KỶ NIỆM 135 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19/5/1890 - 19/5/2025)
Kinh tế
Đăng ngày: 27/05/2025 - Lượt xem: 85
Giá gạo tăng vọt khi Nhật Bản xem xét lại an ninh lương thực

Việc giá gạo tăng chưa từng thấy khiến Nhật Bản phải đánh giá lại gạo như một loại lương thực chính về mặt an ninh lương thực và chuẩn bị cho những bất ổn trong tương lai.

Gạo được bày bán tại siêu thị ở Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trang tin “The Interpreter” (Australia) ngày 27/5 cho biết Nhật Bản đã chứng kiến giá gạo tăng chưa từng thấy trong những tháng gần đây, ảnh hưởng đến cả người tiêu dùng và ngành thực phẩm.

Sự gia tăng này khiến Nhật Bản phải đánh giá lại gạo như một loại lương thực chính về mặt an ninh lương thực và chuẩn bị cho những bất ổn trong tương lai.

Trong tháng Năm, giá bán lẻ của một bao gạo 5 kg là 4.268 yen (29,90 USD), trong khi cách đây 1 năm, cũng bao gạo này giá chỉ là 2.228 yen (15,60 USD).

Giả sử một hộ gia đình tiêu thụ 20kg gạo mỗi tháng, mức tăng này buộc họ phải chi thêm 98.000 yen (687 USD) trong một năm. Và xét đến việc hơn 30% hộ gia đình ở Nhật Bản có thu nhập dưới 3 triệu yen (21.032 USD) vào năm 2022, mức tăng này có thể gây thiệt hại đáng kể.

Tổ chức “Save the Children” của Nhật Bản đã báo cáo rằng gần 1/3 số gia đình thu nhập thấp được khảo sát đã giảm lượng gạo tiêu thụ do chi phí tăng.

Kể từ tháng 3/2025, Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản (MAFF) của Nhật Bản đã mở kho gạo dự trữ để sử dụng khẩn cấp nhằm ổn định giá cả. Tuy nhiên, động thái này cũng không thể kiềm chế xu hướng tăng giá vì chỉ có một lượng hạn chế được chuyển đến các nhà bán lẻ.

Theo truyền thống, Nhật Bản đã tìm cách giảm sản lượng gạo trong nước từ năm 1970 theo sáng kiến của chính phủ được gọi là “gentan.”

Chính sách này được thúc đẩy bởi xu hướng giảm đều đặn trong tiêu thụ gạo trong nước. Tuy nhiên, năm 2024 đặt ra một thách thức đặc biệt. Một đợt nắng nóng trong năm 2024 đã làm giảm chất lượng và khối lượng giao dịch gạo. Đợt nắng nóng phá kỷ lục gần đây đã làm tăng thiệt hại do bọ xít gây ra.

Sau đó, một cảnh báo động đất có thể xảy ra vào tháng 8/2025 đã thúc đẩy người tiêu dùng mua thêm gạo để dự trữ.

Nhu cầu gạo cũng được thúc đẩy bởi lợi thế về giá so với lúa mỳ khi giá lúa mì cũng tăng đột biến do nguồn cung quốc tế không ổn định bắt nguồn từ những ảnh hưởng của xung đột ở Ukraine. Giá phân bón đã tăng hơn 30% trong 5 năm chủ yếu là do cuộc xung đột này.

Cơ cấu sản xuất là một yếu tố nữa. Hầu hết nông dân trồng lúa ở Nhật Bản đều có quy mô nhỏ. Năm 2024, gần 2/3 số người nông dân trồng lúa ở Nhật Bản canh tác dưới 1ha. Tuy nhiên, cần có những người nông dân trồng lúa trên quy mô lớn để duy trì sản xuất.

Ví dụ, năm 2020, 16% nông dân trồng lúa đã canh tác hơn 3ha, chiếm 70% tổng diện tích canh tác. Số lượng nông dân canh tác trên 15ha đã tăng 83% trong một thập kỷ, từ 6.654 người năm 2010 lên 12.194 người năm 2020.

Trong bối cảnh bất ổn ngày càng tăng, giá gạo có khả năng sẽ tăng trở lại. Nếu không có sản lượng ổn định, tình trạng thiếu gạo có thể trở nên nghiêm trọng hơn.

Viện nghiên cứu Mitsubishi (MRI) của Nhật Bản cho rằng giá tăng đòi hỏi phải xem xét lại chính sách gạo của Nhật Bản. Biến đổi khí hậu và các yếu tố khác khiến chính phủ ngày càng khó dự đoán chính xác nhu cầu trong nước. Việc mở rộng quy mô của người trồng lúa thông qua tích lũy đất nông nghiệp đã bắt đầu đạt đến giới hạn.

MRI cho biết việc tạo ra lợi thế kinh tế cho lúa gạo là “chìa khóa” giúp vượt qua tình hình này.

Tuy nhiên, lúa gạo - một loại cây trồng gần như tự cung tự cấp ở Nhật Bản - sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực của đất nước.

Tỷ lệ tự cung tự cấp lương thực của Nhật Bản đạt 38% trong năm tài chính 2023, trong khi tỷ lệ tự cung tự cấp của các loại cây trồng chính khác còn thấp hơn, ví dụ như lúa mì (18%) và đậu nành (26%).

Sản lượng gạo có khả năng phục hồi trong ngắn hạn vì người nông dân Nhật Bản đặt mục tiêu tăng sản lượng gạo trong năm nay và những loại cây trồng sẽ ra mắt thị trường vào năm 2026.

MAFF cũng đã hứa sẽ xem xét lại chính sách điều chỉnh sản lượng để tăng sản lượng gạo. Tuy nhiên, sự gia tăng sản lượng sau đó sẽ đi kèm với nguy cơ giá gạo tại trang trại giảm mạnh.

Về lâu dài, Nhật Bản phải tìm kiếm các kênh thay thế để bổ sung cho sản xuất trong nước khi nguồn cung gạo không ổn định.

Chính phủ đang cân nhắc tăng nhập khẩu gạo từ Mỹ để giải quyết tình trạng thiếu hụt thị trường, điều này có thể có lợi cho Nhật Bản sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế. Tuy nhiên, vẫn có những nguồn thay thế, và cây lương thực chính không nên được coi là một “quân bài” đàm phán.

Thái Lan đang có thặng dư gạo sau khi Ấn Độ gần đây dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo, khiến giá gạo chạm mức thấp nhất trong 3 năm. Mặc dù sản xuất trong nước vẫn nên tiếp tục được ưu tiên, những kênh này có thể giúp ổn định giá cả trong nước.

Việc đa dạng hóa các nguồn nhập khẩu như một biện pháp đệm, và cân bằng chúng với sản xuất trong nước sẽ giúp Nhật Bản chuẩn bị cho tình trạng thiếu gạo trong tương lai ở nước này./.

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/

Tin liên quan