KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Kinh tế
Đăng ngày: 01/11/2023 - Lượt xem: 312
Hỗ trợ nông dân xây dựng, phát triển kinh tế tập thể

Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ nông dân xây dựng, phát triển mô hình kinh tế tập thể. Qua đó, tạo điều kiện giúp hội viên nông dân xây dựng được các trang trại, gia trại quy mô lớn theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển mô hình theo chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hội viên.

Sản xuất chuối sấy tại Hợp tác xã nông sản Toàn Phát (Khoái Châu)
Xuất phát từ thực tế muốn tăng thu nhập cho gia đình và tạo việc làm ổn định cho người dân địa phương, năm 2019, anh Nguyễn Văn Phát ở xã Bình Kiều (Khoái Châu) đã tiên phong cùng 7 thành viên khác thành lập Hợp tác xã nông sản Toàn Phát. Anh Nguyễn Văn Phát, Giám đốc Hợp tác xã chia sẻ: Tận dụng ưu thế huyện Khoái Châu trồng nhiều loại cây ăn quả, cùng với nguồn nhân công của địa phương dồi dào, vì vậy hợp tác xã đã đầu tư máy móc, trang thiết bị để sấy, chế biến các loại củ, quả thành sản phẩm như: Long nhãn, mít sấy, chuối sấy, khoai tây chiên… Để tìm kiếm thị trường tiêu thụ, lãnh đạo hợp tác xã thường xuyên nắm bắt thông tin, biến động trên thị trường, tăng cường quảng bá sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng, năng động, kiên trì đi gặp gỡ, tiếp thị để tìm đầu ra cho sản phẩm; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các thành viên nâng cao chất lượng sản phẩm, mạnh dạn tìm hướng đi mới cho hợp tác xã. Mỗi năm, hợp tác xã, chế biến khoảng 200 tấn quả chuối tươi, 70 tấn nhãn, 10 tấn mít… mang lại thu nhập ổn định cho thành viên, của hợp tác xã đồng thời tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp công nghệ cao Toàn Thắng (Văn Lâm) có 10 thành viên canh tác trên diện tích 17 héc-ta, chủ yếu trồng các loại cây ăn quả, cây xanh, cây công trình cung cấp cho các cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh. Ngoài cây hợp tác xã còn ươm cây giống, trồng các loại hoa và chăn nuôi các loại gia cầm. Hằng năm, hợp tác xã tạo việc làm cho thường xuyên cho từ 15 đến 20 lao động với mức thu nhập bình quân 6 - 8 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm hợp tác xã xuất bán từ 120 tấn đến 130 tấn quả các loại như: Hồng xiêm, cam, chuối tiêu hồng, ổi, bưởi… mang lại lợi nhuận hàng trăm triệu đồng.
Bà Trần Thị Tình, thành viên Hợp tác xã nhãn lồng xã Quảng Châu (thành phố Hưng Yên) cho biết: Hợp tác xã có 62 thành viên, canh tác trên diện tích 33 ha, chủ yếu trồng nhãn, cam theo quy trình VietGAP. Từ khi tham gia hợp tác xã, thành viên đã chủ động trong các quy trình, kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch sản phẩm đúng cách, giúp cây phát triển tốt, chất lượng quả ngon. Vụ nhãn năm nay, hợp tác xã bao tiêu toàn bộ sản phẩm của thành viên với giá cao hơn thị trường từ 5 đến 7 nghìn đồng/kg quả nhãn. Ngoài ra, thành viên hợp tác xã còn được Hội Nông dân xã hỗ trợ phân bón, thuốc trừ sâu sinh học, được tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật và cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất.
Từ những mô hình kinh tế tập thể mang lại hiệu quả cao ở tỉnh cho thấy, sự vào cuộc tích cực của tổ chức hội nông dân, sự chủ động, đổi mới cách nghĩ, cách làm của người nông dân trong liên kết sản xuất, thành lập và phát triển kinh tế tập thể, tổ chức sản xuất theo hướng hàng hóa. Khi tham gia các mô hình kinh tế tập thể, nông dân đã chủ động trang bị kiến thức về quy trình sản xuất an toàn, áp dụng khoa học kỹ thuật, vay vốn để đầu tư, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, giúp tăng năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng hành với nông dân, các cấp hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động giúp cán bộ, hội viên nông dân từng bước nâng cao nhận thức, hiểu rõ hơn về vị trí, vai trò của kinh tế tập thể trong nền kinh tế; hướng dẫn, hỗ trợ nông dân liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị, hình thành các tổ hợp tác, chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ hội nông dân nghề nghiệp, hợp tác xã. Hiện nay, các cấp hội đã hướng dẫn quy trình, cách thức thành lập và điều hành 48 chi hội nghề nghiệp, 112 tổ hội nghề nghiệp, 82 hợp tác xã và 90 tổ hợp tác trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông nghiệp. Bên cạnh đó, phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp cung ứng phân bón trả chậm; tổ chức tư vấn, tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật, giới thiệu và tổ chức tham quan, học tập các mô hình sản xuất có hiệu quả cho thành viên; tín chấp từ Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp và tổ chức tín dụng cho nông dân vay vốn; tăng cường hỗ trợ các mô hình kinh tế tập thể trong quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, xúc tiến các hoạt động liên kết với các doanh nghiệp, đưa sản phẩm và nông dân lên các sàn giao dịch điện tử…
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan