ĐSQ Việt Nam tại Italy tổ chức tọa đàm bàn tròn “Giới thiệu lý luận về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam” nhằm trao đổi học thuật, khoa học để chia sẻ và tăng cường hiểu biết lẫn nhau.
Toàn cảnh tọa đàm bàn tròn “Giới thiệu lý luận về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam.” (Ảnh: Dương Hoa-Trường Dụy/TTXVN)
Nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Italy, trong khuôn khổ Năm Việt Nam-Italy 2023, ngày 30/6, Đại sứ quán Việt Nam tại Italy đã tổ chức tọa đàm bàn tròn “Giới thiệu lý luận về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam” nhằm trao đổi học thuật, khoa học để chia sẻ và tăng cường hiểu biết lẫn nhau.
Theo phóng viên TTXVN tại Rome, các diễn giả chính tại cuộc tọa đàm gồm Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Italy Mauro Alboresi, Ủy viên Ban chấp hành Đảng Tái lập Cộng sản Italy Stefano Galieni, đại diện đảng Dân chủ Ugo Papi và ông Giulio Chinappi, đại diện nhà xuất bản Anteo Edizioni đang tiến hành việc dịch sang tiếng Italy để phát hành cuốn sách “Lý thuyết và thực hành chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam,” tuyển tập các bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
[Học giả Việt Nam, Trung Quốc chia sẻ kinh nghiệm xây dựng CNXH]
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Đại sứ Việt Nam tại Italy Dương Hải Hưng bày tỏ vui mừng, chào đón và cảm ơn các đại biểu đến tham dự tọa đàm bàn tròn và cho rằng buổi tọa đàm có ý nghĩa quan trọng, bổ ích, giúp tăng cường hiểu biết về Việt Nam và con đường xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam lựa chọn, đóng góp vào việc phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Italy.
Mở đầu cuộc tọa đàm, ông Phạm Văn Linh trình bày lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội tại Việt Nam.
Ông chia sẻ rằng xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới. Đó chính là mục tiêu, là con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam đã lựa chọn và đang kiên định, kiên trì theo đuổi.
Ông cho rằng phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, là thành quả lý luận quan trọng của gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của thế giới. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa.
Một đặc trưng cơ bản, một thuộc tính quan trọng của định hướng xã hội chủ nghĩa trong kinh tế thị trường Việt Nam là phải gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển.
Điều đó có nghĩa là: không chờ đến khi kinh tế đạt tới trình độ phát triển cao rồi mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, càng không "hy sinh" tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Nhờ thực hiện đường lối đổi mới, kinh tế Việt Nam phát triển liên tục với tốc độ tương đối cao trong suốt gần 40 năm qua với mức tăng trưởng trung bình khoảng 7%/năm.
Quy mô Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) không ngừng được mở rộng, năm 2022 đạt khoảng 400 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt 4.100 USD, tỷ lệ đói nghèo hàng năm giảm khoảng 1,2-1,5%.
Về phần mình, ông Alboresi của đảng Cộng sản Italy đánh giá cao kết quả của Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, có vai trò quan trọng đối với vận mệnh của Việt Nam và phong trào cộng sản quốc tế và khẳng định một giải pháp thay thế cho chủ nghĩa tư bản.
Việt Nam rất sáng tạo trong định hướng phát triển đất nước, thông qua kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giúp điều kiện sống của người dân ngày càng được cải thiện, quy mô kinh tế không ngừng gia tăng, nằm trong tốp 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và đạt được trước thời hạn các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ do Liên hợp quốc đề ra, trước hết là xóa đói giảm nghèo.
Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam mang lại sức sống cho tư tưởng của chủ nghĩa Mác, góp phần làm sống lại những lý tưởng và quan điểm của chủ nghĩa xã hội trên quy mô hành tinh, giúp nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, với chính sách đối ngoại tích cực nhằm thúc đẩy các mối quan hệ trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, giải quyết hòa bình các tranh chấp, tương hỗ, hợp tác, đoàn kết giữa các nước, giữa các dân tộc.
Trong khi đó, ông Galieni của đảng Tái lập Cộng sản Italy đánh giá rất cao phần trình bày của ông Phạm Văn Linh và cảm thấy tiếc nuối khi nhiều đảng tại châu Âu nói chung và Italy nói riêng đã từ bỏ lý tưởng xã hội chủ nghĩa của mình.
Cho đến năm 1980, Italy vẫn là một trong những quốc gia nổi tiếng ở phương Tây vì các phong trào, lực lượng ủng hộ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
Bối cảnh hiện nay, với sự gia tăng số người nghèo tại Italy trong khi nền kinh tế quốc gia gần như đứng yên, cho thấy Italy nên học tập kinh nghiệm của Việt Nam, đất nước ở châu Á với nền kinh tế tăng trưởng mạnh và số người nghèo ngày càng giảm.
Các đại biểu tham dự cuộc tọa đàm chụp ảnh chung. (Ảnh: Dương Hoa-Trường Dụy/TTXVN)
Ông bày tỏ hy vọng nếu ý tưởng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam được đưa ra thế giới, thì đây sẽ là đường lối đúng đắn, giải quyết được các vấn đề chiến tranh và môi trường.
Đại diện của đảng Dân chủ, ông Papi lại nhấn mạnh rằng việc thu nhập bình quân tăng và tỷ lệ nghèo giảm tại Việt Nam là những thành tựu đáng ngưỡng mộ và ví dụ điển hình trên thế giới. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là rất rõ ràng, khẳng định đường lối, chính sách đúng đắn của Việt Nam đi lên chủ nghĩa xã hội.
Điều quan trọng trong quá trình đổi mới là Việt Nam đã lựa chọn nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đổi mới đã mang lại sự cải thiện đời sống của người dân, nhưng cũng dẫn đến sự cách biệt giàu nghèo, chủ nghĩa cá nhân nhiều hơn, trong khi nền kinh tế hội nhập tạo nên sự phụ thuộc quốc tế.
Thành công lớn của Việt Nam là xử lý được mối quan hệ hài hòa giữa nhà nước, xã hội và thị trường, trong đó các quyết định đầu tư, sản xuất và phân phối vừa được quyết định bởi quy luật cung cầu của kinh tế thị trường, vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội.
Còn ông Chinappi, đại diện của Nhà xuất bản Anteo Edizioni nhận xét nhờ đường lối đúng đắn của ban lãnh đạo và sự chung tay của nhà nước, Đảng và nhân dân, Việt Nam đã trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới.
Vượt qua muôn vàn khó khăn trong 37 năm đổi mới, Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc và đạt được những thành tựu kinh tế đáng ghi nhận, duy trì ổn định, phục hồi nhanh và tăng trưởng bền vững, phát huy tiềm lực kinh tế và tăng cường an sinh xã hội, có uy tín, tiềm lực và vị thế chưa từng có.
Tại cuộc tọa đàm, những người tham dự có dịp đi sâu tìm hiểu những lý luận đã khiến Việt Nam lựa chọn con đường chủ nghĩa xã hội và đi theo con đường đó. Từ quan điểm này, lịch sử Việt Nam, lòng dũng cảm và quyết tâm của người dân Việt Nam đã và vẫn là tấm gương cho các dân tộc khác trên thế giới./.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn