“Báo cáo An sinh xã hội thế giới 2024 – 2026” của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) được chính thức công bố toàn cầu vào ngày 12/9/2024. Bên cạnh báo cáo này, ILO cũng đã xuất bản “Báo cáo đồng hành khu vực châu Á và Thái Bình Dương” vào ngày 30/9/2024.
Báo cáo được đưa ra vào thời điểm quan trọng khi khu vực châu Á và Thái Bình Dương đang đối mặt với những tác động kéo dài của đại dịch COVID-19, mối đe dọa của biến đổi khí hậu và những thách thức dai dẳng gắn với tính phi chính thức và thay đổi nhân khẩu học. Báo cáo cho thấy diện bao phủ của an sinh xã hội của khu vực đang có chuyển biến tích cực, tuy nhiên sự không đồng đều về tiến độ và tính bền vững tài chính, cùng với sự cần thiết phải giải quyết những tác động của biến đổi khí hậu làm nổi bật nhu cầu cải thiện hệ thống một cách toàn diện.
Tại buổi giới thiệu, các diễn giả đã cùng thông tin và trao đổi về: An sinh xã hội và tiêu chuẩn lao động quốc tế - xu hướng toàn cầu; an sinh xã hội ở khu vực châu Á và Thái Bình Dương; an sinh xã hội ở Việt Nam, những thách thức và lựa chọn chính sách hướng tới an sinh xã hội toàn dân đến năm 2030.
Bà Ingrid Christensen, Giám đốc ILO Việt Nam, phát biểu tại sự kiện. (Ảnh: HNV)
Phát biểu chào mừng tại sự kiện, GS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhấn mạnh vai trò của các nghiên cứu chính sách an sinh xã hội mà Trường đã và đang cùng nhiều cơ quan, đơn vị, cá nhân có uy tín đóng góp vào công tác hoàn thiện cũng như thực thi các chính sách an sinh xã hội trong bối cảnh mới ở Việt Nam hiện nay.
Phó Đại sứ Ireland tại Việt Nam Sean Farrell khẳng định, sự coi trọng của Ireland trong củng cố phát triển quan hệ hai bên, nhất là khi Ireland tiếp tục cung cấp và hỗ trợ phát triển cho Việt Nam trong các lĩnh vực ưu tiên như: Tăng trưởng xanh, ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, chuyển đổi số, phát triển bền vững. Với những thành quả hợp tác tốt đẹp trong 3 thập kỷ qua, sự tin cậy chính trị và tiềm năng to lớn của hai nước, Phó Đại sứ Ireland bày tỏ tin tưởng quan hệ Việt Nam - Ireland sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ, hiệu quả.
Các đại biểu tham gia sự kiện. (Ảnh: HNV) 
Theo bà Ingrid Christensen, Giám đốc ILO Việt Nam, để thực hiện các mục tiêu năm 2030, Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình cao và đến năm 2045, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, Việt Nam cần đẩy nhanh tốc độ nâng cấp xã hội cùng với nâng cấp kinh tế. Và một trong những yếu tố then chốt để Việt Nam vượt qua những thách thức và duy trì sự phát triển bao trùm, bền vững chính là củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô và duy trì đầu tư đầy đủ, thường xuyên cho bảo trợ xã hội.
Các diễn giả đều thống nhất cao rằng “Báo cáo An sinh xã hội thế giới 2024 – 2026” là một nghiên cứu quan trọng mà Việt Nam có thể tham khảo để thực thi an sinh xã hội hiệu quả hơn trong bối cảnh mới.
GS.TS Giang Thanh Long, Giảng viên cao cấp, Trường Kinh tế và Quản lý công kiến nghị cần thống nhất, hài hòa các chính sách và chế độ an sinh xã hội, trong đó đồng bộ, thống nhất các chính sách pháp luật ở: Luật Bảo hiểm xã hội - chế độ bảo hiểm xã hội (tử tuất, ốm đau, thai sản); Luật Việc làm – bảo hiểm thất nghiệp; Luật Người cao tuổi – chế độ hưu trí xã hội; Luật Phòng chống thiên tai – chế độ trợ giúp khẩn cấp; Luật Trẻ em – chế độ trợ giúp trẻ em (không đóng góp); Luật Người khuyết tật – chế độ trợ giúp người khuyết tật…
Nguồn: https://dangcongsan.vn/