KỶ NIỆM 135 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19/5/1890 - 19/5/2025)
Văn hóa - Xã hội
Đăng ngày: 03/07/2023 - Lượt xem: 396
Hưng Yên: Bệnh tay - chân - miệng ở trẻ em có xu hướng gia tăng

Ghi nhận ở các cơ sở y tế trong tỉnh, thời gian này, bệnh tay - chân - miệng có xu hướng gia tăng. Đây là bệnh truyền nhiễm, gặp phổ biến ở trẻ em và dễ lây lan. Bệnh có khả năng tự khỏi sau từ 5 đến 7 ngày. Tuy nhiên, nếu không được điều trị đúng cách, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong.

Bác sĩ thăm khám bệnh nhi đang điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi Hưng Yên
Tại khoa Nội nhi 2, Bệnh viện Sản - Nhi Hưng Yên những ngày gần đây, số trẻ mắc bệnh tay - chân - miệng tăng cao. Mỗi ngày khoa điều trị khoảng 20, có ngày lên đến 30 bệnh nhân. Trong số đó, phần lớn trẻ mắc bệnh tay – chân – miệng do Enterovirus (EV71). Một số trẻ nhập viện trong tình trạng sốt cao, co giật, không xuất hiện nốt bóng nước ở tay, chân mà xuất hiện ở niêm mạc miệng, hầu họng. Vì vậy người nhà dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh cấp tính khác. Qua khám lâm sàng và xét nghiệm, trẻ được chẩn đoán mắc bệnh tay – chân - miệng. Theo bác sĩ Đào Thúy Đạt, phụ trách khoa Nội nhi 2 (Bệnh viện Sản  - Nhi Hưng Yên), phần lớn trẻ sẽ khỏi bệnh sau 5 đến 7 ngày điều trị hoặc điều trị cho trẻ tại nhà theo tư vấn của bác sĩ (đối với trẻ ở mức độ nhẹ). Tuy nhiên, vi rút EV71 có khả năng gây bệnh tay - chân - miệng nặng, một số bệnh nhân có biến chứng như viêm não, để lại di chứng nặng nề, thậm chí tử vong. Tại khoa, trẻ mắc bệnh được bố trí, sắp xếp ở phòng riêng, tránh lây nhiễm chéo cho bệnh nhân khác, buồng bệnh được khử khuẩn thường xuyên.
Theo các bác sĩ, biểu hiện dễ nhận biết của bệnh là các tổn thương hồng ban, bóng nước xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, trong ổ miệng, đôi khi xuất hiện ở vùng mông, đầu gối. Trong đó, biểu hiện thường gặp nhất ở trẻ nhỏ khi mắc tay – chân - miệng là tình trạng loét miệng, vết loét khiến trẻ có cảm giác đau rát khi ăn, uống… nên trẻ nhỏ mắc bệnh thường không chịu ăn, không chịu bú, thường chảy dãi liên tục. Tuỳ theo biểu hiện bệnh và các biến chứng, bệnh tay - chân - miệng được chia ra 4 mức độ khác nhau. Cấp độ 1 chỉ có loét miệng hoặc tổn thương da. Cấp độ 2 gồm các biểu hiện giật mình, sốt nhiều, sốt cao trên 390C, chân tay run, ngồi không vững, đi loạng choạng, nôn trớ nhiều... Cấp độ 3:  Chân tay hoạt động yếu ớt, liệt thần kinh sọ, co giật, rối loạn tri giác, hôn mê. Cấp độ 4: phù phổi cấp, tăng huyết áp, trụy mạch. Các bác sĩ khuyến cáo, ở cấp độ 1, trẻ có thể được điều trị tại nhà nhưng từ cấp độ 2 trở đi, cần đưa trẻ nhập viện điều trị. Điều quan trọng là bố mẹ cần phát hiện sớm các dấu hiệu biến chứng của bệnh tay - chân - miệng để kịp thời đưa trẻ đi khám và điều trị, tránh những biến chứng nguy hiểm.
Bệnh lây lan qua đường tiếp xúc gần gũi, thông qua đường hô hấp như ho và hắt hơi, tiếp xúc với dịch mủ khi các bóng nước xuất hiện trên da vỡ ra, chạm vào những bề mặt có vi rút lây bệnh.
Từ đầu tháng 3/2023, Trường mầm non Tô Hiệu (thành phố Hưng Yên) rải rác có trẻ mắc bệnh tay - chân - miệng. Vì vậy, các giáo viên thường xuyên vệ sinh mặt bàn, ghế, làm sạch bề mặt và đồ chơi bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Giáo viên theo dõi tình hình sức khỏe của trẻ, phát hiện sớm các biểu hiện bệnh để đề nghị phụ huynh cho con ở nhà, đồng thời vệ sinh, khử khuẩn lớp học tránh lây cho trẻ khác.
Theo hệ thống theo dõi của Bộ Y tế, từ đầu năm cả nước ghi nhận gần 9 nghìn trẻ mắc bệnh tay - chân - miệng, trong đó đã có trẻ tử vong. Tại các cơ sở y tế trong tỉnh đã tiếp nhận, điều trị hàng trăm trẻ mắc bệnh tay - chân - miệng. Để chủ động phòng, chống bệnh này, UBND tỉnh có công văn chỉ đạo Sở Y tế chủ trì hướng dẫn các cơ quan, đơn vị liên quan và các địa phương triển khai hiệu quả các giải pháp phòng, chống bệnh tay - chân - miệng theo chỉ đạo của Bộ Y tế; tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, kịp thời phát hiện sớm các ổ dịch mới phát sinh, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện. Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục chủ động phối hợp với ngành y tế để tổ chức tuyên truyền sâu rộng tại các trường học, đặc biệt tại các trường mầm non về các biện pháp phòng, chống bệnh tay – chân – miệng và các dịch bệnh khác trong trường học, bảo đảm các cơ sở giáo dục có đủ các phương tiện rửa tay, xà phòng và có vị trí thuận tiện tạo điều kiện thuận lợi cho người chăm sóc trẻ và trẻ em rửa tay thường xuyên bằng xà phòng. Thực hiện vệ sinh lớp học, vệ sinh môi trường, cung cấp đủ nước uống, nước sạch, bảo đảm an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể. Các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các lực lượng phối hợp với ngành y tế triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tay – chân – miệng, đặc biệt chú trọng các khu vực có nguy cơ cao bùng phát dịch; tổ chức tuyên truyền, vận động cộng đồng dân cư thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng, thực hiện ăn sạch, ở sạch và giữ gìn đồ chơi sạch cho trẻ để phòng bệnh.
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan