Ngày 2/2, tại Trụ sở Chính phủ, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì Diễn đàn kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2024 với chủ đề “Hoàn thiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 - Động lực thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong giai đoạn mới”.
Đồng chủ trì Diễn đàn có đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Diễn đàn được truyền trực tuyến tới điểm cầu của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Dự diễn đàn tại điểm cầu Hưng Yên có đồng chí Nguyễn Lê Huy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hưng Yên
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) là 1 trong 4 thành phần kinh tế quan trọng. Những năm qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các cấp, các ngành, địa phương luôn quan tâm và ban hành, triển khai nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách để phát triển KTTT, HTX, góp phần giúp KTTT, HTX phát triển cả về số lượng và chất lượng; hỗ trợ tốt hơn cho các thành viên, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên, khu vực KTTT của nước ta đến nay chưa phát triển như mục tiêu, yêu cầu. Do đó, cần có tư duy, phương pháp, cách tiếp cận mới để góp phần tháo gỡ khó khăn, hạn chế bất cập, điểm yếu, vượt qua thách thức.
Theo báo cáo tại diễn đàn, ước tính đến năm 2023, cả nước có hơn 31.700 HTX, 158 liên hiệp HTX và 73.000 tổ hợp tác. Năm 2022, doanh thu bình quân của các HTX đạt gần 3,6 tỷ đồng/năm, tăng 35% so với năm 2021; lãi bình quân khoảng 366 triệu đồng/năm, tăng 71% so với năm 2021; thu nhập bình quân của một lao động thường xuyên trong HTX năm 2022 là 56 triệu đồng/người/năm. Chính phủ đã thực thi nhiều chính sách hỗ trợ KTTT, HTX; các HTX nỗ lực tìm kiếm thị trường và tăng cường sản xuất; công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, thành viên HTX được quan tâm; các chính sách về vốn, hỗ trợ hạ tầng, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường được sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình quốc tế, giúp KTTT, HTX phát triển…
Tại diễn đàn, đại diện các HTX, liên hiệp HTX, doanh nghiệp, các bộ, ngành, địa phương đã trao đổi, thảo luận những kết quả đã đạt được, tồn tại, hạn chế trong khu vực KTTT, HTX; các chính sách hỗ trợ phát triển KTTT, HTX hiện nay cũng như đề xuất phương hướng, giải pháp, các chính sách hỗ trợ cho khu vực KTTT, HTX thiết thực, hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận những ý kiến, đóng góp của các HTX, bộ, ngành, địa phương. Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, từ những cơ chế, chính sách và sự quan tâm của các cấp, ngành, KTTT, HTX cơ bản đã khắc phục được tình trạng yếu kém kéo dài, góp phần xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh, an ninh trật tự, an toàn xã hội, từng bước khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Thủ tướng Chính phủ chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong hoạt động KTHT, HTX và đề nghị thời gian tới các HTX, bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện một số nội dung, giải pháp như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về Luật HTX năm 2023; sớm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật HTX năm 2023; sớm hoàn thiện văn bản về vốn, đất đai… đối với lĩnh vực KTTT, HTX; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong HTX; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ bảo đảm thông thoáng, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với cơ chế thị trường; tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương; tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, của Chính phủ, nhất là Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.
Nguồn: https://baohungyen.vn