Hằng năm, các hoạt động hưởng ứng Ngày Nước thế giới (22/3) được tổ chức trên toàn thế giới nhằm lan toả hành động tích cực để bảo vệ nguồn nước, bảo vệ không khí, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Trên địa bàn tỉnh, nhiều hoạt động thiết thực cũng được tổ chức thực hiện để bảo vệ nguồn nước, khai thác tài nguyên nước an toàn, hiệu quả và bền vững.
Hệ thống quan trắc nước ngầm đặt tại xã Trung Nghĩa (thành phố Hưng Yên)
Ngày Nước thế giới năm nay được Liên Hợp quốc phát động ̣với chủ đề “Leveraging water for peace” - “Nước cho hòa bình”, tập trung vào vai trò quan trọng của tài nguyên nước đối với sự ổn định và thịnh vượng của thế giới. Khi nguồn nước bị khan hiếm hoặc ô nhiễm, khi mọi người không có khả năng tiếp cận nước an toàn hoặc không được tiếp cận nước một cách bình đẳng, căng thẳng có thể gia tăng giữa những cộng đồng và các quốc gia. Theo báo cáo của Ủy ban về nước của Liên Hợp quốc (UN-Water), hiện nay có hơn 3 tỷ người trên toàn thế giới phụ thuộc vào nguồn nước xuyên biên giới. Trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu và dân số toàn cầu tăng lên như hiện nay, chúng ta phải đoàn kết để bảo vệ và bảo tồn nguồn tài nguyên quý giá này. Bằng cách cùng nhau hành động để cân bằng quyền con người và nhu cầu của mọi người về nước, nước có thể là động lực ổn định và là chất xúc tác cho sự phát triển bền vững.
Trên địa bàn tỉnh, 100% nhà máy cấp nước đang sử dụng nước mặt làm nguồn nước đầu vào để xử lý thành nước sinh hoạt đều đang sử dụng nước thô từ sông Hồng, sông Luộc. Bên cạnh đó, nguồn nước ngầm cũng được sử dụng nhiều cho sản xuất và dân sinh như: Khai thác phục vụ sản xuất nước đóng chai, phục vụ sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp… Do những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường nên những năm gần đây, tài nguyên nước ngầm, nước mặt ở một số khu vực trong tỉnh đang bị ô nhiễm, giảm trữ lượng. Sông Hồng chảy qua địa phận tỉnh là nguồn cấp nước chính cho hệ thống nước mặt, có xu hướng ngày càng hạ thấp, trong khi lượng chất thải xả vào sông có chiều hướng gia tăng. Theo số liệu quan trắc của Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường, 5 năm trở lại đây, nhiều thời điểm mực nước sông Hồng xuống thấp, nước thải gia tăng, một số chỉ tiêu như SS (chất rắn lơ lửng), COD, NH4+, NO2-, Coliform vượt quy chuẩn cho phép.
Ra quân làm sạch sông ngòi, giữ vệ sinh nguồn nước mặt trên địa bàn thành phố Hưng Yên
Để bảo vệ tài nguyên nước, đối với các doanh nghiệp được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác tài nguyên nước sẽ chịu sự giám sát của ngành chức năng khi hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo 2 hình thức: Giám sát định kỳ và giám sát tự động trực tuyến tùy theo lưu lượng được cấp phép. Theo đánh giá của ngành chuyên môn, hiện nay, việc khai thác, sử dụng nước dưới đất của các tổ chức, cá nhân không gây cạn kiệt nguồn nước, vẫn duy trì khả năng phục hồi của nguồn nước. Tuy nhiên, theo dự báo của ngành tài nguyên và môi trường, đến năm 2025, trữ lượng khai thác nước ngầm tại một số khu vực trong tỉnh sẽ tiệm cận với tổng trữ lượng có thể khai thác.
Nhằm bảo vệ tài nguyên nước, tỉnh đã tích cực xây dựng mạng lưới quan trắc tài nguyên – môi trường với 26 công trình quan trắc tài nguyên nước bao gồm cả công trình quan trắc nước ngầm và nước mặt. Sở Tài nguyên và Môi trường duy trì quan trắc nước ngầm, nước mặt 1 lần/năm tại các điểm quan trắc tài nguyên nước, đồng thời định kỳ lấy mẫu quan trắc chất lượng nước mặt, nước dưới đất trong toàn tỉnh để xây dựng cơ sở dữ liệu và báo cáo các thông số về môi trường nước. Các sở, ngành và địa phương trong tỉnh thường xuyên tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp trong việc bảo vệ tài nguyên nước và giữ vệ sinh các nguồn nước mặt, nước ngầm.
Ngày 8/3/2024, Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành Công văn số 466/STNMT-TNN về việc hướng dẫn tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới, Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2024. Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng, người dân, doanh nghiệp về Luật Tài nguyên nước, quy hoạch tài nguyên nước quốc gia và các quy hoạch tổng hợp lưu vực sông. Thực hiện các biện pháp tích trữ nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên nước, phù hợp chức năng, nhiệm vụ được giao. Truyền thông về thực hiện lối sống xanh, lành mạnh, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, cộng đồng trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm. Huy động nguồn lực đầu tư, xây dựng và bàn giao các công trình, dự án thuộc lĩnh vực môi trường, tài nguyên nước, khí tượng thủy văn; phòng, chống thiên tai, bảo tồn đa dạng sinh học, thúc đẩy và thu hút các dự án xanh, dự án năng lượng tái tạo. Phục hồi các dòng sông bị ô nhiễm, phục hồi hệ sinh thái tại các lưu vực sông…
Đồng chí Nguyễn Đức Kiền, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Thời gian tới, sở tăng cường phối hợp với đơn vị chức năng và các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến thực hiện các quy định của pháp luật về tài nguyên nước, tích cực hướng dẫn lắp đặt, quản lý, vận hành thiết bị giám sát khai thác sử dụng tài nguyên nước trong toàn tỉnh. Các tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng tài nguyên nước với lượng nước lớn đều phải lắp đặt thiết bị quan trắc, giám sát tự động lưu lượng, mực nước và kết nối trực tuyến với hệ thống của ngành chuyên môn.
Nguồn: https://baohungyen.vn