Nhằm nâng cao năng lực, phát huy tối đa khả năng dẫn nước của hệ thống kênh mương, cửa cống, hố hút của các trạm bơm, phục vụ việc đổ ải và nước tưới cho cây trồng vụ xuân năm 2024 và các năm tiếp theo đạt hiệu quả, ngành nông nghiệp và PTNT tỉnh và các đơn vị, địa phương đang tích cực triển khai các giải pháp thực hiện nạo vét thủy lợi đông xuân 2023 – 2024.
Các đơn vị, địa phương của huyện Ân Thi triển khai nạo vét sông trục
Theo Quyết định số 2413/QĐ-UBND ngày 15/11/2023 của UBND tỉnh về việc giao kế hoạch, hỗ trợ kinh phí nạo vét đông xuân và đắp đê Bắc Hưng Hải năm 2023-2024; tổng khối lượng nạo vét toàn tỉnh cần thực hiện hơn 711,7 nghìn m3. Trong đó: Khối lượng nạo vét tiểu thủy lợi nội đồng (kênh mương mặt ruộng) thực hiện từ việc huy động Nhân dân tự làm gần 415,6 nghìn m3; khối lượng nạo vét kênh mương, cửa cống, hố hút thực hiện từ nguồn kinh phí thủy lợi phí của Công ty TNHH một thành viên (MTV) khai thác công trình thủy lợi tỉnh Hưng Yên gần 45,7 nghìn m3; khối lượng nạo vét kênh mương và đắp đê Bắc Hưng Hải thực hiện từ nguồn kinh phí ngân sách tỉnh, ngân sách huyện, thị xã, thành phố hỗ trợ (tỉnh hỗ trợ 50%; huyện, thị xã, thành phố hỗ trợ 50%) để bảo đảm việc dẫn nước tưới, tiêu phục vụ sản xuất hơn 250,5 nghìn m3; tổng kinh phí hỗ trợ hơn 6,3 tỷ đồng, trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ hơn 3,15 tỷ đồng; ngân sách huyện, thị xã, thành phố hỗ trợ hơn 3,15 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ ngày 15/11/2023 đến ngày 5/1/2024. UBND các huyện, thị xã, thành phố làm chủ đầu tư các hạng mục công trình nạo vét kênh mương, công trình đắp đê Bắc Hưng Hải đề nghị thực hiện từ nguồn kinh phí ngân sách tỉnh, ngân sách huyện hỗ trợ. UBND các xã, phường, thị trấn làm chủ đầu tư và tổ chức thực hiện các hạng mục công trình thủy lợi nội đồng huy động nguồn lực của Nhân dân để triển khai thực hiện. Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi tỉnh làm chủ đầu tư các hạng mục công trình từ nguồn thủy lợi phí.
Thực hiện kế hoạch nạo vét thủy lợi đông xuân 2023-2024, huyện Ân Thi xây dựng kế hoạch nạo vét công trình thủy lợi với tổng khối lượng hơn 146,6 nghìn m3, trong đó có 1,7 nghìn m3 đắp đê Bắc Hưng Hải. Để triển khai đạt hiệu quả, UBND huyện thành lập ban chỉ đạo, ban quản lý công trình nạo vét thủy lợi đông xuân 2023 – 2024 để thực hiện việc chỉ đạo, quản lý, giám sát theo quy định. Huyện giao UBND các xã, thị trấn thực hiện giải phóng mặt bằng các công trình trên địa bàn được giao theo kế hoạch nạo vét, bảo đảm mặt bằng thi công đúng kế hoạch, nhanh gọn, hiệu quả. Đối với các công trình tiểu thủy lợi nội đồng, các xã, thị trấn huy động nhân lực ở cơ sở để thực hiện bảo đảm theo yêu cầu.
Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh được giao nạo vét gần 45,7 nghìn m3 bùn, đất công trình thủy lợi, trong đó nạo vét kênh tiêu, dẫn 23,7 nghìn m3, hơn 13 nghìn m3 kênh tưới, hơn 8,9 nghìn m3 bùn, đất cửa cống, hố hút, bờ vùng. Hiện nay, công ty chỉ đạo các xí nghiệp ở các địa phương xây dựng kế hoạch, phương án tổ chức thi công các hạng mục công trình trọng điểm. Để bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình, công ty xây dựng kế hoạch, khảo sát, huy động phương tiện tiến hành nạo vét, phân công cán bộ chuyên môn thường xuyên kiểm tra, giám sát thi công.
Làm thuỷ lợi nội đồng ở huyện Tiên Lữ
Để bảo đảm kế hoạch nạo vét thủy lợi đông xuân 2023-2024, các đơn vị khai thác công trình thủy lợi tích cực tổ chức rút nước trên các sông trục để thuận lợi cho việc nạo vét. Cùng với việc chủ động thực hiện nạo vét tiểu thủy lợi nội đồng, UBND các huyện, thị xã, thành phố cần chủ động bố trí phần kinh phí hỗ trợ 50% từ nguồn ngân sách của địa phương; hướng dẫn, kiểm tra thanh quyết toán và quản lý việc sử dụng ngân sách theo quy định. Các chủ đầu tư căn cứ vào kế hoạch được giao để lựa chọn, ưu tiên thi công các công trình khó khăn về nguồn nước; tổ chức khảo sát các hạng mục công trình được giao làm chủ đầu tư, lập hồ sơ thiết kế, dự toán; thẩm định và phê duyệt thiết kế, dự toán; thi công và nghiệm thu công trình theo quy định.
Nguồn: https://baohungyen.vn