Năm 2023, Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành phố luôn kịp thời giải quyết các nội dung phát sinh hoặc những công việc đột xuất trong điều kiện phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội gặp nhiều rào cản.
Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Giám sát việc thực hiện công tác đầu tư công giai đoạn 2021-2025 đối với Ủy ban Nhân dân thành phố. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)
Với vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của nhân dân, Hội đồng Nhân dân các cấp đã bám sát nghị quyết của Quốc hội, bám sát thực tiễn, tích cực đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động cả về công tác giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương, tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ chế phát triển, thực hiện các đột phá chiến lược; rà soát, tháo gỡ khó khăn, khơi thông các nguồn lực nhằm thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Giám sát có trọng tâm, trọng điểm
Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình tổ chức, hoạt động của Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2023, Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành phố đã luôn chủ động thực thi chương trình, kế hoạch nhiệm vụ toàn khóa trên địa bàn.
Bên cạnh đó, Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành phố luôn kịp thời giải quyết các nội dung phát sinh hoặc những công việc đột xuất trong điều kiện phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội còn gặp nhiều rào cản phải tháo gỡ hoặc triển khai thực hiện tốt các chủ trương mới của Trung ương.
Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh, thành phố thường xuyên tổ chức các cuộc họp giao ban để rà soát, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ theo thẩm quyền, kịp thời chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ chính trị thường xuyên và đột xuất theo kế hoạch gắn với nhiệm vụ trọng tâm.
Năm 2023, Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành phố cả nước đã tổ chức tổng số 357 kỳ họp, trong đó có 130 kỳ họp thường lệ, 154 kỳ họp chuyên đề và 73 kỳ họp đột xuất nhằm kịp thời giải quyết những vấn đề quan trọng, cấp bách.
Trong năm, tổng số nghị quyết được Hội đồng Nhân dân ban hành tại các kỳ họp là 6.377 nghị quyết (trong đó có 1.681 nghị quyết quy phạm pháp luật, 4.696 nghị quyết cá biệt). Thành phố Hà Nội, Vĩnh Long lần đầu tiên ban hành Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp. Tỉnh Hải Dương có số lượng Nghị quyết được ban hành nhiều nhất từ trước đến nay.
Tại kỳ họp, các nội dung nghị quyết được đại biểu xem xét thận trọng, toàn diện, khách quan, bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, các khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm, lộ trình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, các nghị quyết của Quốc hội khóa XV, nghị quyết Đại hội đại biểu đảng bộ của địa phương, các chủ trương chính sách, pháp luật về cơ chế đặc thù và có sự đổi mới, tập trung cho ý kiến vào những vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau. Do đó, các nghị quyết được thông qua với sự đồng thuận cao.
Đoàn giám sát Hội đồng Nhân dân tỉnh Hậu Giang làm việc với Ủy ban Nhân dân tỉnh về công tác xây dựng xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. (Ảnh: Hồng Thái/TTXVN)
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá hầu hết các địa phương đã thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 trong việc điều hòa, phân công, phối hợp thực hiện các chương trình giám sát chuyên đề, phù hợp với thực tiễn, định hướng chỉ đạo hoạt động giám sát, khảo sát có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực; chỉ đạo phát huy hiệu quả chức năng giám sát, với nhiều hình thức được thực hiện như: chất vấn, giám sát chuyên đề, thành lập đoàn giám sát, giải trình tại phiên họp của Thường trực Hội đồng Nhân dân...
Đối với hoạt động giám sát chuyên đề, năm 2023, tổng số có 1.332 Đoàn giám sát của Hội đồng Nhân dân, Thường trực Hội đồng Nhân dân, các Ban Hội đồng Nhân dân và được triển khai thực hiện công phu, bài bản với nhiều đổi mới về phương pháp, cách thức tổ chức thực hiện, trước khi tiến hành đã tổ chức khảo sát, kiểm tra thực tế đột xuất, thậm chí không báo trước.
Sau giám sát, nhiều vấn đề vướng mắc, bất cập trong thực tiễn đã được kiến nghị chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, đồng thời trình Hội đồng Nhân dân xem xét, ban hành nghị quyết để làm căn cứ, cơ sở giám sát việc thực hiện. Đến nay đã có 9.618/13.273 kiến nghị được xử lý đạt 72,44%.
Bên cạnh đó, hoạt động tái giám sát của các Ban Hội đồng Nhân dân, giám sát của Tổ đại biểu Hội đồng Nhân dân, theo dõi thực hiện các kết luận sau giám sát được đẩy mạnh. Hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý đơn khiếu nại, tố cáo của công dân của đại biểu Hội đồng Nhân dân ngày càng được tăng cường theo hướng thiết thực, sâu sát, quyết liệt, hiệu quả, với tinh thần “gần dân, hiểu dân, vì nhân dân”...
Tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, chính sách
Năm 2024 là năm nước rút thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ XIII, nghị quyết Đại hội Đảng bộ các tỉnh, thành phố, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, có ý nghĩa quan trọng đối với việc hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch đã được đề ra. Tuy nhiên, khó khăn, thách thức còn rất lớn, nhất là từ những yếu tố bất lợi từ bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại đã kéo dài nhiều năm.
Trên cơ sở thành tựu và bài học kinh nghiệm từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành phố cần nỗ lực cao hơn, trách nhiệm lớn hơn, hành động quyết liệt hơn, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, chủ động thích ứng, linh hoạt, tích cực đổi mới, sáng tạo để từng bước nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của Hội đồng Nhân dân.
Thường trực Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành phố cần tập trung chỉ đạo toàn diện, đồng bộ, hiệu quả các chủ trương, chỉ đạo của Trung ương và tỉnh ủy, thành ủy, phát huy tinh thần giám sát hiệu quả, quyết sách kịp thời, bứt phá phát triển, góp phần hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024.
Đoàn giám sát của Hội đồng Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu làm việc với UBND tỉnh về công tác bảo đảm an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh ngày 27/12/2023. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)
Thường trực Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành phố lưu ý tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, chính sách, nhất là đối với các tỉnh, thành phố đang thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù theo các Nghị quyết của Quốc hội; khơi thông các nguồn lực; xử lý hiệu quả các vướng mắc để phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành phố tiếp tục hoàn thiện, xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; chủ động phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh và các cơ quan hữu quan để chuẩn bị từ sớm, từ xa, đảm bảo chất lượng các nội dung văn bản và tổ chức thành công các kỳ họp của Hội đồng Nhân dân, phiên họp của Thường trực Hội đồng Nhân dân, nhất là việc ban hành Nghị quyết bảo đảm tính khả thi, tính dự báo cao, đúng quy định pháp luật.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị thường xuyên rà soát, theo dõi giám sát việc triển khai thực hiện các Nghị quyết, kết luận của Hội đồng Nhân dân, Thường trực Hội đồng Nhân dân, đồng thời cần đánh giá, rút kinh nghiệm việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân để triển khai kịp thời, đồng bộ các giải pháp, khắc phục những hạn chế, tạo chuyển biến tích cực trong công tác đề xuất ban hành các cơ chế, chính sách cho phù hợp với quy định của pháp luật và phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.
Ngoài ra, tổ chức thực hiện có hiệu quả hoạt động giám sát của Hội đồng Nhân dân, Thường trực Hội đồng Nhân dân, các ban của Hội đồng Nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng Nhân dân, tăng cường công tác khảo sát; tổ chức tốt các phiên giải trình của Thường trực Hội đồng Nhân dân, các ban của Hội đồng Nhân dân...
Hội đồng Nhân dân tỉnh, thành phố thực hiện tốt công tác tiếp công dân; tiếp xúc cử tri; tiếp nhận, xử lý, theo dõi việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân theo quy định, nhất là các vụ việc cấp bách, tồn đọng chưa được giải quyết dứt điểm./.
Nguồn:https://www.vietnamplus.vn