Sản xuất, kinh doanh hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hiện đang là những hành vi vi phạm nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn đến doanh nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng.
Hệ thống máy móc tự động để sản xuất mỹ phẩm, thực phẩm chức năng giả.
Việc sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ đã trở thành vấn đề nhức nhối, diễn ra khắp mọi nơi, bày bán tràn lan trên thị trường, nhất là trên môi trường thương mại điện tử, gây không ít khó khăn đối với lực lượng chức năng.
Vấn đề nan giải
Thời gian qua, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc làm hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ của các nhãn hiệu nổi tiếng. Thế nhưng hiện nay, tình trạng này vẫn đang xảy ra ngày càng phức tạp, tinh vi hơn, với phương thức, thủ đoạn luôn thay đổi.
Khảo sát thực tế của phóng viên tại một số cửa hàng kinh doanh thiết bị điện tại Hà Nội như chợ Đồng Xuân, các phố Hai Bà Trưng, Nguyễn Lương Bằng, Xuân Thủy, Phùng Hưng,… không khó để mua được những loại bóng đèn, phụ kiện ngành điện mang các thương hiệu có uy tín như Philips, Rạng Đông, Panasonic, Mitsubishi,... Từ bóng đèn, quạt điện, dây điện, đến ấm điện, nồi cơm, bình nóng lạnh,… thứ gì cũng được bày bán kèm với lời khẳng định “chắc nịch” là hàng chính hãng.
Thế nhưng, bóng đèn LED Búp Rạng Đông loại 9w chính hãng đang được bán với giá công bố của hãng Rạng Đông là 75.000 đồng thì ở một số cửa hàng trên, giá chỉ 40-50.000 đồng. Người tiêu dùng khó có thể phân biệt được đâu là hàng thật, đâu là hàng giả, bởi hàng giả được đóng tem mác y hệt, chỉ không có tem phản quang chống hàng giả.
Đã có nhiều trường hợp người tiêu dùng mất tiền nhưng vẫn phải “ngậm bồ hòn” khi mua phải thiết bị điện “rởm”. Do không đạt chất lượng chuẩn, điện áp bị sụt giảm sẽ làm cho các thiết bị điện hoạt động liên tục gây hao phí điện năng, giảm tuổi thọ, dễ bị hỏng hóc, nơi tiếp xúc lỏng lẻo, lớp nhựa bảo vệ bên ngoài bị rạn nứt, rò điện, hoặc không dẫn điện.
Tuy nhiên, do thiếu hiểu biết hoặc tâm lý ham rẻ, nên không ít người “tặc lưỡi” mua những loại hàng giả này. Thực tế gần đây cũng có không ít trường hợp bị chập điện dẫn đến bị giật, cháy nổ gây thiệt hại nặng nề do có liên quan đến thiết bị điện không rõ nguồn gốc, xuất xứ và không đáp ứng được về chất lượng.
Không chỉ người dân, các nhãn hàng cũng bị ảnh hưởng rất nhiều bởi nạn hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Nhãn hàng càng phổ biến thì càng bị làm giả nhiều, từ máy tính, điện thoại, xe máy cho đến hàng tiêu dùng, thực phẩm, mỹ phẩm. Là nạn nhân của nạn hàng giả, hàng nhái nhiều năm qua, ông Dương Đức Duy, đại diện Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông bức xúc cho biết, Rạng Đông đã nhiều phen “điêu đứng” vì sản phẩm bị làm giả, nhái.
Hiện những chiếc đèn LED giả, nhái sản phẩm của Rạng Đông vẫn đang trôi nổi trên thị trường, thậm chí còn được chào bán, đưa vào nhiều hệ thống phân phối với mức giá hấp dẫn kèm chiết khấu cao. Điều này khiến doanh thu của công ty sụt giảm nghiêm trọng, làm cho người tiêu dùng bị thiệt hại vì mua phải sản phẩm với giá không tương xứng chất lượng. Cá biệt, có tổ chức còn tự mở đại lý, lập xưởng sản xuất sản phẩm có bao bì, hình thức, tên thương mại giống hệt Rạng Đông dù không thuộc hệ thống,...
Cần sự chung tay của toàn xã hội
Phó Tổng Cục trưởng Quản lý thị trường Nguyễn Thanh Bình cho rằng, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hiện đang là một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội. Hệ lụy tiêu cực mà nó mang lại ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, của chủ thể quyền đang được bảo hộ tại Việt Nam, khiến người tiêu dùng hiểu lầm, làm giảm uy tín của các nhà sản xuất, kinh doanh chân chính.
Trong khi đó, công tác đấu tranh phòng chống sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ lại đang là nhiệm vụ hết sức khó khăn, phức tạp, lâu dài, đòi hỏi sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các lực lượng chức năng và sự tham gia tích cực của toàn xã hội.
Thời gian vừa qua, lực lượng Quản lý thị trường với vai trò chủ công đã triển khai nhiều biện pháp, xây dựng nhiều kế hoạch kiểm tra, kiểm soát chống các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả và gian lận thương mại, đến nay cũng đạt nhiều kết quả, chuyển biến tích cực.
Theo báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), năm 2023, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã thanh tra, kiểm tra 71.928 vụ, phát hiện, xử lý 52.351 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 501 tỷ đồng; trong đó, đối với các vụ việc vi phạm về hàng giả, hàng xâm phạm quyền, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, đã kiểm tra 9.676 vụ việc, xử lý 9.246 vụ việc, phạt hành chính 92,5 tỷ đồng; trị giá hàng hóa vi phạm đạt hơn 118,3 tỷ đồng. Tại các địa bàn nổi cộm, tình trạng vi phạm đã giảm đáng kể so với trước đây; ý thức chấp hành pháp luật của các cá nhân, tổ chức sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh dần được cải thiện.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Như Quỳnh, nhìn chung những kết quả đạt được vẫn chưa thật sự bền vững, tình trạng hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ diễn biến ngày càng phức tạp, một phần do vi phạm liên tục có biến thể, phần khác do năng lực cán bộ thực thi còn những giới hạn nhất định.
Việc kiểm tra, xử lý của các lực lượng thực thi gặp không ít khó khăn trong cách nhận biết hàng thật, hàng giả, các hàng hóa được bảo hộ là những loại nào; các hình thức gian lận mới của các đối tượng sản xuất, kinh doanh; các phương thức kinh doanh mới, sự phối hợp giữa chủ thể quyền và cơ quan kiểm tra,…
Như vậy, cần hoàn thiện chính sách pháp luật, tăng cường đào tạo nâng cao chất lượng nhân lực, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, bởi nếu năng lực nhận biết hàng thật-giả của lực lượng chức năng còn hạn chế và nhất là, vẫn có sự “dung túng” của người tiêu dùng với sản phẩm giả thì mọi nỗ lực từ góc độ quản lý sẽ không mang lại hiệu quả cao.
Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng liên quan cần hoàn thiện hệ thống pháp luật theo kịp với yêu cầu thực tế, đẩy mạnh công tác phối hợp, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm giữa các bên liên quan trong công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân, doanh nghiệp chung tay phòng chống buôn lậu trong đó có hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ; phát triển cơ sở hạ tầng, cải tiến công nghệ, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng; cần đặt ra yêu cầu 100% cán bộ, công chức thực thi được đào tạo, trang bị kiến thức về thương mại điện tử, có năng lực, chuyên môn, kỹ năng trong việc nhận biết hàng thật-giả.
Việc cung cấp thông tin của doanh nghiệp, chủ thể quyền, cũng như ý thức tự bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp cần phải được nâng cao hơn nữa. Có như vậy mới tạo nên sự đồng bộ nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bảo đảm sự bền vững của nền sản xuất tiêu dùng trong nước thời gian tới.
Nguồn: https://nhandan.vn