Từ ngày 1/1/2024, Luật Thi đua, khen thưởng được kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV thông qua ngày 15/6/2022 chính thức có hiệu lực thi hành (Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022) và thay thế các quy định về thi đua, khen thưởng trước đó. Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 được Nhân dân rất đồng tình trước những thay đổi lớn trong quy định về thi đua, hình thức, đối tượng được khen thưởng; việc khen thưởng tập trung hướng đến những người làm việc trực tiếp.
Khi nghe thông tin Nhà nước điều chỉnh các quy định về thi đua, khen thưởng, chị Nguyễn Vân Anh, ở xã Dị Chế (Tiên Lữ) kỳ vọng các phong trào thi đua ở địa phương sẽ có thêm động lực. Theo chị, vui nhất là hội viên các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội và công nhân, nông dân… chỉ cần nỗ lực học tập, lao động, đạt thành tích xuất sắc, hoặc có thành tích, cống hiến đặc biệt là được khen thưởng mà không cần phải đợi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp bình xét cuối năm.
Lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh động viên công nhân làm việc trong dây chuyền sản xuất của Công ty Cổ phần may Hải Triều Hưng Yên
Đồng chí Nguyễn Đình Tuệ, Trưởng ban Thi đua - khen thưởng (Sở Nội vụ) cho biết: Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 có 8 chương, 96 điều với nhiều điều chỉnh, bổ sung về nguyên tắc xét thi đua, khen thưởng và nguyên tắc khen thưởng; mở rộng đối tượng khen thưởng, bổ sung hình thức khen thưởng và cải cách hành chính, phân cấp, phân quyền trong công tác thi đua, khen thưởng... Trong đó, thay đổi quan trọng nhất là bỏ quy định đăng ký thi đua là căn cứ xét tặng danh hiệu thi đua. Căn cứ xét tặng danh hiệu thi đua từ nay sẽ bao gồm: Phong trào thi đua; Thành tích thi đua; Tiêu chuẩn danh hiệu thi đua. Luật Sửa đổi, đưa phong trào thi đua hướng về cơ sở, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, thiết thực, gắn với lợi ích của người trực tiếp tham gia thi đua, hạn chế tính hình thức trong thi đua, bảo đảm thực hiện đồng bộ ở 4 khâu (phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến). Luật đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong công tác thi đua, khen thưởng; hoàn chỉnh các loại hình khen thưởng và hệ thống tiêu chuẩn các hình thức khen thưởng phù hợp theo nguyên tắc “Thành tích đến đâu khen thưởng đến đó”, “Chú trọng khen thưởng cá nhân, tập thể, hộ gia đình trực tiếp lao động, sản xuất, kinh doanh; cá nhân, tập thể công tác ở địa bàn biên giới, trên biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”, hạn chế tối đa tình trạng “tích lũy, cộng dồn thành tích trong khen thưởng”, hạn chế trùng lặp, chồng chéo trong khen thưởng.
Về đối tượng được tặng Huân chương Lao động, trước đây chỉ xác định là “Cá nhân” và “Tập thể” thì nay Luật ghi rõ gồm: Cá nhân, công nhân, nông dân, doanh nhân, trí thức, nhà khoa học, tập thể, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, cá nhân, tập thể người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cá nhân, tập thể người nước ngoài. Ngoài ra, người nước ngoài có nhiều đóng góp cho đất nước Việt Nam nếu đủ điều kiện có thể được xét tặng Huân chương Hữu nghị, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ...
Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 bổ sung hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” đối với thanh niên xung phong có thành tích trong các cuộc kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, hoàn thành nhiệm vụ, trung thành với cách mạng, có thời gian tại ngũ từ 2 năm trở lên và thanh niên xung phong hy sinh trong khi làm nhiệm vụ trong các cuộc kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc đã được công nhận liệt sĩ.
Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 thể hiện rõ tinh thần cải cách hành chính. Khoản 4 Điều 84 của Luật nêu rõ, khi trình hồ sơ đề nghị khen thưởng ở Trung ương chỉ cần 1 bộ hồ sơ bản chính kèm theo các tệp tin điện tử của hồ sơ, trừ văn bản có nội dung bí mật nhà nước. Điều 85 quy định đề nghị xét tặng hình thức khen thưởng theo thủ tục đơn giản được áp dụng đối với các trường hợp: Cá nhân, tập thể lập được thành tích xuất sắc đột xuất trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, trong lao động, công tác, sản xuất, kinh doanh, học tập và nghiên cứu khoa học hoặc lĩnh vực khác hoặc có hành động dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, của Nhân dân... Luật cũng bổ sung quy định “Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng và trong hệ thống thi đua, khen thưởng, xây dựng cơ sở dữ liệu về thi đua, khen thưởng” (điểm e Khoản 2 Điều 89).
Để triển khai thực hiện Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 hiệu quả, tạo động lực cho các phong trào thi đua, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đồng chí Nguyễn Thị Tươi, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Thời gian tới, Sở Nội vụ tiếp tục tham mưu với tỉnh chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền, quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 7/4/2014 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”; tổ chức thực hiện tốt Luật Thi đua, khen thưởng và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống các văn bản về thi đua, khen thưởng, để công tác thi đua, khen thưởng thực sự là động lực mạnh mẽ trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Đổi mới, sáng tạo trong tổ chức các phong trào thi đua cả về nội dung, hình thức, gắn với nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị, doanh nghiệp. Nâng cao chất lượng công tác khen thưởng. Tăng cường tham mưu, hướng dẫn để việc khen thưởng hướng tới người trực tiếp lao động, sản xuất, công tác, chiến đấu và phục vụ chiến đấu, bảo đảm việc khen thưởng phải đạt mục đích động viên, giáo dục, nêu gương...
Nguồn: https://baohungyen.vn