29-4-2025 19:55:4
KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2025)
Văn hóa - Xã hội
Đăng ngày: 22/09/2023 - Lượt xem: 917
Gặp gỡ nhóm học sinh Hưng Yên giành Huy chương Vàng cuộc thi Olympic sáng tạo và phát minh thế giới INNOVERSES năm 2023

Nhiều ngày đã qua nhưng dư âm đẹp và những cảm xúc vui sướng, tự hào từ cuộc thi Olympic sáng tạo và phát minh thế giới INNOVERSES năm 2023 (cuộc thi) vẫn nguyên vẹn đối với nhóm học sinh Trường THPT Chuyên Hưng Yên và THPT Hưng Yên. Vượt qua 1500 dự án đến từ 30 quốc gia trên thế giới, dự án “HEAD-MOUSE chuột máy tính điều khiển bằng đầu” của nhóm học sinh Trường THPT Chuyên Hưng Yên và THPT Hưng Yên xuất sắc giành được Huy chương Vàng tại cuộc thi.
Niềm vui của cô và trò dự án “HEAD-MOUSE chuột máy tính điều khiển bằng đầu giành Huy chương Vàng
Sau khi giành giải nhất lĩnh vực hệ thống nhúng tại Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học, dự án “HEAD-MOUSE chuột máy tính điều khiển bằng đầu” tiếp tục giành giải nhì tại Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học. Tháng 8/2023, nhóm tác giả của dự án “HEAD-MOUSE chuột máy tính điều khiển bằng đầu” tham gia cuộc thi Olympic sáng tạo và phát minh thế giới INNOVERSES năm 2023 do Hiệp hội WIIPA (Hiệp hội Sáng chế và Sở hữu trí tuệ thế giới) tổ chức tại nước Mỹ. Ban đầu, nhóm dự án thiết kế và chế tạo HEAD - MOUSE dưới kính đeo mắt, được sử dụng cảm biến hồng ngoại để nháy chuột và kết nối trực tiếp với máy tính để lấy nguồn điện và truyền dữ liệu sang máy tính. Tuy nhiên, qua thực nghiệm, phiên bản này có nhược điểm: kết nối HEAD - MOUSE đến máy tính bằng dây nối; sử dụng mắt để nháy chuột nên độ mượt của con trỏ chuột trên màn hình chưa cao; sử dụng cảm biến hồng ngoại nên có phần nguy hiểm cho mắt. Sau đó, nhóm dự án nâng cấp lên phiên bản 2 dưới dạng mũ đội đầu gồm 5 xương mũ với các khớp khóa bằng nhựa, mũ sử dụng máy in 3D với chất nhựa PLA để chế tạo với các tính năng: thay thế nháy chuột bằng mắt dùng cảm biến hồng ngoại, chuyển thành nháy chuột bằng miệng (lưỡi) sử dụng cảm biến điều hướng; kết nối không dây HEAD - MOUSE với máy tính nhưng phiên bản 2 tính thẩm mỹ chưa cao. Nhóm dự án tiếp tục tìm tòi, sáng tạo thiết kế phiên bản 3 với vật liệu Composite sử dụng gia cường carbon đáp ứng các tính chất vật lí cứng, bền, nhẹ, và dễ tạo hình, hình thức thanh mảnh, gọn đẹp và có tính thẩm mỹ cao. Chỉ cần đội mũ HEAD – MOUSE vào đầu, bật công tắc nguồn và di chuyển con trỏ chuột đến vị trí theo ý muốn bằng cách nghiêng đầu theo các hướng mong muốn. Mũ HEAD- MOUSE hoạt động theo nguyên tắc: đặt “cần điều khiển” vào miệng và dùng lưỡi, gạt cần một cách linh hoạt để điều khiển thao tác chuột HEAD – MOUSE. Ngoài ra, sản phẩm còn thêm một lựa chọn khác cho “cần điều khiển”, đó là sử dụng “nút cắn cơ học” – nút cắn được người sử dụng ngậm vào miệng, sau đó điều chỉnh đến vị trí thích hợp, sử dụng răng để cắn click chuột trái, phải, giữ – rê chuột… Sản phẩm HEAD – MOUSE được anh Nguyễn Văn Thắng là nhân vật khuyết tật vận động tại tỉnh Thái Nguyên trải nghiệm và đánh giá rất cao về tính hữu ích của sản phẩm để bán hàng online.
Chia sẻ về dự án, em Trần Trọng Bách, học sinh lớp 11 chuyên Lý, Trường THPT Chuyên Hưng Yên cho biết: Từ thực tế cuộc sống, chúng em được biết rất nhiều người đang trong độ tuổi lao động không may bị tai nạn dẫn đến khuyết tật vận động nhưng họ luôn khao khát được làm việc để không trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Từ đó, chúng em nảy ra ý tưởng thiết kế một sản phẩm nào đó để những người khuyết tật vận động có cơ hội sử dụng máy tính mà không cần phải sự trợ giúp từ phía người thân trong gia đình.
Say mê sáng tạo, vận dụng kiến thức đã được học áp dụng vào thực tiễn, kết hợp với sự hướng dẫn của giáo viên Trường THPT Chuyên Hưng Yên, sau 8 tháng hình thành và triển khai ý tưởng, dự án “HEAD-MOUSE chuột máy tính điều khiển bằng đầu” đã được hoàn thiện. Cô giáo Nguyễn Vũ Ánh Tuyết, giáo viên Vật lý, Trường THPT Chuyên Hưng Yên, người được biết đến với vai trò định hướng, tư vấn và dẫn dắt nhiều dự án của học sinh THPT Chuyên Hưng Yên giành giải cao tại các cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia tiếp tục là “nhạc trưởng” khơi nguồn cảm hứng sáng tạo cho các em học sinh trong cuộc thi lần này. Cô giáo Nguyễn Vũ Ánh Tuyết cho biết: Tôi thấy ý tưởng làm thiết bị hỗ trợ người khuyết tật rất nhân văn và đã từng bước giúp các em hình thành, hoàn chỉnh dự án. Các em đều rất đam mê, tự tin và đầy bản lĩnh; luôn chịu khó tìm tòi, học hỏi trong quá trình nghiên cứu để bù đắp cho lượng kiến thức và kỹ năng còn thiếu hụt của bản thân. Tuy vậy, khó khăn mà cô, trò phải đối mặt cũng không ít: tìm nhân vật trải nghiệm sản phẩm, một số thiết bị mạch phải huy động sự hỗ trợ từ nhiều đơn vị, học sinh tham gia dự án ở các trường khác nhau nên việc sắp xếp thời gian, “phân vai” làm sao phát huy được sở trường, phù hợp năng lực các em phải tính toán kỹ.
Thành công lớn nhất mà giáo viên, nhóm học sinh Trường THPT Chuyên Hưng Yên và THPT Hưng Yên gặt hái được qua cuộc thi không chỉ là giải thưởng mà còn là cơ hội để học tập, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về ý tưởng, tư duy sáng tạo. Đó chính là động lực để các học sinh tự khẳng định mình, tiếp tục phấn đấu, phát triển năng lực của bản thân, vận dụng những kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn. Em Nguyễn Minh Tú, thành viên của dự án cho biết: Khi tham gia dự án giúp em nâng cao năng lực tiếng Anh. Em nghĩ từ sản phẩm một công trình nghiên cứu đến việc trở thành sản phẩm thương mại, nhóm chúng em sẽ phải tiếp tục cải tiến mới có thể tạo ra được sản phẩm thực sự hoàn hảo với mong muốn giá thành sản phẩm thấp, độ bền cao và hữu ích đối với những người không may bị khuyết tật vận động nhưng vẫn còn khả năng lao động.
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan