KỶ NIỆM 110 NĂM NGÀY SINH ĐỒNG CHÍ TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN VĂN LINH (01/7/1915 - 01/7/2025); KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY CÁCH MẠNG THÁNG TÁM THÀNH CÔNG (19/8/1945 - 19/8/2025) VÀ QUỐC KHÁNH NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM (2/9/1945 - 2/9/2025)
Kinh tế
Đăng ngày: 02/07/2025 - Lượt xem: 30
Hưng Yên ngày mới: Hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng

Đến năm 2050, Hưng Yên sẽ là thành phố trực thuộc Trung ương; thành phố thông minh, giàu đẹp, văn minh, phát huy những giá trị cốt lõi văn hóa Phố Hiến xưa và là trung tâm kết nối giữa các địa phương.

Vùng sản xuất nông nghiệp tập trung ven sông Hồng, thuộc xã Tân Hưng, thành phố Hưng Yên. (Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN)

Tỉnh Hưng Yên sau hợp nhất có quy mô dân số trên 3,5 triệu người, diện tích hơn 2.500 km2, hệ thống kết cấu hạ tầng, kinh tế-xã hội tương đối phát triển, nguồn lực dồi dào, truyền thống văn hóa-lịch sử sâu sắc, cùng đội ngũ cán bộ có năng lực, phẩm chất và kinh nghiệm.

Vị trí địa lý nằm trong tam giác phát triển Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh, có hệ thống giao thông kết nối thuận tiện với các trung tâm kinh tế lớn là điều kiện thuận lợi để xây dựng một tỉnh mạnh về công nghiệp, năng động về đô thị, ổn định về nông thôn, tiên phong trong cải cách hành chính và chuyển đổi số. Hưng Yên ngày mới đang hướng tới phát triển thịnh vượng.

Hợp lực để bứt phá

Việc hợp nhất không chỉ giúp tiết kiệm chi phí quản lý, tăng hiệu quả điều hành mà còn mở ra không gian phát triển lớn hơn, đa dạng hơn. Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa từng nhấn mạnh: Việc hợp nhất không phải là phép cộng đơn thuần, mà là sự chuyển hóa về chất - nơi hội tụ những gì tốt đẹp nhất của hai địa phương để cùng kiến tạo một Hưng Yên mới: phát triển, hiện đại, nhân văn và có bản sắc. Hưng Yên mới sẽ tập trung phát triển theo ba trụ cột: công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp xanh thông minh và đô thị hóa bền vững.

Trên nền tảng quy hoạch tích hợp vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh đặt mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2035, với hạt nhân là cụm đô thị liên kết Hưng Yên-Thái Bình-Hải Dương.

Các cụm, khu công nghiệp của Yên Mỹ, Văn Lâm, Mỹ Hào (cũ) khi kết nối với hệ thống cảng biển và logistics của Thái Thụy, Tiền Hải (cũ) sẽ hình thành chuỗi cung ứng hoàn chỉnh, đẩy nhanh tiến độ công nghiệp hóa và hiện đại hóa.

Theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, mục tiêu đến năm 2030 quy hoạch toàn tỉnh Hưng Yên (cũ) sẽ có 30 khu công nghiệp (gồm 17 khu công nghiệp đã có trong quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, 13 khu công nghiệp tiềm năng quy hoạch mới) với tổng diện tích khoảng 9.589 ha.

Trong số 13 khu công nghiệp tiềm năng quy hoạch mới, tỉnh Hưng Yên dự kiến sẽ dành 4.788 ha đất để thực hiện các khu công nghiệp này; trong đó, có nhiều khu công nghiệp được quy hoạch với diện tích lớn như: Khu công nghiệp Phù Cừ (cũ) với diện tích 544 ha; khu công nghiệp Tiên Lữ-Kim Động- Ân Thi (cũ) có diện tích trên 460 ha; khu công nghiệp Ân Thi I có quy mô 450 ha... Các khu, cụm công nghiệp này khi đi vào hoạt động sẽ mở toang cơ hội cho các huyện thuần nông kể trên; tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân.

Còn lợi thế của tỉnh Thái Bình (cũ) có gần 54 km đường biển, 5 cửa sông, trên 16 nghìn ha bãi triều. Qua thông tin trên cho thấy, Hưng Yên mới có dư địa rất lớn không chỉ là công nghiệp mà còn cơ hội phát triển công nghiệp ven biển, kinh tế biển và đô thị ven biển hiện đại. Để đánh thức tiềm năng kinh tế biển, tỉnh Thái Bình (cũ) đã đầu tư hạ tầng giao thông đồng bộ để đón “đại bàng”.

Đơn cử, như các tuyến đường bộ ven biển, đường kết nối Khu công nghiệp Liên Hà Thái - cầu sông Hóa; đường từ thành phố Thái Bình đi Cồn Vành; cao tốc CT.08 đoạn qua Thái Bình, Nam Định (cũ)… đã và đang hình thành tạo ra sự kết nối với các tỉnh đồng bằng sông Hồng, với Hải Phòng, Quảng Ninh; các sân bay quốc tế và cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh).

Cùng đó, lợi thế để Hưng Yên mới cất cánh còn thể hiện rõ hơn nữa khi mới đây Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo các cơ quan và địa phương liên quan nghiên cứu và sớm triển khai xây dựng tuyến đường 10 làn xe kết nối từ thành phố Hưng Yên đến thành phố Thái Bình (cũ), nhằm tạo sự kết nối thuận tiện với các tuyến cao tốc trong khu vực. Tuyến đường này được kỳ vọng sẽ giúp tăng cường giao thương, phát triển kinh tế-xã hội của Hưng Yên mới.

Hiện thực hóa giấc mơ lớn

Không chỉ quan tâm quy hoạch và đầu tư hạ tầng, tỉnh Hưng Yên (mới) còn coi trọng ban hành các chính sách ưu đãi trong thu hút đầu tư. Nhiều thủ tục trước đây kéo dài 5 ngày nhưng nay chỉ còn 3 ngày, thậm chí doanh nghiệp có thể nhận kết quả trong ngày.

Cùng với đó, tỉnh có chính sách ưu đãi hạ tầng kỹ thuật tới chân tường rào; giải phóng mặt bằng; đào tạo lao động; hỗ trợ thủ tục hành chính qua kênh chuyên biệt. Nhờ có những cải thiện môi trường đầu tư mà chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2024 của tỉnh Hưng Yên xếp thứ hạng 10 trên 63 tỉnh, thành cả nước trước đây.

Cùng với công nghiệp, ông Nguyễn Đức Kiền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Hưng Yên cho biết, hiện nay không gian của địa phương đã được mở rộng, Sở sẽ nghiên cứu, định hướng nuôi trồng và phát triển thủy sản, kết hợp với chế biến sâu, hậu cần nghề cá, nhằm đưa Hưng Yên thành vùng trọng điểm phát triển nông nghiệp biển của đồng bằng sông Hồng.

Tháng Bảy rực rỡ, Hưng Yên bước sang trang sử mới. Mặc dù có những tiền đề và dư địa phát triển nhưng tỉnh Hưng Yên cũng nhận diện những khó khăn trước mắt. Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên thừa nhận, khó khăn là điều tất yếu, nhưng nếu toàn hệ thống chính trị và người dân đồng lòng, tỉnh Hưng Yên mới nhất định sẽ trở thành điểm sáng vùng đồng bằng sông Hồng.

“Chúng ta không có khát vọng cháy bỏng, không có giấc mơ lớn thì sẽ không bao giờ phát triển triển thịnh vượng được,” ông Nghĩa bày tỏ trăn trở và cho rằng, việc hợp nhất không phải là phép cộng cơ học, mà là cơ hội tái cấu trúc toàn diện, lựa chọn những gì tinh túy nhất của mỗi địa phương để xây dựng nên một Hưng Yên mạnh hơn, đẹp hơn và hiệu quả hơn.

Trong không khí vui tươi hiện rõ trên gương mặt của ông Trần Văn Hiếu, thôn Ngải Dương, xã Như Quỳnh (Hưng Yên) bày tỏ: "Tôi tin hợp nhất sẽ giúp chúng ta mạnh hơn. Chúng tôi cũng cảm nhận sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh trong việc phát triển kinh tế xã hội; giảm thiểu sự tác động của cán bộ, sẽ giúp họ có thêm động lực để làm việc, cống hiến cho quê hương."

Tại xã miền biển, anh Vũ Tuấn Minh, xã Tây Thái Ninh (Hưng Yên) vui mừng chia sẻ: "Chúng tôi mong tỉnh quan tâm đầu tư hạ tầng nông thôn mới để dân có cơ hội giao thương thuận lợi, đi lại đỡ vất vả."

Sự kỳ vọng không chỉ đến từ người lớn tuổi. Em Trần Đại Nghĩa, sinh viên Trường Đại học Tài chính-Quản trị kinh doanh (xã Như Quỳnh) chia sẻ: “Chúng em mong tỉnh Hưng Yên mới tạo ra nhiều cơ hội việc làm hơn để sinh viên như em sau khi ra trường, có thể ở lại cống hiến thay vì phải lên Hà Nội hay các tỉnh thành khác làm việc.”

Việc xây dựng Hưng Yên ngày mới với khát vọng phát triển thịnh vượng, không chỉ trong phòng họp hay bản quy hoạch mà lan tỏa, tạo niềm tin sâu sắc tới người dân sẽ là tiền đề quan trọng để tỉnh chuyển mình mạnh mẽ.

Trong lần thăm và làm việc mới đây tại tỉnh Hưng Yên, Tổng Bí thư Tô Lâm bày tỏ tin tưởng tỉnh sẽ thực hiện thắng lợi và hoàn thành các mục tiêu đề ra. Đến năm 2050, Hưng Yên sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; thành phố thông minh, giàu đẹp, văn minh, văn hiến, giàu bản sắc văn hóa, phát huy đầy đủ những giá trị cốt lõi của văn hóa Phố Hiến xưa; là nơi đáng sống của vùng đồng bằng sông Hồng, trung tâm kết nối giữa các địa phương trong vùng và cả nước./.

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/

Tin liên quan