Hơn 2 tháng nay, giá lợn hơi trên địa bàn tỉnh tăng trở lại, đạt trên 60 nghìn đồng/kg, tăng gần 20% so với đầu năm. Với mức giá này, người chăn nuôi lợn phấn khởi vì có lãi.
Áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học tại trang trại lợn ở xã Dạ Trạch (Khoái Châu) để nâng cao hiệu quả sản xuất
Sau đà giảm nhiều tháng liên tiếp, từ đầu tháng 5 đến nay, giá lợn hơi trong nước nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng được phục hồi. Ngày 4/7, giá lợn hơi trên cả nước ghi nhận tăng từ 1 đến 2 nghìn đồng/kg trên diện rộng, với mức giá cao nhất là 66 nghìn đồng/kg tại tỉnh Thái Bình. Đây là mức giá cao nhất từ đầu năm đến nay.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, 6 tháng đầu năm, tổng đàn lợn trong tỉnh đạt gần 508 nghìn con, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, lợn hơi được thu mua trên địa bàn tỉnh từ 62 đến 64 nghìn đồng/kg, tăng khoảng 3 nghìn đồng/kg so với cùng thời điểm tháng trước, người chăn nuôi phấn khởi vì có lãi.
Vừa xuất bán đàn lợn 70 con với giá 63 nghìn đồng/kg, chị Nguyễn Thị Xuân, chủ trang trại chăn nuôi lợn tại xã Phú Thịnh (Kim Động) vui vẻ cho biết: Hiện nay, trang trại của gia đình tôi duy trì nuôi trên 1 nghìn con lợn các loại. Sau một thời gian chịu lỗ thì khoảng 2 tháng trở lại đây, giá bán lợn hơi đã tăng trở lại, vượt giá thành sản xuất giúp chúng tôi yên tâm duy trì tổng đàn. Trước đó, có thời điểm giá bán lợn hơi xuống thấp (khoảng 45 nghìn đồng/kg) trong khi chúng tôi vẫn phải duy trì hoạt động của trại như: Trả công người lao động, tiền điện, tiền cám và thuốc thú y phòng bệnh cho đàn vật nuôi… khiến chúng tôi rất vất vả.
Theo tính toán của ông Trần Văn Tươi, chủ trang trại nuôi lợn tại xã Tân Châu (Khoái Châu), mặc dù giá thức ăn chăn nuôi vẫn duy trì ở mức cao nhưng với giá lợn hơi đạt trên 60 nghìn đồng/kg, mỗi con lợn khoảng 100kg, gia đình có lãi 500 nghìn đồng/con. Đối với hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thì mức lãi này không nhiều, nhưng với trang trại chăn nuôi tập trung, quy mô lớn và tự chủ con giống thì đây là tín hiệu đáng mừng, tạo động lực để doanh nghiệp, hợp tác xã và chủ trang trại đầu tư tái đàn trở lại.
Lý giải về đợt tăng giá này, đồng chí Nguyễn Thị Hoa, Phó Trưởng phòng Chăn nuôi (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: Từ cuối năm 2022 đến tháng 4/2023, giá lợn hơi trong nước nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng liên tục giảm từ mức gần 60 nghìn đồng/kg xuống còn 43 – 50 nghìn đồng/kg, trong khi giá thức ăn chăn nuôi duy trì ở mức cao đã khiến nhiều hộ chăn nuôi khốn đốn; có thời điểm xuất bán phải chịu lỗ gần 1 triệu đồng/con lợn. Khi chăn nuôi không có lãi, nhiều hộ chăn nuôi giảm đàn hoặc chuyển đổi đối tượng vật nuôi. Khi nguồn cung không đủ cầu thì giá lợn tăng trở lại.
Theo chia sẻ của các chủ trang trại, hợp tác xã chăn nuôi trong tỉnh, sự phục hồi của giá lợn ở thời điểm hiện tại giúp người chăn nuôi duy trì động lực sản xuất. Tuy nhiên, chi phí thức ăn chăn nuôi vẫn còn cao, người dân khó tiếp cận vốn vay với lãi suất thấp để duy trì, mở rộng sản xuất. Do đó, dù lợn hơi đã tăng giá trở lại nhưng trước sự bấp bênh của thị trường, nhiều hộ chăn nuôi vẫn e ngại mở rộng sản xuất.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo, trong các tháng tiếp theo của năm 2023, giá lợn hơi có xu hướng tăng khi nhu cầu ăn uống tăng trở lại trong bối cảnh ngành du lịch, dịch vụ tiếp tục đà phục hồi. Nền kinh tế tại một số quốc gia láng giềng được phục hồi, giá lợn hơi tại các quốc gia này đi lên có thể giúp giá lợn hơi trong nước tăng theo. Bên cạnh đó, việc giá nguyên liệu sản thức ăn chăn nuôi trên thế giới có xu hướng giảm được kỳ vọng sẽ giảm chi phí chăn nuôi trong nước, giúp nông hộ và các chủ trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi nói chung, chăn nuôi lợn nói riêng từng bước phục hồi sản xuất.
Ngành chuyên môn khuyến cáo, để hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định, phát huy hiệu quả, người dân cần chủ động thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất để giảm chi phí thuê nhân công lao động, hạn chế dịch bệnh phát sinh. Cùng với đó, các hộ chăn nuôi cần tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định như: Liên kết với doanh nghiệp chế biến, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm để giảm bớt chi phí ở các khâu trung gian, đa dạng sản phẩm chăn nuôi; thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác để xây dựng chiến lược sản xuất, kinh doanh lâu dài, hạn chế tác động bởi thị trường.
Nguồn: https://baohungyen.vn