KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Kinh tế
Đăng ngày: 08/09/2023 - Lượt xem: 612
Hối hả nghề làm đồ chơi Trung thu truyền thống ở thôn Ông Hảo

Còn hơn nửa tháng nữa là đến Tết Trung thu, những ngày này, người dân ở thôn Ông Hảo, xã Liêu Xá (Yên Mỹ) lại hối hả làm các sản phẩm đồ chơi truyền thống như mặt nạ bồi giấy, đầu sư tử, trống... để kịp phục vụ thị trường.

Người dân ở thôn Ông Hảo, xã Liêu Xá (Yên Mỹ) sản xuất đồ chơi Trung thu truyền thống
Theo các cụ cao niên ở thôn Ông Hảo kể lại, nghề làm đồ chơi truyền thống nơi đây đã có từ khoảng 40 năm trước. Sản phẩm làm ra ở đây từng được đưa đi tiêu thụ ở khắp các tỉnh, thành phố trong nước, mang lại thu nhập cao cho người dân trong làng. Hằng năm, từ tháng 6 đến Rằm Tháng Tám âm lịch, nhiều hộ trong thôn lại làm trống, đầu sư tử hay mặt nạ. Khắp xóm làng, tiếng xẻ gỗ, búa đe lọc cọc, tiếng thử trống lách cách, tiếng các bà, các mẹ ngồi bồi giấy trò chuyện rôm rả... Tuy nhiên, có một thời gian, các loại đồ chơi nhập ngoại xuất hiện tràn lan khiến đồ chơi truyền thống của người dân trong thôn khó tiêu thụ, nhiều người bỏ nghề. Hiện nay, cả thôn Ông Hảo chỉ còn 5 - 6 hộ kiên trì giữ và làm nghề sản xuất đồ chơi truyền thống với các mặt hàng chính là: Mặt nạ bồi giấy, đầu sư tử và trống.
Điều đáng mừng là những năm gần đây, đồ chơi Trung thu truyền thống đang dần lấy lại vị thế bởi ưu điểm làm từ vật liệu thân thiện với môi trường, an toàn, không gây hại cho sức khỏe con người, mẫu mã phong phú hơn, nhờ vậy sản phẩm được tiêu thụ thuận lợi, mang lại thu nhập cao cho người làm đồ chơi Trung thu truyền thống ở thôn Ông Hảo, giúp họ thêm gắn bó với nghề.
Những ngày này, trên khoảng sân nhỏ bày rất nhiều các loại mặt nạ bồi giấy, gia đình ông Vũ Duy Đông tất bật sơn vẽ, hoàn thiện đơn hàng để kịp giao cho khách. Ông Đông đã gắn bó với nghề sản xuất mặt nạ bồi giấy, đầu sư tử 40 năm. Năm nay, gia đình ông sản xuất trên 10.000 sản phẩm (tăng khoảng 2.000 chiếc so với năm trước), hàng làm đến đâu khách đến mua hết đến đó.
Chia sẻ về cách làm ra một chiếc mặt nạ bồi giấy, ông Đông cho biết: Để hoàn thiện 1 chiếc mặt nạ phải qua 3 công đoạn: Bồi thô, sơn vẽ và hoàn thiện đóng gói. Mặt nạ được tạo hình bằng cách bồi giấy bìa, giấy báo, vở cũ lên khuôn xi măng đúc sẵn, sử dụng hồ bột sắn để kết dính các lớp giấy. Sau khi phơi khô, mặt nạ giấy được sơn vẽ. Mặc dù được làm hoàn toàn thủ công nhưng những chiếc mặt nạ vẽ ra tương đối đều nhau, màu sắc tươi sáng, sinh động, nét vẽ mộc mạc, hồn nhiên, hóm hỉnh, rất “có hồn”, mang đậm nét truyền thống.
Trước kia, mặt nạ bồi giấy không có nhiều mẫu mã, chỉ có ông Tễu nhưng sau này để đáp ứng nhu cầu thị trường, người dân trong thôn sáng tạo thêm các mẫu khác với nhiều hình dáng đa dạng, bắt mắt, độc đáo, mới lạ để thu hút khách hàng, như: Mặt nạ hình 12 con giáp, Tôn Ngộ Không, Chư Bát Giới...
