KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Chính trị
Đăng ngày: 20/11/2023 - Lượt xem: 400
Giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri: Quốc hội đồng hành cùng Nhân dân

Giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri đã nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của Quốc hội; khẳng định vai trò của Quốc hội, gắn bó mật thiết với Nhân dân, luôn đồng hành cùng Nhân dân.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung phiên thảo luận. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 20/11, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV.
Điều hành nội dung phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết tại Kỳ họp thứ 5, lần đầu tiên Quốc hội dành ½ ngày để thảo luận tại hội trường về báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV và nhận được sự quan tâm đặc biệt của cử tri cả nước. Do đó, tại Kỳ họp thứ 6, nội dung này đã được đưa vào vào chương trình kỳ họp để các đại biểu Quốc hội thảo luận.
Củng cố niềm tin của cử tri, Nhân dân
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Đặng Bích Ngọc, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình đánh giá cao trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc giám sát việc giải quyết trả lời kiến nghị của cử tri liên quan đến trách nhiệm giải quyết của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương.
Đại biểu Đặng Bích Ngọc, tỉnh Hòa Bình cho rằng cần giải quyết căn cơ tình trạng khiếu kiện vượt cấp. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Đại biểu cho rằng trong thời gian qua, với sự quyết tâm của Quốc hội, sự chuyển động, phối hợp của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, việc xem xét, nghiên cứu, giải quyết các kiến nghị của cử tri đã có những thay đổi tích cực.
Điều này thể hiện tính cầu thị, trách nhiệm trong tiếp thu của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố trên cả nước.
"Việc nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong tiếp thu, nghiên cứu, giải quyết kịp thời các kiến nghị của cử tri đã góp phần quan trọng trong tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc từ cơ sở, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo ổn định tình hình trật tự an toàn xã hội, cải thiện đời sống của nhân dân, giải quyết căn cơ tình trạng đơn thư khiếu nại tố cáo kéo dài vượt cấp, làm mất an ninh trật tự ở cơ sở, tạo niềm tin cho cử tri và nhân dân," đại biểu khẳng định.
Đồng quan điểm, đại biểu Mai Văn Hải (tỉnh Thanh Hóa) cho rằng công tác giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thể hiện tinh thần trách nhiệm của các địa phương, bộ, ngành được nâng cao, nhiều kiến nghị của cử tri được xem xét, giải quyết với tỷ lệ cao, trong đó có những kiến nghị đã kéo dài như đối với việc thiếu trang thiết bị vật tư, y tế, cơ chế quản lý các chương trình mục tiêu quốc gia, giải ngân vốn đầu tư công.
“Việc giải quyết kiến nghị của cử tri đã góp phần quan trọng trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập từ thực tiễn đời sống của người dân, doanh nghiệp, địa phương. Công tác này góp phần khơi thông các nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, hạn chế tối đa phát sinh đơn thư khiếu nại, tố cáo ngay tại cơ sở, giúp góp phần ổn định tình hình, tạo niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước," đại biểu Mai Văn Hải nêu quan điểm.
Giám sát ‘đến cùng’ lời hứa của trưởng ngành
Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng thực tế vẫn còn nhiều trường hợp trả lời cử tri một cách chung chung, chưa cụ thể, chưa thiết thực, chỉ cung cấp thông tin, không đi vào cụ thể giải quyết vấn đề, không đủ sức thuyết phục, chưa thể hiện hết trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền, dẫn đến phát sinh đơn thư khiếu kiện.
Đại biểu Tráng A Dương (tỉnh Hà Giang) cho hay Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang đã tổng hợp và chuyển đến 7 ý kiến, kiến nghị. Đến nay, 6/7 kiến nghị đã được ghi nhận và trả lời bằng văn bản.
Đại biểu Tráng A Dương cho hay còn một số văn bản trả lời mang tính cung cấp thông tin, hướng tiếp cận, mà chưa có giải pháp quyết liệt để giải quyết các vướng mắc bức xúc, không có lộ trình, kế hoạch cụ thể, rõ ràng khiến cử tri tiếp tục kiến nghị.
Để nâng cao hơn nữa kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri, đại biểu Tráng A Dương kiến nghị Đại biểu Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội sẽ thực hiện giám sát đến cùng trả lời kiến nghị của cử tri, không chỉ giám sát số lượng các trả lời mà sẽ đi sâu giám sát đến chất lượng các nội dung trả lời, thời gian trả lời của các bộ, ngành đã đáp ứng được yêu cầu của cử tri và Nhân dân đảm bảo đúng quy trình của pháp luật hay chưa, đặc biệt là theo đến cùng những lời hứa của các “tư lệnh” ngành để kịp thời có thông tin cho cử tri.
Đại biểu Tráng A Dương cũng đề nghị Chính phủ có giải pháp đối với những cơ quan, đơn vị chậm trả lời kiến nghị của cử tri để Đoàn Đại biểu Quốc hội có cơ sở giám sát cũng như báo cáo với cử tri.
Đại biểu Trần Thị Thanh Lam (tỉnh Bến Tre) nêu vấn đề cử tri đang quan tâm trong công tác xử lý ô nhiễm từ rác thải. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Cùng quan điểm, Đại biểu Trần Thị Thanh Lam (tỉnh Bến Tre) cho rằng nhiều giải pháp đang triển khai hiện nay chưa đạt hiệu quả cao, chưa đáp ứng mong đợi của cử tri.
Cụ thể là trong công tác xử lý ô nhiễm từ rác thải, Đại biểu cho rằng Quốc hội đã ban hành Luật Bảo vệ môi trường; Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ban hành chiến lược và nhiều văn bản chỉ đạo khác nhưng một số văn bản pháp luật chưa đi vào cuộc sống, một số văn bản hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường bị chậm ban hành.
“Bên cạnh vướng mắc về vốn đầu tư, cơ sở pháp lý, các cơ chế chính sách, hỗ trợ khuyến khích đối với nhà đầu tư trong việc thu gom, xử lý rác thải, thì một số cơ quan, đơn vị và cá nhân ở các địa phương chưa thể hiện tinh thần trách nhiệm, vai trò của mình, còn lơ là, chưa thật tâm huyết trong công tác xử lý rác thải,” đại biểu nêu rõ.
Từ những khó khăn trên, đại biểu Trần Thị Thanh Lam tiếp tục kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài nguyên Môi trường và các bộ, ngành có liên quan cần quyết liệt hơn nữa trong xử lý các ý kiến kiến nghị này của cử tri, sớm có hành động cụ thể để xử lý ngay những vấn đề tồn tại trước mắt và lâu dài trong xử lý rác thải, nhất là rác thải rắn, để bảo vệ môi trường sống cho người dân bằng những giải pháp chiến lược mang tính đột phá./.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn
Tin liên quan