KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2025)
Văn hóa - Xã hội
Đăng ngày: 26/02/2024 - Lượt xem: 621
Giảm thiểu ô nhiễm cải thiện môi trường nông thôn

Ngày 19/1/2023, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 175/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án “Thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt khu dân cư nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Theo đó, mục tiêu chung là giảm thiểu ô nhiễm cải thiện môi trường nông thôn, tạo cảnh quan môi trường sống, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Sau hơn 1 năm triển khai, các công trình, dự án thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt nông thôn đang được đầu tư xây dựng, từng bước nâng cao hiệu quả xử lý nước thải sinh hoạt khu vực nông thôn.
Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường, các khu dân cư ở tỉnh phát sinh gần 100 nghìn mét khối nước thải sinh hoạt/ngày đêm. Phần lớn lượng nước thải sinh hoạt từ các hộ gia đình trong tỉnh chưa được thu gom, xử lý triệt để, hiệu quả.
Công trình xử lý nước thải sinh hoạt nông thôn quy mô khu dân cư tại huyện Phù Cừ
đã hoàn thành và đi vào vận hành
Huyện Phù Cừ đang triển khai xây dựng 5 công trình xử lý nước thải sinh hoạt nông thôn quy mô khu dân cư, trong đó 3 công trình đã đi vào vận hành. Những công trình đầu tiên được hoàn thành đã đem đến những tín hiệu tích cực về cải thiện môi trường khu vực nông thôn. Đồng chí Lê Xuân Mai, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phù Cừ cho biết: Các công trình thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt nông thôn mới được hoàn thành ở một số khu dân cư trong huyện thực hiện thu gom toàn bộ nước thải sinh hoạt của khu dân cư trong các thôn. Hệ thống cống rãnh nhờ đó không còn tồn đọng nước thải, vệ sinh môi trường, chất lượng cuộc sống của người dân được cải thiện.
Ngoài huyện Phù Cừ, các địa phương trong tỉnh cũng đang đầu tư xây dựng công trình xử lý nước thải sinh hoạt nông thôn, như thành phố Hưng Yên, huyện Khoái Châu, huyện Kim Động… Các bước xử lý nước thải sinh hoạt chủ yếu gồm: Bể lọc kỵ khí, bể lọc màng sinh học, bể khử trùng... Qua các đợt lấy mẫu của ngành chuyên môn, chất lượng nước thải sinh hoạt sau khi xử lý bảo đảm các chỉ tiêu khi thải ra môi trường.
Tại xã Nhật Tân (Tiên Lữ) và xã Chính Nghĩa (Kim Động), mô hình xử lý nước thải quy mô cụm hộ gia đình với công nghệ tổng hợp của Việt Nam cũng được triển khai xây dựng, đi vào hoạt động hơn 6 năm nay. Ông Lê Văn Cần, người dân xã Chính Nghĩa (Kim Động) cho biết: Khi công trình thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt nông thôn đi vào vận hành, nước thải sinh hoạt ở cụm dân cư nơi tôi sinh sống được thu gom và xử lý, hệ thống cống rãnh, kênh mương thông thoáng và trong sạch hơn.
Tại xã Nhật Tân, công trình có quy mô 50 mét khối/ngày đêm được vận hành ổn định nhiều năm nay. Công trình được thiết lập trên cơ sở xây dựng hệ thống gom nước thải từ hệ thống thải của các hộ gia đình trong khu dân cư vào hệ thống xử lý nước thải tập trung. Qua các bước từ lắng, lọc, hóa sinh, vi sinh... nước thải sau khi xử lý quan sát bằng mắt thường thấy trong sạch, không có mùi khó chịu. Kết quả xét nghiệm định kỳ của Sở Tài nguyên và Môi trường ở các thành phần: pH, BOD, tổng chất rắn lơ lửng... đạt tiêu chuẩn để thải ra môi trường.
Những vật chất gây ô nhiễm chứa trong nước thải sinh hoạt, nếu không được thu gom và xử lý bảo đảm trước khi thải ra môi trường sẽ bị tích tụ, tồn đọng gây ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước mặt và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Thực hiện Đề án “Thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt khu dân cư nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, tỉnh phấn đấu đến năm 2030 có 25% số điểm dân cư nông thôn tập trung có hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt, 15% nước thải sinh hoạt được xử lý; đến năm 2045 có 50%, số điểm dân cư nông thôn tập trung có hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt, 30% nước thải sinh hoạt được xử lý. Tỉnh ưu tiên áp dụng công nghệ sinh học, hiện đại và chi phí thấp, các mô hình đã được thử nghiệm thành công như: Bể kỵ khí, Johkasou, mương oxy hóa, hồ sinh học…
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan