KỶ NIỆM 71 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (7/5/1954 - 7/5/2025)
Văn hóa - Xã hội
Đăng ngày: 23/12/2023 - Lượt xem: 649
Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa

Ngày 22/12, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

Đồng chí Trần Quốc Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hưng Yên. Cùng dự có đồng chí Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số ban, sở, ngành, đoàn thể của tỉnh.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hưng Yên
Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, công nghiệp văn hóa đang trở thành xu hướng và được xác định là phần quan trọng, bền vững, đóng góp vào sự tăng trưởng của đất nước. Qua số liệu ước tính, giá trị tăng thêm (giá hiện hành) của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào nền kinh tế năm 2018 đạt 5,82%; năm 2022 đạt 4,04%. Giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam giai đoạn 2018 - 2022 đóng góp ước bình quân đạt 1,059 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 44 tỷ USD). Giai đoạn 2018 - 2022, tốc độ tăng trưởng về số lượng các cơ sở kinh tế hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa ước đạt 7,2%/năm; năm 2022 thống kê có khoảng 70.321 cơ sở đang hoạt động có liên quan đến các ngành công nghiệp văn hoá. Lực lượng lao động thuộc các ngành công nghiệp văn hóa tăng khá nhanh, năm 2022 thu hút khoảng 2,3 triệu lao động, chiếm tỷ trọng 4,42% trong tổng lực lượng lao động của nền kinh tế. Xuất nhập khẩu sản phẩm, dịch vụ của các ngành công nghiệp văn hóa trong giai đoạn 2018 - 2022 tạo ra giá trị xuất siêu...
Giai đoạn 2018 - 2022, các bộ, ngành, địa phương đã kịp thời chỉ đạo và phê duyệt các kế hoạch, đề án, quy hoạch liên quan đến phát triển 12 ngành công nghiệp văn hóa, bước đầu đã tạo cơ sở pháp lý, điều kiện cho đầu tư, phát triển một số ngành nghề, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế. Nhận thức của toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của công nghiệp văn hóa từng bước được nâng cao.
Mục tiêu chung đến năm 2030, nước ta phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế quan trọng, trong đó tập trung phát triển có trọng tâm, trọng điểm một số ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng, lợi thế nhằm đạt mục tiêu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP và tiếp tục góp phần phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Tại hội nghị, các đại biểu đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp, các chuyên gia và lãnh đạo các bộ, cơ quan, các địa phương đã thảo luận nhiều nội dung quan trọng trong phát triển công nghiệp văn hóa.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, công nghiệp văn hóa đã đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh vốn có. Do đó, thời gian tới các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp cần có sự chuyển biến mạnh mẽ cả về tư duy và hành động, phát triển công nghiệp văn hóa theo đúng định hướng. Đồng chí  yêu cầu, tiếp tục đề xuất những giải pháp khả thi để thu hút nguồn lực cho công nghiệp văn hóa phát triển mạnh mẽ, chuyển đổi số, đổi mới và nâng cao nguồn nhân lực, có chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa dài hạn. Phát triển công nghiệp văn hóa gắn liền với việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, xây dựng, hoàn thiện cơ sở pháp lý về vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước của từng bộ, ngành, địa phương trong phát triển các ngành công nghiệp văn hoá; đẩy mạnh tuyên truyền, phát triển nguồn nhân lực, tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ, thu hút và hỗ trợ đầu tư, phát triển thị trường, mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế…
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan