Ngày 8/8, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh do đồng chí Trần Thị Tuyết Hương, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó trưởng Đoàn giám sát và các thành viên tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và giải quyết việc làm tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
Toàn cảnh buổi giám sát tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trên địa bàn tỉnh hiện có 26 cơ sở GDNN, gồm 17 cơ sở công lập, 9 cơ sở tư thục, thực hiện đào tạo trên 80 ngành, nghề; quy mô đào tạo 70 nghìn lao động/năm; đội ngũ cán bộ quản lý và nhà giáo GDNN là 1.439 người. Đến nay, 80% số nhà giáo GDNN đạt chuẩn. Giai đoạn 2021 - 2023 toàn tỉnh tuyển sinh GDNN đạt trên 50 nghìn người/năm; hằng năm trên 92% số người tốt nghiệp có việc làm. Hoạt động GDNN góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đến hết năm 2022 là 68%; tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 28,5%. Toàn tỉnh hiện có 15.268 doanh nghiệp được thành lập, trong đó 70% số doanh nghiệp hoạt động, thu hút trên 234,6 nghìn lao động; gần 90% số lao động tham gia bảo hiểm xã hội. Hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm tổ chức 2 - 3 phiên giao dịch việc làm/tháng. Từ năm 2021 đến nay, Trung tâm dịch vụ việc làm trực thuộc sở đã tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp cho trên 22,8 nghìn lao động; trên 20,9 nghìn lao động được hưởng trợ cấp với số tiền trên 388,5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, công tác quản lý Nhà nước về GDNN, giải quyết việc làm còn chồng chéo; công tác phân luồng, định hướng học sinh học nghề còn hạn chế; hoạt động GDNN chưa được quan tâm đúng mức; năng lực đào tạo của các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh còn yếu, mạng lưới cơ sở GDNN phân bố không đồng đều và các đơn vị chưa làm hết chức năng, nhiệm vụ được giao. Doanh nghiệp chưa sẵn sàng tham gia vào các khâu trong đào tạo nguồn nhân lực, công tác gắn kết giữa doanh nghiệp - nhà trường còn hạn chế...
Tại buổi giám sát, các thành viên trong đoàn đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội làm rõ thêm một số vấn đề như: Việc phân luồng giáo dục - đào tạo; công tác tuyển sinh đào tạo nghề, tạo việc làm cho học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp; vai trò và hiệu quả hoạt động của Trung tâm dịch vụ việc làm và sàn giao dịch việc làm trong việc tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động; việc hỗ trợ cho lao động tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để giải quyết việc làm, đặc biệt là người có nhu cầu xuất khẩu lao động…
Kết luận buổi giám sát, đồng chí Trần Thị Tuyết Hương, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp thu ý kiến của các thành viên trong đoàn giám sát, hoàn thiện báo cáo gửi tổ thư ký để tổng hợp, báo cáo. Đồng thời tăng cường hơn nữa công tác quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực GDNN và giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh, nhất là việc điều tra, thống kê, dự báo nhu cầu học nghề, tạo việc làm từ cơ sở đến cấp tỉnh. Cần đánh giá cụ thể việc đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho bộ đội xuất ngũ và đối tượng đặc thù như người thuộc hộ nghèo, người khuyết tật để đề xuất giải pháp phù hợp. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm đào tạo, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, giải quyết việc làm cho người lao động và đào tạo phải gắn với nhu cầu doanh nghiệp; đẩy mạnh tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp cho người lao động và rà soát các văn bản, tham mưu với các cơ quan chức năng sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách về dạy nghề, tạo việc làm phù hợp với thực tiễn...
Nguồn: https://baohungyen.vn