Ngoài sản xuất các loại mặt nạ bồi giấy, đầu sư tử, thôn Ông Hảo cũng được biết đến với nghề làm trống gỗ thủ công. Tại cơ sở sản xuất trống gỗ của gia đình ông Vũ Văn Hởi, người có thâm niên vài chục năm gắn bó với nghề cũng đang tất bật để hoàn thiện hàng trăm chiếc trống phục vụ thị trường dịp Tết Trung thu. Ông Hởi cho biết: Để làm ra những chiếc trống truyền thống, người thợ phải mất gần một năm để chuẩn bị, năm nay làm hàng gối đầu cho năm sau. Công việc thường bắt đầu từ tháng 9 dương lịch, thợ chính chọn mua gỗ bồ đề, gỗ mỡ về cắt khoanh, đẽo, tiện thành tang trống; mua da trâu về, xẻ thành từng mảnh sao cho thật đều rồi ngâm trong nước vôi để tẩy màu. Ngâm khoảng 5 - 7 ngày thì vớt ra. Trong thời gian đó, cứ cách 1 - 2 ngày thì người ta phải trở mặt da để nước vôi ngấm đều, nếu không da sẽ bị loang ố. Sau đó, da trâu được vớt ra, phơi khô, cắt thành từng miếng tròn làm mặt trống rồi mang đi ráp với tang trống, công đoạn này gọi là bưng trống. Trống bưng xong, lại được đem đi phơi khô rồi mới quét sơn và vẽ hoa văn sao cho bắt mắt. Năm nay, gia đình tôi sản xuất 2.000 – 3.000 chiếc trống các loại.
Những năm gần đây, tuy có sự cạnh tranh với các loại đồ chơi hiện đại, nhưng các mặt hàng đồ chơi Trung thu truyền thống ngày càng được quan tâm, người dân làm nghề ở thôn Ông Hảo luôn cố gắng sáng tạo ra nhiều đồ chơi mới dựa trên những gì ông cha để lại để thu hút khách hàng, mang lại thu nhập và để khuyến khích con, cháu theo nghề. Dịp Tết Trung thu năm nay, người dân thôn Ông Hảo sản xuất hàng chục nghìn chiếc mặt nạ bồi giấy, trống các loại. Giá mỗi chiếc mặt nạ từ 20.000 đến 40.000 đồng; đầu sư tử từ 40.000 đến 50.000 đồng/chiếc; trống từ 20.000 đến 180.000 đồng/chiếc tùy kích cỡ. Sản phẩm làm ra đến đâu được xuất bán hết ngay đến đó. Các sản phẩm đồ chơi Trung thu thôn Ông Hảo đã có chỗ đứng tại phố Hàng Mã (Hà Nội) và ở nhiều tỉnh, thành phố trong nước như: Hải Dương, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh…
Không chỉ tiêu thụ tốt, những năm gần đây, độ 1 - 2 tháng trước Tết Trung thu, thôn Ông Hảo đón hàng chục đoàn khách, chủ yếu là các trường học ở trong và ngoài tỉnh đưa học sinh về tham quan, trải nghiệm các công đoạn làm và tô vẽ mặt nạ. Người dân trong thôn luôn vui vẻ đón khách tham quan, giới thiệu tỉ mỉ để các em học sinh hiểu các công đoạn làm ra các sản phẩm đồ chơi truyền thống, giúp các em thêm yêu thích đồ chơi dân gian.
Một mùa Trung thu nữa lại về, những người dân ở thôn Ông Hảo lại lặng thầm với nghề làm ra những món đồ chơi dân gian. Những món đồ chơi dân gian từ ngôi làng nhỏ đang được đưa đi khắp mọi miền của đất nước, đáp ứng nhu cầu thị trường và góp phần giáo dục thế hệ trẻ về những nét đẹp văn hóa truyền thống.
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan