Ngày 3/4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 298-KH/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên địa bàn tỉnh. Nội dung như sau:
Thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (Chỉ thị số 27-CT/TW), Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW như sau:
I- MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1- Mục đích
- Quán triệt, triển khai sâu sắc nội dung Chỉ thị số 27-CT/TW từ tỉnh đến cơ sở; đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên, Nhân dân và doanh nghiệp trong tỉnh về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
- Tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng, sự chỉ đạo, điều hành của chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội các cấp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
- Cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp của Chỉ thị số 27-CT/TW phù hợp với thực tiễn của tỉnh, xác định các nội dung trọng tâm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhằm thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 27-CT/TW trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.
2- Yêu cầu
Việc triển khai Chỉ thị số 27-CT/TW phải được tổ chức thực hiện đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở; căn cứ đặc điểm tình hình, nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, cơ quan, đơn vị để xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện cụ thể, trong đó xác định rõ nhiệm vụ và giải pháp thực hiện; chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân; đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện.
II- NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP
1- Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và xã hội, trước hết là của các cấp ủy, tổ chức đảng, từng cơ quan, đơn vị, địa phương; là văn hoá ứng xử của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mỗi người dân, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý, góp phần nâng cao hiệu quả việc huy động, phân bổ, sử dụng các nguồn lực kinh tế - xã hội cho phát triển đất nước, nâng cao cuộc sống Nhân dân.
Tăng cường lồng ghép nội dung giáo dục thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong hệ thống giáo dục quốc dân. Đa dạng hoá, đổi mới hình thức và huy động sự tham gia của các cơ quan thông tấn, báo chí trong công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao hiệu quả thực hiện.
Các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể, nêu cao trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gắn với thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý phải gương mẫu, vận động gia đình, Nhân dân tích cực tham gia thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Các cơ quan Báo Hưng Yên, Đài Phát thanh – Truyền hình Hưng Yên, Cổng Thông tin Điện tử Đảng bộ tỉnh, website của các cơ quan, đơn vị thuộc khối Đảng, đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, chính quyền các cấp mở các chuyên trang, chuyên mục và tăng cường đưa tin, bài, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
2- Tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo hướng lấy tiết kiệm là mục tiêu, chống lãng phí là nhiệm vụ, bảo đảm thống nhất, đồng bộ, khả thi; tập trung xác định rõ trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu; quy định cụ thể hành vi vi phạm, hình thức xử lý; chú trọng các lĩnh vực dễ xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực như: Đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, tín dụng, quản lý tài sản công, đầu tư công, sử dụng vốn, tài chính, ngân hàng,... Đồng thời, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức và sắp xếp sử dụng xe ô tô công, đơn giá, chế độ chi tiêu công, làm căn cứ để giảm hao phí trong sử dụng vốn, tài sản, tài nguyên, lao động, nâng cao hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
3- Xây dựng và tổ chức triển khai có hiệu quả chiến lược và chương trình về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 5 năm, hằng năm bảo đảm toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng các lĩnh vực then chốt như: Đất đai, tài nguyên, khoáng sản, ngân sách nhà nước, tài sản công,... Các cơ quan, đơn vị, địa phương rà soát, sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà đất, trụ sở làm việc, tài sản công và thực hiện nghiêm quy định về mua sắm tài sản công, xây dựng và sử dụng trụ sở, tổ chức hội nghị, lễ kỷ niệm, tiếp khách, đi công tác, đi nước ngoài bảo đảm thiết thực, hiệu quả, không lãng phí, phô trương, kiên quyết cắt giảm các khoản chi không cần thiết.
4- Tăng cường công tác quản lý nhà nước, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng các nguồn lực. Nâng cao chất lượng công tác dự báo; lập, thẩm định dự toán thu, chi ngân sách nhà nước; đổi mới việc phân bổ, đẩy mạnh quản lý ngân sách nhà nước theo kết quả đầu ra; đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng các dự án đầu tư công và khắc phục tình trạng vốn chờ, dự án chờ giải phóng mặt bằng. Rà soát kế hoạch đầu tư công trung hạn, hằng năm để loại bỏ các dự án chưa thực sự cần thiết; kém hiệu quả; tập trung đầu tư các dự án đầu tư có hiệu quả, cấp bách; có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, kéo dài, sớm đưa các công trình, dự án vào khai thác, sử dụng.
Tập trung rà soát, thanh tra, kiểm tra và có phương án giải quyết dứt điểm đối với các dự án chậm triển khai, không triển khai, vi phạm pháp luật; các dự án ngừng triển khai, các dự án đầu tư phải xử lý theo kết luận của các cơ quan chức năng, sớm đưa các tài sản này vào phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội; các dự án gây ô nhiễm môi trường, dự án có nguy cơ cháy, nổ gây mất an toàn... Khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững đối với đất đai, tài nguyên, khoáng sản, giảm thiểu thất thoát, lãng phí, tác động tiêu cực đến môi trường.
Triển khai quyết liệt các giải pháp chống thất thu ngân sách nhà nước; thu đúng, thu đủ, kịp thời các khoản thu ngân sách nhà nước. Tăng cường công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản công, nguồn lực,...; nêu cao trách nhiệm giải trình và xử lý nghiêm trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, người đứng đầu để xảy ra thất thoát, lãng phí. Đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; thực hiện nghiêm chủ trương, mục tiêu tinh giản biên chế giai đoạn 2021-2026 theo Kế hoạch 208-KH/TU ngày 07/7/2023, Kế hoạch 209-KH/TU ngày 07/7/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Kế hoạch 221-KH/TU ngày 28/8/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; tiếp tục hoàn thiện vị trí việc làm gắn với tinh giản biên chế của khu vực công, tiết kiệm ngân sách nhà nước chi cho bộ máy, con người. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, cải cách hành chính,...
Đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tập trung lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra lãng phí, tiêu cực, nơi có nhiều đơn, thư, khiếu nại, tố cáo, dư luận xã hội quan tâm. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm; thực hiện nghiêm kết luận, kiến nghị của các cơ quan chức năng, thu hồi tiền, tài sản cho Nhà nước.
Tiếp tục đánh giá, rà soát, cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoặc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước trong các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo lộ trình, đúng quy định.
Quản lý chặt chẽ, khai thác, sử dụng hiệu quả đất đai, nhất là đất công ích theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; xử lý, thu hồi đất sử dụng trái quy định của pháp luật, đất giao, cho thuê sử dụng nhưng không đưa vào khai thác, sử dụng theo quy định.
5- Theo chức năng, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị xây dựng, triển khai kế hoạch, chương trình thanh tra, kiểm tra, giám sát hằng năm việc chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng và Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Tăng cường dân chủ cơ sở, tạo điều kiện cho hoạt động thanh tra nhân dân và giám sát của cộng đồng dân cư ở cơ sở; kịp thời phát hiện, thông tin, phản ánh, ngăn chặn hành vi gây thất thoát, lãng phí, tiêu cực. Kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các điển hình, sáng kiến; có biện pháp thiết thực bảo vệ người đấu tranh, tố giác hành vi gây lãng phí, thất thoát.
Bổ sung, hoàn thiện quy định, quy chế, hương ước, quy ước của cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư gắn với các cuộc vận động và phong trào thi đua yêu nước; cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí trong các cơ quan, tổ chức; khuyến khích Nhân dân tăng cường thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, tổ chức lễ hội.
III- TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1- Đảng đoàn, ban cán sự đảng, các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể hóa, tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm, đồng bộ, có hiệu quả Chỉ thị 27-CT/TW và Kế hoạch này.
2- Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh, các hội quần chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên, Nhân dân tích cực tham gia, giám sát việc thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW, các chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
3- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy xây dựng kế hoạch phổ biến, tuyên truyền đồng thời, chỉ đạo, định hướng, phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền, phổ biến nội dung Chỉ thị số 27-CT/TW và Kế hoạch này tới toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
4- Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kế hoạch này; định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá; báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo quy định.
Nguồn: https://baohungyen.vn