên, thuyết minh viên Bảo tàng tỉnh Sơn La không nhớ mình đã tái hiện câu chuyện về những cống hiến của người chiến sĩ cộng sản Tô Hiệu biết bao lần. Dù nhớ rõ từng chi tiết, nhưng mỗi lần dẫn du khách tham quan và giới thiệu, chị Tiên luôn có những cảm xúc thật đặc biệt. “Mỗi khi giới thiệu câu chuyện về Tô Hiệu, tôi rất tự hào. Đó là lúc tôi được kể cho du khách, cho người dân về tinh thần đấu tranh kiên cường bất khuất của những người tù cộng sản ở đây, tiêu biểu là tấm gương Tô Hiệu. Qua đó người tới tham quan sẽ hiểu sâu hơn, tự hào hơn về dân tộc, lịch sử của quê hương mình" - Chị Tiên cho biết.
Ngược dòng lịch sử, khi ấy Tô Hiệu được coi là thành phần cực kỳ nguy hiểm và lấy cớ bị bệnh lao phổi, nên thực dân Pháp giam riêng Tô Hiệu tại một xà lim cạnh hành lang đi tuần. Đói, rét, bệnh tật, đòn roi dã man của kẻ thù chẳng những không đè bẹp được ý chí cách mạng của đồng chí, mà trái lại, còn hun đúc thêm ý chí gang thép của người cộng sản. Mặc dù bệnh lao phổi tàn phá cơ thể, nhưng Tô Hiệu vẫn miệt mài viết tài liệu, truyền đạt kinh nghiệm, huấn luyện đảng viên với tinh thần lạc quan cách mạng. Đồng chí thường ngồi trên bệ xi măng, mặt quay vào tường, hai đầu gối co lên áp vào ngực để nén cho vết thương trong phổi đỡ nhức nhối, vừa viết tài liệu vừa ho, đôi khi khạc ra máu. Cũng chính những ngày này, từ những giọt nước hiếm hoi trong ngục tối, Tô Hiệu đã gieo một mầm đào ngay bên ngách xà lim.
Ngày 7/3/1944, Tô Hiệu đã trút hơi thở cuối cùng khi mới 32 tuổi. Đồng chí Tô Hiệu mất đi nhưng tên tuổi và sự nghiệp mãi mãi ghi vào trang sử vẻ vang của dân tộc, trở thành biểu tượng “Tinh thần Tô Hiệu” của thế hệ lãnh đạo tiền bối tiêu biểu. Tinh thần ấy trường tồn cùng năm tháng, minh chứng cho sự bất diệt của một dân tộc chưa bao giờ khuất phục trước khó khăn, thử thách. Để tưởng nhớ người đồng chí thân yêu, những người cộng sản ở Nhà tù Sơn La đã khắc tấm bia mang tên “Tô Hiệu”, bí mật đặt dưới mộ đồng chí. Cây đào mà Tô Hiệu thường ngày chăm sóc tiếp tục được các đồng chí ở lại trông nom, cứ mỗi độ xuân về lại bật hoa hồng lộc biếc, gieo niềm hy vọng vào tương lai cách mạng. Trải qua những trận đánh phá bằng bom của thực dân Pháp năm 1952 và đế quốc Mỹ năm 1965, Nhà tù Sơn La bị phá hủy gần hết nhưng cây đào vẫn nguyên vẹn như một chứng nhân của lịch sử, khẳng định sức sống mạnh mẽ, ý chí quật cường của những chiến sĩ cộng sản. Sau này, cây được đặt tên là “cây đào Tô Hiệu”. Ngày nay, ai đến thăm nơi này đều muốn được đứng dưới tán cây xanh để nhớ về một thời kỳ đấu tranh oanh liệt của cách mạng Việt Nam.
Ngày 31/12/2014, Nhà tù Sơn La được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Mỗi năm, nơi đây đón hàng trăm nghìn lượt khách trong nước, quốc tế đến tham quan, là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Đồng chí Ngô Thị Hải Yến, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Sơn La cho biết: Để làm phong phú thêm hiện vật về di tích Nhà tù Sơn La, cũng như câu chuyện về Tô Hiệu, hằng năm, chúng tôi chủ động phối hợp với tỉnh Hưng Yên, thân nhân gia đình đồng chí Tô Hiệu để sưu tầm, bổ sung thêm các hiện vật. Các cán bộ, thuyết minh viên còn nghiên cứu những cuốn hồi ký, bài viết, phát biểu của các bậc tiền bối cách mạng, cựu tù nhân chính trị ở Nhà tù Sơn La để bổ sung, làm phong phú thêm tư liệu, thuyết minh, truyền tải đến Nhân dân và du khách.
Các du khách tham quan Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La
Đến với Nhà tù Sơn La và đứng dưới tán xanh của cây đào Tô Hiệu, thế hệ trẻ chúng tôi như được hiểu thêm những lát cắt lịch sử oanh liệt trong công cuộc đấu tranh anh dũng, kiên cường, bất khuất vì độc lập, tự do dân tộc của các chiến sĩ cộng sản trung kiên. Tấm gương và tinh thần Tô Hiệu sẽ mãi là tài sản vô giá đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam nói chung, đặc biệt là niềm tự hào của quê hương Hưng Yên nói riêng.
Nguồn: https://baohungyen.vn