KỶ NIỆM 135 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19/5/1890 - 19/5/2025)
Văn hóa - Xã hội
Đăng ngày: 31/05/2023 - Lượt xem: 396
Hưởng ứng ngày thế giới không thuốc lá 31/5: Bỏ thuốc lá để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng

Theo kết quả nghiên cứu của ngành Y tế về thực trạng sử dụng thuốc lá đối với 2.400 người từ 15 tuổi trở lên tại tỉnh Hưng Yên năm 2018 cho thấy, tỉ lệ hút thuốc lá chủ yếu ở nam giới; tỉ lệ hút thuốc lá ở thành thị và nông thôn tương đương nhau; tỉ lệ hút thuốc lá cao nhất ở nhóm tuổi từ 26-40 tuổi (28,5%) trong tổng số 2400 người được nghiên cứu. Trong số 2400 người được nghiên cứu, vẫn có từ 21 đến 29% còn hút trong cơ sở y tế, trường học, phương tiện giao thông công cộng, 48% hút ở nơi làm việc, từ 80 đến 90% còn hút ở quán ăn, nhà hàng, quán cà phê.

Diễu hành tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá
Bệnh viện Phổi Hưng Yên thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân mắc các bệnh về hô hấp. Nhẹ thì viêm đường hô hấp thông thường, nặng hơn thì hen phế quản, phổi tắc nghẽn mạn tính, thậm chí mắc ung thư phổi. Bác sĩ Đặng Tiến Quân, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Hưng Yên cho biết, nhiều bệnh nhân nhập viện với các bệnh hô hấp mạn tính trên nền hút thuốc lá, thuốc lào; trong đó có nhiều bệnh nhân được chẩn đoán ung thư phổi. Ông Nguyễn Văn M. (Phù Cừ) sau khi có biểu hiện ho kéo dài, đau tức ngực, khàn tiếng, ho ra máu, thở khò khè, giảm cân không rõ nguyên nhân… được người nhà đưa đến cơ sở y tế khám. Sau khi khám lâm sàng, khai thác thói quen sinh hoạt, làm các xét nghiệm, ông M. được chẩn đoán mắc ung thư phổi. Được biết, ông Nguyễn Văn M. đã hút thuốc lá mấy chục năm nay.  
Theo các tài liệu nghiên cứu, trong thuốc lá có khoảng 7000 nghìn hóa chất, trong đó có 70 hóa chất gây ung thư. Điển hình là những chất như Hydrocarbon thơm đa vòng (PAH), chất 3-4 benzopyzen là chất gây ung thư rất rõ trong thực nghiệm. Các thống kê cho thấy, 90% số nam giới bị ung thư liên quan tới thuốc lá. Với ung thư phổi ở nữ giới, chiếm 50-80% liên quan tới thuốc lá hút thụ động hoặc chủ động. Đối với trẻ em, hút thuốc thụ động gây viêm đường hô hấp, viêm tai giữa, làm nặng thêm các triệu chứng hen. Hút thuốc thụ động tại các nơi làm việc, tại nhà, trong môi trường khép kín… cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Hút thuốc lá còn là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Ngoài ra, khói thuốc lá cũng là nguyên nhân làm trầm trọng thêm bệnh hen phế quản... Theo bác sĩ Đặng Tiến Quân, việc ngừng hút thuốc sẽ làm giảm nguy cơ mắc ung thư phổi, bỏ thuốc là phương pháp hiệu quả nhất để làm chậm tiến triển của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, cải thiện các triệu chứng hen phế quản. 
Thực hiện quy định của  Bộ Y tế ban hành về cấm hút thuốc lá trong khuôn viên của cơ quan, đơn vị thuộc ngành y tế, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tuyên truyền, vận động cán bộ, viên chức và người bệnh về tác hại của thuốc lá và tự nguyện bỏ thuốc lá; lắp đặt các biển báo cấm hút thuốc lá tại các khu vực làm việc, khu vực khám bệnh, nhà điều trị, nhà ăn, hành lang, cầu thang và các khu vực công cộng khác trong bệnh viện; cấm việc mua bán, quảng cáo các sản phẩm thuốc lá trong khuôn viên bệnh viện; ban hành quy định và các chế tài đối với người vi phạm hút thuốc lá trong cơ quan, trong phòng làm việc, trong buồng bệnh. Tại tỉnh, nhiều khu dân cư đã xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; nhiều gia đình chủ động không bày thuốc lá mời khách trong đám hiếu, đám hỉ. Nhiều cơ quan, đơn vị hưởng ứng phong trào xây dựng môi trường làm việc, môi trường công sở không khói thuốc lá, xây dựng quy chế văn hóa công sở, trong đó quy định không hút thuốc lá ở nơi làm việc... 
Mặc dù vậy, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá còn  nhiều khó khăn. Hiện nay, trên thị trường xuất hiện các sản phẩm như thuốc lá điện tử, thuốc lá không đốt nóng và được mua bán, quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội, chủ yếu nhằm vào giới trẻ. Các chuyên gia cảnh báo, đây cũng là những sản phẩm gây nghiện và có hại cho sức khỏe, nếu không kịp thời ngăn chặn thì trong tương lai gần, những tổn thất về sức khỏe và kinh tế do việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới gây ra cũng nghiêm trọng không kém các sản phẩm thuốc lá điếu thông thường, đặc biệt là các hậu quả về sức khỏe đối với thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, thực trạng thuốc lá được bán tràn lan ở nhiều nơi, giá thuốc lá rẻ, thuế thuốc lá thấp cũng là nguyên nhân làm tăng khả năng tiếp cận các sản phẩm thuốc lá. Thực tế, trong khuôn viên bệnh viện còn hiện tượng bệnh nhân và người nhà bệnh nhân hút thuốc lá. Tại các cơ quan, trường học vẫn dễ dàng bắt gặp cán bộ, nhân viên hút thuốc lá. Tại các khu vực công cộng, việc hút thuốc lá không hề được kiểm soát. Đặc biệt, tình trạng hút thuốc lá điện tử trong học sinh có chiều hướng gia tăng. Trong nhiều gia đình, phụ nữ, trẻ em đang phải hút thuốc thụ động.  
Thuốc lá là sản phẩm gây nghiện. Vì vậy, phòng, chống tác hại của thuốc lá là một chương trình lâu dài và cần có những chính sách mạnh mẽ về tăng thuế, xây dựng môi trường không khói thuốc, truyền thông nâng cao nhận thức và ý thức tuân thủ các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá với nỗ lực thường xuyên và bền bỉ mới có thể giảm được tỉ lệ sử dụng thuốc lá. Cần đưa quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ của các cơ quan, đơn vị; chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ quy định cấm hút thuốc tại các nơi làm việc, trên các phương tiện giao thông công cộng và các địa điểm cấm hút thuốc khác theo quy định. Hãy cùng thực hiện thông điệp “Bỏ thuốc lá ngay hôm nay, cùng chung tay, cùng xây dựng môi trường sống và làm việc không khói thuốc” để bảo vệ sức khoẻ cho chính bản thân mình, cho gia đình và cho cộng đồng. 
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan