Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp (DN) dệt may trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Tình trạng công nhân phải giảm giờ làm, giảm ngày làm việc diễn ra ở không ít DN. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc các DN thiếu đơn hàng sản xuất.
Công nhân sản xuất tại Tổng công ty May Hưng Yên – Công ty cổ phần (thành phố Hưng Yên)
Ông Vũ Chiến Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Youngone Hưng Yên, xã Chính Nghĩa (Kim Động) cho biết: Công ty chuyên sản xuất quần áo xuất khẩu vào thị trường Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc. Năm nay, hoạt động của công ty rất khó khăn, số lượng đơn hàng giảm khoảng 60% so với cùng kỳ năm trước. Để bảo đảm việc làm cho hơn 2.100 người lao động, chúng tôi tìm kiếm các thị trường mới, chấp nhận làm những đơn hàng nhỏ lẻ, đòi hỏi kỹ thuật khó hơn nên công ty vào thế “ăn đong từng tháng” và gần như không có lợi nhuận. Do số lượng đơn hàng giảm nên số giờ làm việc của công nhân giảm khoảng 1 – 1,5 giờ/ngày so với năm trước, thu nhập trung bình của người lao động từ đầu năm đến nay cũng giảm xuống còn 8,3 đến 8,5 triệu đồng/người/tháng (năm 2022, thu nhập trung bình của người lao động trong công ty đạt 9 triệu đồng/người/tháng).
Hiện nay, tình trạng thiếu đơn hàng diễn ra ở nhiều DN dệt may xuất khẩu. Tại Tổng công ty May Hưng Yên – Công ty cổ phần (thành phố Hưng Yên), so với cùng kỳ mọi năm, số đơn hàng của công ty giảm mạnh, những đơn hàng thế mạnh rất ít, thay vào đó, công ty nhận làm những đơn hàng mới, khó hơn; giá gia công cũng giảm từ 15% đến 40%. Lúc này, để duy trì việc làm cho trên 2.070 lao động là cố gắng lớn của công ty. Chị Lý Thị Phượng, công nhân công ty cho biết: Từ đầu năm đến nay, tôi và công nhân trong công ty phải cắt giảm giờ làm, thu nhập vì thế giảm 10 – 15% so với năm trước. Mặc dù vậy, chúng tôi cùng nhau nỗ lực, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm để cùng công ty vượt khó trong giai đoạn hiện nay.
Không chỉ những DN dệt may lớn, sản xuất hàng xuất khẩu mà các DN có quy mô nhỏ, sản xuất hàng tiêu thụ nội địa cũng gặp rất nhiều khó khăn. Anh Vũ Mạnh Hồng, Giám đốc điều hành Công ty TNHH sản xuất và thương mại Nhật Hoa, xã Tân Quang (Văn Lâm) cho biết: Công ty chúng tôi có trên 100 đầu máy với 140 công nhân chuyên sản xuất các mặt hàng quần áo tiêu thụ trong nước. Từ đầu năm đến nay, sức tiêu thụ các mặt hàng của công ty giảm khoảng 50% so với năm trước. Hiện nay, lượng hàng ít nên công nhân giảm khoảng 1,5 giờ làm việc mỗi ngày, vì thế thu nhập của người lao động cũng giảm khoảng 10% so với năm trước. Chúng tôi đang tìm cách khắc phục theo hướng không sa thải công nhân, nhưng sẽ giảm giờ làm để duy trì lực lượng lao động, chờ thị trường phục hồi.
Theo thông tin từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam, liên tục từ cuối năm ngoái đến nay, DN dệt may cả nước nói chung và DN dệt may trên địa bàn tỉnh nói riêng gặp rất nhiều khó khăn. Không chỉ gặp khó khăn về số lượng đơn hàng, đơn giá hàng dệt may cũng bị giảm từ 15% đến 40%. Thêm vào đó, giá nguyên liệu, phụ liệu của ngành may mặc, dịch vụ logistics tăng cao cũng ảnh hưởng đến chi phí sản xuất và lợi nhuận, làm cho DN càng thêm khó khăn.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết: Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 100 DN dệt may, tạo việc làm cho trên 40.000 người lao động. Việc các DN dệt may bị giảm, thiếu đơn hàng đã ảnh hưởng lớn đến thu nhập, cuộc sống của hàng chục nghìn công nhân. Để vượt qua giai đoạn khó khăn này, các DN may mặc trên địa bàn tỉnh đã chủ động xây dựng, triển khai các phương án, giải pháp ứng phó linh hoạt. Trong đó, phải tìm kiếm các thị trường mới, đa dạng khách hàng, tích cực, chủ động học hỏi kinh nghiệm sản xuất ở các nước gia công hàng may mặc. Đồng thời, nâng cao tay nghề người lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, gia công những mặt hàng khó, đòi hỏi kỹ thuật cao mà các thị trường khác không làm được để có thể duy trì hoạt động sản xuất, mục tiêu là bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động.
Đứng trước những khó khăn hiện hữu, nhiều chủ DN dệt may mong muốn nhận được sự trợ giúp từ Nhà nước, như: Hỗ trợ về giảm, giãn, gia hạn các loại thuế, phí cho DN, tiếp tục giảm lãi suất vay và tạo điều kiện để DN may mặc tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi…
Theo dự báo của ngành Công Thương, ngành dệt may trong thời gian tới vẫn không khả quan do suy thoái kinh tế toàn cầu, chính sách tiền tệ thắt chặt khiến nhu cầu suy giảm tại các quốc gia nhập khẩu hàng dệt may lớn như: Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản. Để thúc đẩy phát triển sản xuất và hỗ trợ DN, Sở Công Thương phối hợp với các đơn vị làm việc với một số DN sản xuất công nghiệp trên trên địa bàn, trong đó có các DN lĩnh vực dệt may nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong công tác đầu tư xây dựng cũng như sản xuất, kinh doanh.
Nguồn: https://baohungyen.vn