KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Kinh tế
Đăng ngày: 04/04/2024 - Lượt xem: 794
Hiệu quả kinh tế từ trồng cây dược liệu

Hiện nay, huyện Khoái Châu có khoảng 480 héc-ta trồng cây dược liệu. Trong đó, diện tích trồng nghệ 260 héc-ta tập trung ở các xã: Chí Tân, Đại Hưng, Thuần Hưng; trên 90 héc-ta địa liền được trồng tập trung ở 2 xã Tân Dân, Tứ Dân; trên 43 héc-ta cỏ ngọt tập trung ở xã An Vĩ, thị trấn Khoái Châu; bạc hà, húng quế gần 12 héc-ta trồng tập trung ở các xã Bình Minh, Tứ Dân... Việc phát triển cây dược liệu cho hiệu quả kinh tế cao gấp 2-3 lần so với cấy lúa. Huyện khuyến khích người dân mở rộng diện tích sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, sản xuất và chế biến dược liệu...
Nông dân xã An Vĩ (Khoái Châu) chăm sóc cây cỏ ngọt
Đồng chí Đỗ Xuân Huấn, Chủ tịch UBND xã Tân Dân cho biết: Xã có khoảng 50 héc-ta trồng cây địa liền. Loại cây này thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, phát triển tốt, cho năng suất cao, thường được người dân trồng xen dưới tán các loại cây ăn quả như nhãn, cam, bưởi… Trung bình, một sào trồng địa liền xen canh cho năng suất 8 tạ - 1 tấn củ/năm, với giá bán 15.000 đồng/kg, mang lại thu nhập 12-15 triệu đồng/năm. 
Chị Nguyễn Thị Mừng ở thôn Bãi Sậy 1, xã Tân Dân cho biết: Gia đình tôi trồng địa liền đã 20 năm. Tôi chỉ cần mua giống năm đầu tiên, rồi tự nhân giống cho những năm sau. Loại cây này dễ chăm sóc, ưa bóng râm nên tôi trồng xen duới tán cây ăn quả, vừa tận dụng diện tích đất trống dưới gốc gây lại giúp giữ độ ẩm cho cây trồng chính và hạn chế cỏ dại. 
Thời gian qua, tại một số địa phương trong tỉnh hình thành nhiều mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cây dược liệu mang lại hiệu quả. Các doanh nghiệp sản xuất, chế biến dược liệu trong và ngoài tỉnh chủ động kết nối với nông hộ, hợp tác xã... xây dựng các vùng trồng cây dược liệu với quy mô lớn để có nguồn cung bền vững. Điển hình như Hợp tác xã sản xuất đầu tư và phát triển nông nghiệp Đức Thịnh (huyện Kim Động) liên kết với Công ty cổ phần dược liệu Việt Nam (chi nhánh tỉnh Phú Thọ) tiêu thụ nguyên liệu để sản xuất trà hoa cúc, sâm ích mẫu; Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp xã Việt Hưng (Văn Lâm) liên kết với Viện dược liệu Trung ương trồng 10 héc-ta cây dược liệu…
Tại xã Tân Hưng (thành phố Hưng Yên), từ năm 2021, Hợp tác xã Cây ăn quả đặc sản Quyết Thắng đã liên kết thành công với Công ty cổ phần thương mại dược vật tư y tế Khải Hà (tỉnh Thái Bình) để sản xuất cây dược liệu địa hoàng. Hợp đồng sản xuất - tiêu thụ dược liệu được ký kết ngay từ đầu vụ. Sản phẩm được doanh nghiệp bao tiêu 100%. 
Ông Trần Ngọc Hoa ở thôn Quyết Thắng, xã Tân Hưng cho biết: Trước khi canh tác, chúng tôi được nhân viên công ty hướng dẫn chi tiết kỹ thuật trồng, chăm sóc. Sau 5 – 6 tháng, cây cho thu hoạch với sản lượng 3 – 4 tạ củ/sào. Sản phẩm làm ra đến đâu được  doanh nghiệp thu mua đến đó với giá đã thỏa thuận từ đầu vụ. Trừ chi phí, tôi thu lãi 15 - 20 triệu đồng/sào/vụ. So với trồng ngô, trồng địa hoàng giảm công chăm sóc và sơ chế sau thu hoạch, không phải bón phân nhiều lần, hiệu quả kinh tế cao gấp khoảng 3 lần. 
Ông Trần Văn Mý, Giám đốc Hợp tác xã Cây ăn quả đặc sản Quyết Thắng cho biết: Ban đầu, chỉ có vài thành viên trong hợp tác xã đăng ký thực hiện mô hình. Nhận thấy hiệu quả kinh tế mang lại, đến nay, nông dân tham gia mô hình đã mở rộng phạm vi ra toàn xã, tổng diện tích trồng cây địa hoàng năm 2024 đạt khoảng 6 héc-ta. 
Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và PTNT, hiện nay, toàn tỉnh có trên 747 héc-ta cây dược liệu, tập trung chủ yếu ở một số địa phương, như: Văn Lâm, Khoái Châu, Kim Động, Tiên Lữ, thành phố Hưng Yên... Các chủng loại cây dược liệu khá đa dạng, gồm: Cây dược liệu lâu năm (hoa nhài, đinh lăng, hoa hoè…); cây dược liệu hằng năm (cúc hoa, nghệ, địa liền, ngưu tất, cà gai leo, bạc hà, húng quế, bạch chỉ, cà gai leo, kinh giới, tía tô...). Trước nhu cầu của thị trường về sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc thảo dược, các địa phương đã lồng ghép nhiều chương trình, dự án, đề tài khoa học để xây dựng, phát triển các mô hình trồng dược liệu; chú trọng hướng dẫn, hỗ trợ người dân ưu tiên trồng các loại dược liệu quý, các giống có năng suất, chất lượng cao, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào trồng, chăm sóc. Hiện nay, có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã trong và ngoài tỉnh sản xuất thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm từ thảo dược như: Công ty Cổ phần thương mại Dược vật tư y tế Khải Hà (tỉnh Thái Bình); Công ty TNHH Traphaco Hưng Yên (Văn Lâm); Công ty TNHH Hoàng Minh Châu Hưng Yên (Khoái Châu); Hợp tác xã sản xuất, dịch vụ tổng hợp Hoa Thiên Phú (Văn Lâm); Hợp tác xã Đầu tư và phát triển nông nghiệp công nghệ cao Minh Châu (thành phố Hưng Yên)… nên nhu cầu về nguồn cung dược liệu lớn, tạo tiền đề phát triển bền vững các vùng sản xuất dược liệu. Một số doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh liên kết với các địa phương trong việc đưa các giống cây dược liệu mới vào canh tác, chủ động nguồn nguyên liệu cho sản xuất, góp phần thúc đẩy sự phát triển các vùng trồng dược liệu của tỉnh. 
​Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan