KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Kinh tế
Đăng ngày: 24/11/2023 - Lượt xem: 394
Doanh nghiệp Hưng Yên khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực

Việt Nam đã trở thành thành viên nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)... Từ đó đã tạo cơ hội để các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, đưa hàng hoá, sản phẩm của Việt Nam thâm nhập thêm nhiều thị trường mới. Trên địa bàn tỉnh, nhiều doanh nghiệp đã bước đầu nắm bắt, khai thác tốt cơ hội để xây dựng, triển khai chiến lược phát triển, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Sản xuất tại Công ty cổ phần May và dịch vụ Hưng Long đóng trên địa bàn phường Dị Sử
(thị xã Mỹ Hào)
Nhằm nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước và người dân trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức hội nhập kinh tế quốc tế, trọng tâm là các FTA, được triển khai thực hiện với nhiều hình thức phong phú, phù hợp với từng nhóm đối tượng. Từ năm 2013 đến nay, Sở Công Thương chủ trì tổ chức 18 hội nghị phổ biến kiến thức về hội nhập quốc tế, riêng từ đầu năm đến nay tổ chức 3 hội nghị phổ biến, cập nhật kiến thức, thông tin về các FTA cho 570 người là cán bộ các sở, ngành, chủ doanh nghiệp và cán bộ, hội viên Hội Nông dân tỉnh. Cùng với công tác tuyên truyền, các hoạt động xúc tiến thương mại - đầu tư được tỉnh quan tâm tổ chức với sự tham dự của các doanh nghiệp, đối tác từ Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Belarus,... Sở Công Thương cũng tích cực đổi mới các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu quốc tế thông qua các hội nghị trực tuyến, các hội chợ, triển lãm quốc tế, hỗ trợ doanh nghiệp cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử quốc tế; cập nhật thông tin thị trường xuất, nhập khẩu... góp phần hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời tiếp cận, nắm bắt để định hướng, xây dựng, điều chỉnh phương án sản xuất, kinh doanh nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động trong những năm gần đây.
Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chủ động tìm hiểu, nghiên cứu và mạnh dạn tiếp cận thị trường mới, khai thác lợi thế từ các FTA. Tổng công ty May Hưng Yên - Công ty cổ phần là một trong những doanh nghiệp uy tín, có lợi nhuận cao trong ngành nhờ khả năng sản xuất sản phẩm có độ khó cao, đội ngũ lao động lành nghề và quản lý chi phí tốt. Từ nhiều năm trước Tổng công ty đã chuẩn bị và nỗ lực thay đổi để đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường tham gia các FTA (bao gồm các tiêu chí về sản xuất, chất lượng, môi trường, lao động...). Nhờ đó, Tổng công ty vượt qua khó khăn, thách thức thời gian qua để duy trì hiệu quả hoạt động của nhà máy sản xuất với trên 2 nghìn lao động, đạt mức thu nhập cao trong khối các doanh nghiệp dệt may của tỉnh. Hiện, Châu Mỹ và EU là 2 thị trường xuất khẩu chính Tổng công ty. Thời gian tới, việc tiếp tục tiếp cận, khai thác các FTA vẫn là động lực chính để Tổng công ty nỗ lực mở rộng thị trường xuất khẩu, phát triển thêm các bạn hàng tiềm năng mới.
Là doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng gạo, để tận dụng hiệu quả các FTA, thời gian qua, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển công nghệ An Đình, đóng trên địa bàn xã Ngọc Lâm (thị xã Mỹ Hào) đã không ngừng đổi mới công nghệ sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, mã số vùng trồng, các điều kiện về chiếu xạ... Đồng thời, Công ty chú trọng nâng cao chất lượng trong các khâu vận chuyển, chế biến và bảo quản sản phẩm. Đại diện công ty cho biết: Nhờ khai thác các FTA nên thị trường xuất khẩu của công ty ngày càng mở rộng. Hiện nay, các sản phẩm gạo xuất khẩu của Công ty đã có mặt tại hơn 30 quốc gia trên thế giới, trong đó phần đa là các thị trường khó tính của EU. Trong bối cảnh Việt Nam tham gia nhiều FTA thế hệ mới sẽ mở ra cơ hội để Công ty tiếp cận những thị trường mới, cũng như tận dụng các ưu đãi về thuế quan, các chính sách về xuất, nhập khẩu để phát triển thị trường…
Theo đánh giá của Sở Công Thương, các FTA thế hệ mới mang lại những tác động tích cực đối với sự phát triển kinh tế, giúp mở rộng thị trường xuất khẩu cho hàng hóa và sản phẩm của tỉnh, giúp các doanh nghiệp trong tỉnh tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, mạng lưới sản xuất toàn cầu; nâng cao giá trị xuất khẩu các mặt hàng chủ lực. Doanh nghiệp trong tỉnh có cơ hội để mở rộng phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh; tranh thủ được vốn đầu tư, công nghệ, tri thức, kinh nghiệm quản lý; tạo thêm nhiều việc làm và tăng thu nhập cho người dân, ổn định an sinh, xã hội. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, hầu khắp các thị trường đều đang gặp nhiều khó khăn, các cấp chính quyền, ngành chức năng của tỉnh tăng cường khuyến cáo, hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp tục tận dụng tốt nhất các ưu đãi từ các FTA đã có hiệu lực nhằm vượt qua giai đoạn khó khăn, lấy lại đà tăng trưởng xuất khẩu trong thời gian tới.
Với sự nỗ lực của doanh nghiệp, sự vào cuộc trách nhiệm và hiệu quả của các cấp chính quyền, những năm qua, giá trị xuất khẩu của tỉnh liên tục tăng trưởng cao, thể hiện rõ nét những tác động tích cực của hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và khai thác hiệu quả các FTA nói riêng. Nếu năm 2010 xuất khẩu của tỉnh mới đạt 594,56 triệu USD thì đến năm 2020 đã đạt 4.500 triệu USD, năm 2021, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đạt 5.479 triệu USD, tăng 14,82%; năm 2022, đạt 6.645 triệu USD tăng 18,7%; năm 2023, trong điều kiện khủng hoảng của kinh tế toàn cầu, giá trị xuất khẩu của tỉnh dự kiến đạt 5.808 triệu USD. Đến nay, sản phẩm của tỉnh đã có mặt tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ như các nước trong khối ASEAN, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, EU, Hoa Kỳ… Mặt hàng xuất khẩu ngày càng phong phú, bên cạnh các mặt hàng truyền thống như may mặc, thủ công mỹ nghệ, hàng nông sản… đã xuất hiện ngày càng nhiều sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng cao như nhóm sản phẩm, chi tiết cơ khí, linh kiện điện tử… Những kết quả đó tạo thêm niềm tin để các doanh nghiệp của tỉnh vững bước trên con đường hội nhập, khai thác tốt nhất các FTA đã có hiệu lực.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, quá trình hội nhập kinh tế, thực thi các FTA còn một số khó khăn do nhiều doanh nghiệp quy mô, tiềm lực hạn chế, nhận thức về hội nhập kinh tế quốc tế chưa cao; chưa đầu tư đúng mức trong việc đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học - kỹ thuật để nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa. Một số lĩnh vực chưa chủ động được nguồn nguyên liệu sản xuất đầu vào, còn phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu; việc đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn về lao động, sở hữu trí tuệ, sản xuất xanh,... cũng là thách thức cho doanh nghiệp. Đồng thời, các FTA cũng tạo ra sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt đối với doanh nghiệp ngay trên thị trường nội địa bởi những sản phẩm chất lượng, uy tín từ các doanh nghiệp, tập đoàn quốc tế đã dễ dàng nhập khẩu, phân phối tại Việt Nam.
Để vượt qua những khó khăn, thách thức trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và thực thi các FTA nói riêng, thời gian tới, các doanh nghiệp phải chủ động nâng cao năng lực quản trị, chất lượng nguồn nhân lực, cải thiện năng suất lao động và năng lực cạnh tranh để tham gia được và gắn kết chặt chẽ với các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, khai thác tốt các cơ hội của FTA. Sở Công Thương và các ngành chức năng, chính quyền các cấp, tiếp tục đồng hành hỗ trợ tối đa, tạo điều kiện thuận lợi giúp doanh nghiệp của tỉnh sớm vượt qua giai đoạn khó khăn, củng cố và nâng cao năng lực cạnh tranh, tích cực đầu tư chuyển đổi số, sản xuất “xanh”, sẵn sàng và chủ động khai thác thị trường các nước thành viên FTA ngay khi kinh tế thế giới có dấu hiệu hồi phục để lấy lại đà tăng trưởng, đóng góp cho phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra.
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan