KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Chính trị
Đăng ngày: 07/03/2024 - Lượt xem: 271
Đồng chí tô hiệu với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ

Ngày 7 tháng 3 năm nay vừa tròn 80 năm đồng chí Tô Hiệu, một chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất, sớm giác ngộ và đi theo cách mạng, đã hy sinh do bị tù đày, tra tấn độc ác của thực dân, phong kiến trên đồi Khau Cả, nay thuộc phường Tô Hiệu, thành phố Sơn La. Những ý tưởng lớn của người cách mạng thường gặp nhau. Trong một lần đến dự, phát biểu tại “Lớp học chính trị của giáo viên cấp II, cấp III toàn miền Bắc”, ngày 13/9/1958, Bác Hồ đã nói: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Phong trào trồng cây theo lời kêu gọi và nêu gương Bác Hồ đã duy trì và phát triển sâu rộng, hiệu quả trên cả nước. Còn công tác "trồng người" được coi là việc "gốc" của cách mạng và suốt đời Người quan tâm chăm lo, huấn luyện, bồi dưỡng, đào tạo, yếu tố quyết định làm nên thắng lợi của cách mạng nước nhà. Cũng giống như Bác Hồ kính yêu, trong nhà lao giam cầm rất cẩn mật và khốc liệt, xung quanh là "rừng thiêng, nước độc", đồng chí Tô Hiệu tuy người ốm yếu, gầy còm, "Ho lao rũ rượi chết đến nơi rồi mà vẫn gieo hạt, trồng đào nở hoa cho các thế hệ mai sau". Mấy chục năm qua, du khách mỗi lần bước chân vào Khu di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La ấn tượng đầu tiên đập vào mắt là cây đào xanh tươi, dáng cao ngạo nghễ vươn cao khỏi bức tường nhà tù, bên dưới thân có tấm biển "Cây đào Tô Hiệu". Vào mỗi dịp đầu năm mới, cây đào Tô Hiệu lại đâm chồi, nảy lộc kèm theo những bông hoa phớt hồng, báo hiệu mùa xuân tới. Cho đến nay, cây đào Tô Hiệu vẫn là biểu hiện của sức sống mãnh liệt, trường tồn, khí phách hiên ngang, bất khuất, lạc quan yêu đời của những người cộng sản. Cây đào Tô Hiệu không chỉ đem lại "lợi ích mười năm" mà đã hơn 80 năm qua và còn trường tồn, đem lại lợi ích cho đồng bào, đồng chí, cán bộ, đảng viên chúng ta mãi mãi về sau.
Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê và gia đình giàu truyền thống yêu nước, văn hiến - làng Xuân Cầu, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, khi mới 14 tuổi, đồng chí Tô Hiệu đã đắm mình trong phong trào cách mạng ở các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh... Theo đồng chí Tô Hiệu, việc tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cách mạng của thanh niên góp phần "mở tầm nhìn của họ ra khỏi luỹ tre làng, gõ cho họ bao suy nghĩ mung lung, rối rắm, vạch cho họ hướng đi và để họ quyết tâm đi theo hướng ấy". Vì tham gia các phong trào cách mạng như, giác ngộ quần chúng làm cho họ trở thành lực lượng nòng cốt của các tổ chức đảng ở địa phương. Khi mới 18 tuổi, đồng chí bị kẻ địch kết án “4 năm tù giam và phạt 50 đồng vì tội gia nhập tổ chức bí mật và có hành vi bạo lực”, đày đi nhà tù Côn Đảo. Chính ở nơi được coi là "địa ngục trần gian" này, đồng chí Tô Hiệu được sống cùng các  người tù cộng sản kiên trung, bất khuất, thông qua hoạt động thực tiễn và sự giúp đỡ của các nhà cách mạng như Phạm Hùng, Ngô Gia Tự, Tôn Đức Thắng… mà ngày càng giác ngộ chủ nghĩa Mác-Lênin và đi theo ngọn cờ của Đảng. Tô Hiệu đã chuyển biến nhận thức sâu sắc, từ người đảng viên của Việt Nam quốc dân Đảng trở thành người cộng sản kiên trung, chính thức trở thành đảng viên của Đảng Cộng sản Đông Dương khi mới 20 tuổi. Năm 1934, đồng chí trở về từ nhà tù Côn Đảo, bị quản thúc ở quê hương, nhưng vẫn không chịu "ngồi yên" mà tiếp tục khôi phục lại Xứ uỷ Bắc Kỳ, tham gia phong trào cách mạng. Giai đoạn cuối năm 1937 đầu năm 1938, đồng chí đến vùng Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên để củng cố, xây dựng các tổ chức đảng, cơ sở cách mạng, bắt mối, liên hệ với các đồng chí mới ở các nhà tù ra, đồng thời tích cực tập hợp, tuy truyền, vận động, giáo dục, giác ngộ những thanh niên yêu nước. Được sự chấp thuận của Xứ uỷ Bắc Kỳ, ngày 5/2/1938, Chi bộ Liễu Ngạn, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, được thành lập, gồm 5 đảng viên, đồng chí Tô Hiệu trực tiếp công nhận Chi bộ Liễu Ngạn là một chi bộ của Đảng Cộng sản Đông Dương, thuộc sự lãnh đạo của Xứ uỷ Bắc Kỳ. Tháng 2/1939, đồng chí Tô Hiệu được phân công phụ trách Liên tỉnh B và đặc trách Hải Phòng. Trong thời gian làm Bí thư Thành uỷ Hải Phòng, đồng chí đã đưa phong trào cách mạng ở đây phát triển, góp phần kết nạp được nhiều đảng viên, rèn luyện, bồi dưỡng, đào tạo được nhiều cán bộ lãnh đạo, xuất sắc của Đảng các giai đoạn sau này.
Tháng 12/1939, đồng chí Tô Hiệu bị thực dân Pháp bắt và đưa lên giam cầm tại nhà tù Sơn La. Nơi đây đã ươm mầm những hạt giống đỏ đầu tiên cho phong trào cách mạng tại Việt Nam, tiêu biểu như các đồng chí: Trường Chinh, Lê Duẩn, Nguyễn Lương Bằng; Trần Huy Liệu; Nguyễn Cơ Thạch... Đặc biệt, giai đoạn 1939-1944, đồng chí Tô Hiệu được xem là "cánh chim đầu đàn" trong phong trào cách mạng tại nhà tù Sơn La. Dưới sự chỉ đạo của Chi bộ, nhà tù đã trở thành trường học cách mạng, huấn luyện, đào tạo cán bộ và xây dựng cơ sở cách mạng, đồng thời tuyên truyền cho binh lính và đồng bào địa phương hiểu về người cộng sản, gieo mầm cho phong trào cách mạng ở tỉnh Sơn La. Tuy bị bệnh lao phổi tàn phá cơ thể nhưng đồng chí Tô Hiệu đã tranh thủ từng phút, từng giây để viết tài liệu tuyên truyền và trực tiếp giảng dạy lý luận chính trị. Tô Hiệu không chỉ là người thầy mà còn là người thầy của những người thầy ở đây. Nhận thấy rằng phải có một tổ chức đứng dậy lãnh đạo anh em tù nhân giành lại quyền lợi của mình, Chi bộ nhà tù Sơn La được thành lập. Tháng 02/1940, đồng chí Tô Hiệu được cử làm Chi uỷ viên; tháng 5/1940, Đại hội Chi bộ bí mật của nhà tù quyết định các chủ trương công tác mới và bầu đồng chí Tô Hiệu làm Bí thư Chi bộ. Với phương châm “biến nhà tù đế quốc thành trường học đấu tranh cách mạng”, là Bí thư Chi bộ, đồng chí Tô Hiệu đã trực tiếp mở các lớp đào tạo, huấn luyện lý luận về chủ nghĩa Mác-Lênin, bồi dưỡng phương pháp đấu tranh cách mạng, chỉ đạo phát triển các tổ chức quần chúng cách mạng bên trong và ngoài nhà tù. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Tô Hiệu, Chi bộ nhà tù Sơn La đã đề ra và thực hiện công tác huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đồng thời quan tâm tuyên truyền, giáo dục, nâng cao trình độ học vấn, nhận thức lý luận, thực tiễn cách mạng, cả trình độ ngoại ngữ cho các đảng viên và quần chúng của Đảng. Đồng thời, với tư cách là Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ban huấn luyện, đồng chí Tô Hiệu đã cụ thể hoá chủ trương, nghị quyết của chi bộ bằng cách phân công các đồng chí có trình độ, năng lực biên soạn, chuẩn bị các tài liệu huấn luyện, học tập, nghiên cứu về chủ nghĩa Mác-Lênin, giáo trình huấn luyện về chính trị, quân sự, công tác đảng, công tác vận động quần chúng, công tác địch vận v.v…
Đặc biệt, thực hiện nghị quyết đại hội chi bộ, mặc dù điều kiện ra báo trong tù rất khó khăn, thiếu thốn, đồng chí Tô Hiệu đã quyết tâm chỉ đạo việc cho ra đời bằng được tờ báo làm công cụ quan trọng phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, nâng cao trình độ mọi mặt của cán bộ, đảng viên, quần chúng trong nhà tù. Tháng 5/1941, tờ báo Suối Reo ra số đầu tiên. Ban biên tập báo Suối Reo do Xuân Thủy đứng đầu, cộng tác viên là những cây bút trong tù đã kinh qua nghề báo hoặc không chuyên nhưng có khả năng viết, sáng tác. Việc ra đời tờ Suối Reo đã góp phần rất quan trọng trong việc tuyên truyền chủ trương, đường lối cách mạng, kinh nghiệm đấu tranh, xây dựng phong trào, nâng cao trình độ nhận thức, nâng cao đời sống tinh thần, cổ vũ ý chí đấu tranh bất khuất cho đảng viên, tù nhân và quần chúng trong nhà tù.
Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ nhà tù Sơn La, trong đó có đóng góp to lớn của đồng chí Tô Hiệu, thật sự nhà tù đã trở thành nơi đào tạo, bồi dưỡng, chăm lo, "ươm mầm" những "hạt giống đỏ", cung cấp những chiến sĩ cộng sản xuất sắc. Đó thực sự là công việc "gốc" của cách mạng nước nhà. Hàng loạt những tên tuổi các chiến sĩ cách mạng bị tù đày ở nhà tù Sơn La thời kỳ 1939-1945, những "hạt giống để mùa sau" đã "nở hoa", "kết trái" làm nên những "vụ mùa bội thu" cho cách mạng nước nhà. Đó là các đồng chí: Trần Quốc Hoàn; Xuân Thuỷ; Lê Thanh Nghị; Văn Tiến Dũng; Song Hào; Nguyễn Văn Trân; Nguyễn Khang; Nguyễn Cơ Thạch; Nguyễn Đức Tâm; Hoàng Tùng; Mai Chí Thọ; Nguyễn Thanh Bình; Nguyễn Đức Thuận... và hàng trăm chiến sĩ cộng sản-nhà lãnh đạo cách mạng kiên trung, bất khuất, tài ba khác.  Tất cả những chiến sĩ cách mạng bị giam cầm ở nhà tù Sơn La, sau này khi nhắc đến đồng chí Tô Hiệu đều khẳng định: đó là một chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất, cống hiến cả cuộc đời ngắn ngủi, tuổi thanh xuân cho sự nghiệp cách mạng, đồng thời là người thầy rèn luyện, giáo dục, gieo mầm những "hạt giống đỏ" cho cách mạng nước nhà. 
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan