KỶ NIỆM 135 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19/5/1890 - 19/5/2025)
Kinh tế
Đăng ngày: 22/05/2025 - Lượt xem: 33
Doanh nghiệp Hưng Yên ứng phó với chính sách thuế quan của Mỹ

Ngày 2/4/2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố áp mức thuế cơ bản 10% đối với hàng nhập khẩu từ tất cả các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới từ ngày 5/4 và áp dụng mức thuế đối ứng dành cho hàng hoá nhập khẩu từ Việt Nam là 46%. Sau đó phía Mỹ tuyên bố tạm dùng áp mức thuế đối ứng 90 ngày để đàm phán với các quốc gia có thâm hụt thương mại với Mỹ. Mức thuế này nếu chính thức áp dụng sẽ làm tăng giá thành, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu vào thị trường Mỹ, ảnh hưởng đến doanh nghiệp xuất khẩu, đời sống người lao động và mục tiêu tăng trưởng kinh tế của tỉnh năm 2025 khó có thể đạt được. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại, các doanh nghiệp đã tìm cách ứng phó.


Tổng Công ty may Hưng Yên - Công ty cổ phần (thành phố Hưng Yên) tăng giờ, tăng ca để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đơn hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ

Gần một tháng qua, gần 2.000 công nhân của Tổng Công ty may Hưng Yên - Công ty cổ phần (thành phố Hưng Yên) làm việc tăng giờ, tăng ca, phấn đấu hoàn thành các đơn hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ để giao cho khách hành sớm nhất có thể. Bà Phạm Thị Phương Hoa, Tổng giám đốc Tổng Công ty may Hưng Yên - Công ty cổ phần cho biết: Hiện nay, thị phần hàng hóa của Tổng Công ty may Hưng Yên xuất sang thị trường Mỹ chiếm khoảng 60%, mức thuế dao động từ 14% - 18% tùy từng loại sản phẩm. Nếu phía Mỹ áp thuế đối ứng 46% đối với hàng hóa xuất xứ từ Việt Nam sẽ ảnh hưởng tới doanh nghiệp. Trước mắt, với những đơn hàng đã ký, chúng tôi phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện; chủ động liên hệ với đối tác để tìm cách xử lý nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích cho cả hai bên và theo sát thị trường để tìm kiếm những đối tác, thị trường mới.

Theo sát diễn biến và những tác động của việc Mỹ áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết: Hiện nay, các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, trong đó có các doanh nghiệp thuộc hệ thống Tổng Công ty may Hưng Yên đứng trước thách thức lớn bởi tỷ lệ đơn hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ chiếm 60% - 70% sản lượng. Việc áp dụng mức thuế 46% còn chờ phán quyết cuối cùng từ phía Mỹ. Hiện tại các doanh nghiệp đều đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đơn hàng đã ký; kiến nghị Chính phủ, Hiệp hội ngành hàng đàm phán với Chính phủ Mỹ và đối tác nhập khẩu. Tuy nhiên, đây là dịp để các doanh nghiệp đánh giá lại năng lực vốn, công nghệ; cơ cấu lại thị trường; chủ động xây dựng kịch bản ứng phó linh hoạt, đồng bộ và đổi mới công nghệ để cạnh tranh về năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu suất quản trị doanh nghiệp.


Các doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường Mỹ đều đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đơn hàng
Trong ảnh: Giờ sản xuất tại Công ty cổ phần may và dịch vụ Hưng Long (thị xã Mỹ Hào)

Tiên lượng trước những yêu cầu khắt khe của thị trường hàng hóa toàn cầu, trong đó có thị trường EU, Mỹ và ứng phó với việc Mỹ áp thuế chống bán phá giá đối với hàng hóa nhập khẩu, thời gian qua Tập đoàn Hòa Phát đã chủ động cung cấp đầy đủ hồ sơ, dữ liệu chứng từ, truy xuất chuỗi cung ứng rõ ràng, minh bạch cho phía Bộ Thương mại Hoa Kỳ. Vì vậy, từ ngày 5/5/2025, các lô hàng ống thép hộp của Tập đoàn Hòa Phát được phép vào thị trường Mỹ với quy trình tự chứng nhận xuất xứ mà không bị áp thuế chống bán phá giá.


Ống thép hộp của Tập đoàn Hòa Phát được phép vào thị trường Mỹ với quy trình tự chứng nhận xuất xứ

Đại diện Tập đoàn Hòa Phát cho biết: Để có được điều này, Tập đoàn Hòa Phát đã đầu tư hệ thống sản xuất trên dây chuyền công nghệ hiện đại, các khâu sản xuất đều được tối ưu hóa nên có giá thành cạnh tranh. Đồng thời, hoàn thiện các thủ tục chứng minh nguồn gốc nguyên liệu thép nền sản xuất ống thép là từ Việt Nam. Tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh cả ở thị trường trong nước và xuất khẩu, nhất là những thị trường khó tính như Mỹ, EU với những sản phẩm thép chất lượng cao như: thép dự ứng lực, thép làm cáp cẩu, thép làm đinh vít chính xác...

Thực tế, việc doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ giao hàng, tìm thị trường “ngách” theo bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, đó chỉ là biện pháp tạm thời. Về lâu dài, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên nói riêng và các doanh nghiệp Việt Nam nói chung cần thúc đẩy liên kết chuỗi cung ứng, qua đó giảm phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu và hạn chế rủi ro từ biến động bên ngoài; chú trọng chuyển đổi số, đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình, nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng sức cạnh tranh. Với vai trò của Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, kiến nghị các cấp chính quyền và phối hợp với các cơ quan chức năng, tổ chức quốc tế để đề xuất các giải pháp thiết thực, bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro và duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu.

Nguồn: https://baohungyen.vn/

Tin liên quan