Thời gian qua, hoạt động chăn nuôi gia cầm trong tỉnh gặp nhiều khó khăn khi giá bán nhiều loại sản phẩm gia cầm thấp hơn giá thành sản xuất. Một số doanh nghiệp, hộ chăn nuôi phải giảm quy mô đàn hoặc “treo chuồng”.
Anh Nguyễn Văn Cường, xã Hồng Tiến (Khoái Châu) áp dụng chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học để giảm thiểu rủi ro sản xuất
Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và PTNT, 6 tháng đầu năm, tổng đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh đạt 9,3 triệu con, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước. Qua đánh giá của các hộ chăn nuôi gia cầm, từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid – 19, có thời điểm giá bán các sản phẩm thịt, trứng gia cầm xuống thấp nhưng việc tiêu thụ lại dễ dàng hơn những tháng đầu năm nay do người dân có thói quen tích trữ thực phẩm...
Gia đình anh Trần Văn Ý, xã Thiện Phiến (Tiên Lữ) hiện nay nuôi gần 1 nghìn con gà thịt lông màu. 2 tuần trở lại đây, mặc dù giá gà được thương lái thu mua tăng gần 10 nghìn đồng/kg so với thời điểm 2 tháng trước nhưng vẫn thấp hơn giá thành sản xuất. Anh Ý cho biết: 2 tháng trước đây, giá gà lông màu chỉ được thu mua với giá dao động 35 – 37 nghìn đồng/kg. Hiện nay, gà lông màu thương phẩm được thu mua với mức giá 48 nghìn đồng/kg, gia đình tôi vẫn lỗ khoảng 5 nghìn đồng/kg (chưa kể chi phí chống nóng, phòng bệnh cho đàn vật nuôi). Ngoài ra, nguồn thực phẩm trên thị trường cũng đa dạng nên việc tiêu thụ gà nói chung và gia cầm nói riêng tương đối chậm.
Giá bán trứng gia cầm xuống thấp khiến gia đình bà Lê Thị Nhạn, xã Đồng Than (Yên Mỹ) rơi vào tình cảnh “nuôi cũng dở, bỏ không xong”. Bà Nhạn cho biết: Hiện nay, giá trứng gà được thương lái thu mua với giá 2,3 nghìn đồng/quả, cao hơn 600 đồng/quả so với nửa tháng trước. Dù giá trứng tăng nhưng gia đình tôi chưa thể bù lỗ do thời gian trước đó giá trứng lên, xuống thất thường. Mặt khác, muốn giảm đàn gà đẻ cần thời gian dài nên khi giá trứng xuống thấp, gia đình tôi vẫn phải duy trì tổng đàn, trong khi giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao nên chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn.
Ngành Nông nghiệp và PTNT đánh giá, sở dĩ hoạt động chăn nuôi gia cầm trong tỉnh gặp khó khăn do người lao động bị mất việc, giảm việc làm ảnh hưởng đến nguồn thu nhập khiến thị trường tiêu thụ thực phẩm chậm; người dân có nhiều lựa chọn thực phẩm; giá thức ăn chăn nuôi duy trì ở mức cao gây khó khăn cho các doanh nghiệp và hộ chăn nuôi. Ngoài ra, tổng đàn gia cầm trong tỉnh nói riêng và cả nước nói chung có xu hướng tăng, trong khi việc vận chuyển, buôn bán gia cầm trái phép qua biên giới vẫn diễn biến phức tạp. Theo số liệu thống kê của Hiệp hội chăn nuôi Gia cầm Việt Nam (VIPA), mỗi tháng, có hàng chục tấn gà đẻ thải loại được nhập lậu vào biên giới nước ta. Đây không chỉ là nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm các loại dịch bệnh trên gia cầm vào Việt Nam mà còn ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi gia cầm trong nước.
Để gỡ khó trong hoạt động chăn nuôi gia cầm của tỉnh, ngành Nông nghiệp và PTNT tiếp tục rà soát, hỗ trợ các hộ chăn nuôi tham gia các đề án, dự án phát triển chăn nuôi; khuyến khích các hộ chăn nuôi mở rộng quy mô chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, chăn nuôi VietGAHP. Cụ thể, năm 2023, toàn tỉnh có 21 hộ chăn nuôi được lựa chọn hỗ trợ chăn nuôi an toàn sinh học với tổng số trên 85 nghìn con gia cầm các loại. Từ đầu năm đến nay, công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi được tăng cường, với 2,8 triệu con gia cầm được tiêm vắc –xin phòng bệnh cúm từ ngân sách Nhà nước; các địa phương tổ chức phun hóa chất khử trùng, tiêu độc môi trường được trên 21,2 triệu lượt m2 chuồng trại chăn nuôi và môi trường; lực lượng thú y các huyện, thị xã, thành phố tiến hành kiểm dịch trên 141,2 nghìn con gia cầm, trên 5,5 nghìn tấn thịt gia súc, gia cầm, kiểm soát giết mổ trên 57 nghìn con gia cầm các loại... Các đơn vị chuyên môn trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác sản xuất, kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi tại các doanh nghiệp, cửa hàng, đại lý nhằm kịp thời xử lý tình trạng vật tư chăn nuôi không bảo đảm chất lượng, hạn chế rủi ro cho người dân. Một số doanh nghiệp, HTX như: Công ty cổ phần thực phẩm Giang Tuấn Vũ, HTX chăn nuôi và kinh doanh gà Đông Tảo (Khoái Châu); Chi nhánh công ty cổ phần T389 Việt Nam (Văn Giang)... liên kết với các hộ chăn nuôi gia cầm để tiêu thụ, chế biến sâu các sản phẩm chăn nuôi thành giò gà Đông Tảo, chân gà Đông Tảo ngâm xả tắc, khô gà... giúp giảm áp lực tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi tươi sống, nâng cao hiệu quả kinh tế. Các địa phương hướng dẫn, tạo điều kiện cho người dân sản xuất theo chuỗi thông qua việc thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác chăn nuôi. Duy trì 190 mô hình HTX liên kết chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; trong đó, có 42 HTX liên kết trong lĩnh vực chăn nuôi, giúp tạo thương hiệu sản phẩm để mở rộng thị trường tiêu thụ, giảm phụ thuộc vào thương lái, giảm thiểu sản lượng thịt gia cầm không rõ nguồn gốc vận chuyển, tiêu thụ trong tỉnh...
Nguồn: https://baohungyen.vn