6 tháng đầu năm, kinh tế toàn cầu biến động do ảnh hưởng từ tình hình thế giới, giá xăng, dầu, nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, cước vận tải tăng cao... Những vấn đề trên đã khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy, lạm phát gia tăng, sức mua giảm. Nhiều DN vừa và nhỏ thuộc khu vực kinh tế tư nhân của tỉnh buộc phải giải thể hoặc chấm dứt hoạt động vì kinh doanh không hiệu quả. Tỉnh có 86 DN đăng ký giải thể, tăng 24,6%; có 420 DN tạm ngừng kinh doanh, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, vẫn có 780 DN đăng ký thành lập mới, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy vẫn có nhiều DN tìm ra cơ hội để phát triển sản xuất, kinh doanh. Dự báo, những tháng cuối năm, kinh tế thế giới tiếp tục có những biến động, khó khăn, do đó, các DN đã chủ động tập trung nhiều hơn vào những mục tiêu đầu tư ngắn hạn thay vì dài hạn, nhiều DN đã điều chỉnh giảm kế hoạch. Trong đó, nhóm DN dệt may chịu nhiều tác động tiêu cực bởi suy thoái kinh tế, giảm mạnh đơn hàng, nhất là đơn hàng xuất khẩu. Nhu cầu về sợi trên thế giới giảm khiến giá bán sợi giảm mạnh. Sản xuất các sản phẩm may mặc thiếu đơn hàng. Tuy nhiên, các DN đã lường trước khó khăn, chủ động bảo đảm nguyên liệu theo yêu cầu sản xuất và tích cực tìm kiếm, tiếp cận nhanh với các thị trường ngay khi nhận được dấu hiệu gia tăng. Ông Hoàng Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần may Thống Nhất (Tiên Lữ) cho biết: Để bảo đảm hoạt động sản xuất, DN sẵn sàng tìm kiếm và chấp nhận các đơn hàng nhỏ lẻ, chấp nhận cắt giảm lợi nhuận để giảm giá thành, bảo đảm sản phẩm đưa ra thị trường với mức giá linh hoạt, mềm mại, có sức cạnh tranh nhất. Hiện nay, dù đang đối mặt với việc các đơn hàng tiếp tục sụt giảm nhưng với niềm tin vào triển vọng dài hạn, các DN dệt may tiếp tục gia tăng tính liên kết giữa các DN trong cùng ngành hàng, trong cung ứng nguyên liệu đầu vào với sản xuất. Cùng với đó, tăng cường các giải pháp tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải để bảo đảm tiết kiệm chi phí, đáp ứng các yêu cầu về môi trường của các đối tác mua hàng; bố trí sản xuất linh hoạt để duy trì hoạt động sản xuất tối ưu; tiếp tục mở rộng hoạt động tìm kiếm khách hàng mới, cân đối lượng hàng tồn kho và tiêu thụ để bảo đảm lưu thông dòng tiền cũng như chất lượng sản phẩm… Nhờ vậy, 6 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp của tỉnh duy trì mức tăng trưởng khá, tăng 6,46% so với cùng kỳ năm trước.
Sản xuất tại Công ty TNHH kết cấu thép cơ khí xây dựng Hưng Yên (thị xã Mỹ Hào)
Đồng hành, chia sẻ với những khó khăn của DN, thời gian qua, các cấp chính quyền, ngành chức năng của tỉnh đã tích cực phối hợp, đẩy mạnh việc định hướng, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ hàng hoá cho DN. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp đi cơ sở, gặp gỡ đối thoại để nắm bắt thực tế tình hình sản xuất, kinh doanh của DN, đặc biệt là lắng nghe các kiến nghị về các vấn đề vướng mắc, khó khăn để chỉ đạo các ngành chức năng, chính quyền cơ sở hỗ trợ tháo gỡ theo thẩm quyền. Công tác tư vấn, hỗ trợ DN, cơ sở sản xuất tăng cường kết nối nắm bắt thông tin về nhu cầu sản xuất và liên kết hỗ trợ được ngành chức năng tăng cường. Tỉnh cũng tập trung hỗ trợ các DN ổn định, phát triển các sản phẩm chủ lực của tỉnh như dệt may, cơ khí, chế biến lương thực, thực phẩm…; nhất là hỗ trợ DN ứng dụng công nghệ, đầu tư cải tiến trang thiết bị máy móc, áp dụng các quy chuẩn, quy trình sản xuất hiện đại, bảo đảm chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại đa kênh, kết nối giao thương đa hình thức, hỗ trợ DN khai thác hiệu quả thị trường trong nước, hỗ trợ khai thác, mở rộng thị trường xuất khẩu. Tư vấn, hỗ trợ DN chuyển đổi số, tham gia các hoạt động thương mại điện tử giữa DN, cơ sở sản xuất và người tiêu dùng, khách hàng… Theo xếp hạng đánh giá chỉ số thương mại điện tử của các tỉnh, thành phố trên toàn quốc năm 2023 do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) vừa công bố trong tháng 4/2023, Hưng Yên xếp thứ 22, đạt 12,5 điểm. Trong đó, chỉ số thành phần về giao dịch giữa DN với người tiêu dùng của tỉnh đứng vị trí thứ 22, chỉ số về giao dịch giữa DN với DN đứng vị trí 14... Từ đó, giúp hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cơ sở, DN thuận tiện hơn; đặc biệt là nhóm DN sản xuất, kinh doanh nông sản chế biến, tiêu thụ các sản phẩm OCOP…
Cùng với đó, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính trên tinh thần chính quyền phục vụ, các dịch vụ công trực tuyến đã thực hiện ở cấp độ 4, giúp người dân, DN tiếp cận, sử dụng nhanh chóng và thuận lợi; cải cách môi trường kinh doanh cũng được tích cực thực hiện theo hướng rà soát liên tục nhằm phát hiện ngay vướng mắc của DN để tháo gỡ, kịp thời đơn giản hóa thủ tục hành chính, thay vì chờ DN phản ánh, đề xuất rồi mới họp, bàn cách tháo gỡ. Trong bối cảnh khó khăn này, tỉnh cũng đẩy mạnh đầu tư công và chú trọng đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư của DN, nhất là các dự án lớn, trọng điểm để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Nguồn: https://baohungyen.vn