Trải qua lịch sử hàng nghìn năm, tiếng Việt đã tiếp thu, dung nạp nhiều yếu tố văn hóa mới góp phần làm giàu tâm hồn, văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, trong thời kỳ hội nhập và quốc tế hóa hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội và các ứng dụng công nghệ, tiếng Việt đang phải đối mặt nguy cơ bị lai tạp, biến dạng, mất đi vẻ đẹp trong sáng vốn có. Giữ gìn, bảo vệ tiếng Việt một cách hợp lý, khoa học cũng chính là góp phần vào sự nghiệp chấn hưng văn hóa mà Ðảng và Nhà nước ta đã đề xướng, vì một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh giao lưu với trẻ em trong các trại tiếng Việt tại Stuttgart (Đức).
Ngôn ngữ có một vai trò vô cùng quan trọng trong lĩnh vực văn hóa, là công cụ của tư duy và giao tiếp, kết nối con người, đồng thời lan tỏa văn hóa dân tộc ra thế giới. Mỗi người Việt Nam luôn mang trong mình một tình yêu với tiếng Việt, tự hào về ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Những giá trị tốt đẹp của tiếng Việt luôn được các thế hệ cha ông gìn giữ, tiếp thu, bồi đắp. Ngôn ngữ là một thực thể sống động của văn hóa, do vậy nó luôn nằm trong quy luật vận động của đời sống, liên tục có những biến chuyển qua mỗi giai đoạn lịch sử. Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ phát triển mạnh mẽ như hiện nay, tiếng Việt đang có nguy cơ bị lai tạp, với nhiều xu hướng sử dụng thiếu chuẩn mực.
Khi công nghệ số phát triển, xóa nhòa biên giới các quốc gia trên các nền tảng mạng, con người dù ở đâu cũng dễ dàng giao lưu, kết nối qua các công cụ hỗ trợ. Không khó để nhận ra, các ứng dụng trên điện thoại, máy tính, mạng xã hội đang ngày một ảnh hưởng sâu sắc đến hành vi ngôn ngữ của mỗi người. Ðáng quan tâm hiện nay là xu thế giao tiếp ngắn gọn, tối giản, lược bỏ các thành phần câu, pha tạp ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh.
Một thói quen sử dụng tiếng Việt đã hình thành không chỉ trên mạng mà ngay trong đời sống hằng ngày. Việc nói tiếng Việt có xen từ tiếng Anh ngày càng được nhiều người coi là bình thường. Một số từ thuần Việt đang dần mất đi, nhường chỗ cho các từ tiếng Anh, thậm chí những từ ghép thuần Việt cũng bị biến thành "nửa nạc nửa mỡ" kiểu như "Thứ high" (Thứ 2), "Thứ bar" (Thứ ba), "xỉu up, xỉu down" (xỉu lên, xỉu xuống)... Từng có một Giáo sư ngôn ngữ phải thốt lên: "Tìm một người trẻ giao tiếp bằng từ ngữ thuần Việt không còn dễ".
Không chỉ chuyện pha tạp tiếng Anh trong việc sử dụng tiếng Việt, một hiện tượng khác cũng rất đáng lưu tâm, là cách các cư dân mạng dùng tiếng Việt trên mạng xã hội theo những cách thức có chiều hướng làm méo ngôn ngữ mẹ đẻ. Hiện tượng nói lái, viết chệch tiếng Việt trở thành "cơm bữa", gần như không mấy ai băn khoăn. Chẳng hạn, từ "chị" biến thành "chệ", "vâng" biến thành "vưng", "tình yêu" thành "tìn iu", "ngon" biến thành "nhon", "yêu thế" biến thành "iu xế", "không" thành "khum"... Tất nhiên việc nói/viết chệch đi như vậy chỉ nhằm mục đích làm cho không gian chuyện trò dễ thương, vui vẻ thân mật hơn, nhưng nếu không ý thức sâu sắc về điều này thì rất có thể dẫn đến sự méo mó của tiếng Việt, khi thói quen nói và viết như vậy ngày càng trở nên phổ biến.
Có ý kiến cho rằng, việc sử dụng ngôn ngữ lai tạp, có phần thiếu chuẩn mực hiện nay là do tâm lý thích khoe khoang của một số cá nhân tỏ ra mình giỏi ngoại ngữ. Tuy nhiên nếu chỉ nói như vậy là phiến diện, bởi vì ngày nay, việc sử dụng ngoại ngữ (tiếng Anh) đã trở nên bình thường do nhu cầu của đời sống hội nhập.
Ở một số ngành nghề, lĩnh vực, việc đọc tài liệu, xử lý thư từ hay giao tiếp bằng tiếng Anh là yêu cầu hằng ngày. Có những từ tiếng Anh mang tính chất chuyên môn thực ra chỉ áp dụng trong phạm vi công việc ở mức độ hẹp. Ðiều này là dễ hiểu và có thể chấp nhận được. Nhưng một lý do cơ bản khác đến từ các ứng dụng công nghệ hiện nay khuyến khích người sử dụng viết và nói ngắn gọn để tiết kiệm thời gian cũng như dung lượng. Vì thế, người ta không quan tâm đến các câu đầy đủ thành phần cũng như diễn đạt sao cho thuần Việt.
Hành văn không được người sử dụng quan tâm đến sắc thái biểu cảm, chủ yếu là thông tin, dễ dàng chấp nhận câu tối giản. Ðiều này thoạt nhìn có thể thấy sự tiện lợi, nhưng thực chất, chúng ta đang dung túng cho hành vi làm mất đi sự phong phú, tinh tế, uyển chuyển và khoa học của ngôn ngữ mẹ đẻ. Sự nguy hại này cũng đã bộc lộ ít nhiều trong một số sáng tác văn học nghệ thuật gần đây, cũng như trên các tác phẩm báo chí, truyền thông.
Dễ thấy như những cách giật tít sai ngữ pháp, lập lờ ngữ nghĩa nhằm tạo ra một sự chú ý không còn là hiếm. Hoặc trên các nền tảng âm nhạc trực tuyến, xuất hiện ngày càng nhiều những bài hát với lời lẽ pha tạp, tùy tiện, lủng củng trong diễn đạt, thậm chí phản cảm. Thực tế đó phần nào cho thấy cách diễn đạt tiếng Việt tối nghĩa, kiểu văn nói vỉa hè, thô thiển, thể hiện người sáng tạo không có ý thức trân trọng giữ gìn, làm giàu đẹp thêm cho tiếng Việt.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài nói chuyện tại Ðại hội lần thứ III của Hội Nhà báo Việt Nam ngày 8/9/1962 đã nhấn mạnh: "Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp". Ðề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 của Ðảng ta đã đề ra chủ trương "thống nhất và làm giàu thêm tiếng nói của dân tộc".
Lãnh đạo Ðảng, Nhà nước ta qua các thời kỳ đều giữ vững quan điểm bảo vệ tiếng mẹ đẻ. Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trở thành một nhiệm vụ gắn liền với xây dựng và phát triển văn hóa. Bởi vì "Văn hóa còn thì dân tộc còn" - như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh. Tiếng Việt là linh hồn của văn hóa Việt, như dòng máu nuôi lớn tâm hồn con dân đất Việt nghìn đời. Vẻ đẹp trong sáng của tiếng Việt bồi đắp nên tình yêu con người, tình yêu Tổ quốc, tình yêu nhân loại trong mỗi chúng ta.
Trong bài thơ nổi tiếng "Tiếng Việt", nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đã viết: "Tiếng nghẹn ngào như đời mẹ đắng cay/Tiếng trong trẻo như hồn dân tộc Việt/ Mỗi sớm dậy nghe bốn bề thân thiết/Người qua đường chung Tiếng Việt cùng tôi/Như vị muối chung lòng biển mặn/Như dòng sông thương mến chảy muôn đời...". Có thể nói, mỗi người trong chúng ta đều tự hào và có trách nhiệm giữ gìn ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Nuôi dưỡng, bảo vệ tiếng Việt cũng chính là giữ cho đời sống của mình có nơi neo bám, trong một thời kỳ mọi thứ dường như thay đổi ngày một nhanh hơn.
Trên thế giới, nhiều quốc gia chú trọng đề cao ý thức về việc bảo vệ ngôn ngữ mẹ đẻ, thông qua những chế tài cụ thể, nghiêm khắc như ban hành đạo luật để xử phạt những hành vi sử dụng tiếng nước ngoài không đúng nơi, đúng chỗ, thí dụ trên truyền thông, báo chí, thảo luận quốc hội, văn bản luật, sách giáo khoa... Tổ chức UNESCO đã chọn ngày 21/2 hằng năm là Ngày Quốc tế Tiếng mẹ đẻ nhằm khuyến khích người dân toàn thế giới nhận thức sâu sắc hơn về tầm quan trọng của sự phong phú, đa dạng của ngôn ngữ.
Trải qua thời gian, tiếng Việt đã nhiều lần cải tiến, thay đổi, loại bỏ những yếu tố lạc hậu và tiếp thu những yếu tố mới để trở nên phong phú, đa dạng, phù hợp với sự phát triển của đời sống xã hội hiện đại. Hệ thống quy tắc nói và viết tiếng Việt đã được chuẩn hóa thành quy định mang tính pháp quy của Nhà nước. Tuy nhiên trong quá trình hội nhập hiện nay, xu hướng sử dụng tiếng Việt không theo các quy tắc đang ngày càng phổ biến, rất cần một sự điều chỉnh ở tầm vĩ mô để các tầng lớp nhân dân nhận thức lại về mức độ quan trọng của việc giữ gìn vẻ đẹp của ngôn ngữ dân tộc. Theo đó, cần có sự sâu sát hơn từ phía cơ quan quản lý văn hóa, kịp thời nhận diện, giám sát và đề xuất các giải pháp nhằm hạn chế hành vi làm sai lệch, méo mó tiếng Việt.
Cần có những chế tài mạnh tay xử phạt các hành vi sử dụng tiếng Việt theo chiều hướng tiêu cực, sai ngữ nghĩa. Việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên báo chí, truyền thông, khuyến khích người dân sử dụng tiếng mẹ đẻ một cách sáng tạo, khoa học, hợp lý là vô cùng cần thiết. Ở đây cần nhấn mạnh vai trò của mỗi cơ quan báo chí trước tiên phải là tấm gương về sử dụng tiếng Việt trong sáng, lành mạnh.
Ðặc trưng của ngôn ngữ là thể hiện tư duy, văn hóa của thời đại. Khi đời sống sinh hoạt của người dân thay đổi, vận hành xã hội thay đổi thì ngôn ngữ cũng cần có những thay đổi uyển chuyển, phù hợp là điều tất yếu. Nhưng dù thế nào đi nữa, những thay đổi phải là tích cực, góp phần làm giàu có, phong phú cho tiếng Việt, cho văn hóa Việt. Những biểu hiện lệch lạc làm méo mó, biến dạng trong sử dụng tiếng mẹ đẻ phải được kiên quyết loại bỏ. Ðể thực hiện được điều này, ngoài chế tài của cơ quan quản lý, quan trọng hơn, ý thức của các tầng lớp nhân dân phải được nâng lên hơn nữa.
Giáo dục tình yêu tiếng Việt, tình yêu văn hóa Việt phải là công việc thường xuyên, liên tục, không chỉ ở trong nhà trường mà còn trong mỗi gia đình, mỗi cơ quan, công sở. Chỉ khi có nhận thức đúng thì mỗi người mới có thể hành động đúng. Từ đó, mỗi người sẽ là một "bộ lọc" tốt nhất trong lựa chọn sử dụng tiếng Việt đồng thời góp phần phát hiện, giám sát, lên tiếng, tẩy chay những hiện tượng sử dụng tiếng mẹ đẻ sai lệch, méo mó.
Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt luôn mang tính thời sự. Trong thời kỳ hiện nay, việc đặt vấn đề bảo vệ, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt càng trở nên quan trọng và cấp thiết. Nếu chúng ta không có những giải pháp phù hợp nhằm quán triệt các nguyên tắc sử dụng tiếng Việt trong các môi trường xã hội thì hậu quả trong tương lai sẽ khó có thể lường hết. Cả xã hội chung tay vì tình yêu tiếng Việt, chúng ta sẽ cùng nhau bảo vệ nguồn tài sản quốc gia thiêng liêng này cho hôm nay và cho các thế hệ mai sau bởi đó chính là bản sắc, hồn cốt của dân tộ
Nguồn: https://nhandan.vn