Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân tỉnh Hưng Yên đã đoàn kết, năng động, sáng tạo, phát huy hiệu quả nhiều tiềm năng, lợi thế, khơi dậy mạnh mẽ các nguồn lực, triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều nhiệm vụ, giải pháp, đạt được những kết quả toàn diện trên các lĩnh vực.
Bài 1:
Linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành, duy trì đà tăng trưởng kinh tế ổn định
Nửa đầu nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh Hưng Yên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp trong bối cảnh, tình hình có nhiều khó khăn, thách thức mới xuất hiện và phức tạp, nặng nề hơn so với dự báo do ảnh hưởng của dịch Covid-19, bất ổn về kinh tế - chính trị ở nhiều nước trên thế giới. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng các chương trình của Tỉnh uỷ, đề án của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ cụ thể hóa, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh. Quyết liệt và tập trung cao khắc phục khó khăn, chuyển thành công trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, khẩn trương mở cửa trở lại nền kinh tế, củng cố các cân đối kinh tế lớn, tăng cường thu hút đầu tư, đẩy mạnh đầu tư công và đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội…
Tập trung nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng, trọng tâm là giao thông
Cuối tháng 1/2019, tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đi qua 2 tỉnh Hưng Yên và Hà Nam hoàn thành giai đoạn 1 và đưa vào khai thác. Tháng 11/2021, Dự án thành phần I (giai đoạn 2), đoạn đi qua địa bàn tỉnh thuộc Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình được khởi công xây dựng. Đây là một trong những công trình được chờ đợi từ nhiều năm qua nhằm tạo thêm động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Mặc dù, triển khai trong giai đoạn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, kinh tế thế giới bất ổn, nhưng với sự nỗ lực của các ngành, địa phương và đơn vị thị công, đến hết năm 2022, dự án đã hoàn thành thông xe kỹ thuật. Đây là công trình huyết mạch có tầm ảnh hưởng rất lớn đối với tỉnh, tạo ra sự thông thương giữa các vùng kinh tế, thúc đẩy nhanh chóng việc xây dựng, thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp của tỉnh. Ông Đoàn Văn Quân, người dân xã Chính Nghĩa (Kim Động) phấn khởi cho biết: Những công trình giao thông rộng mở như tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đã tạo ra nhiều đổi thay lớn đối với các địa phương có đường giao thông đi qua cũng như sự phát triển kinh tế toàn tỉnh. Gia đình tôi có cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, giao thông thuận lợi hơn giúp tôi mở rộng sản xuất, kết nối bạn hàng, doanh thu tăng lên 30 – 40%.
Thi công nâng cấp, mở rộng tuyến đường liên tỉnh Hà Nội – Hưng Yên kéo dài,
đoạn qua địa phận tỉnh Hưng Yên
Thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU, ngày 28/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX về Chương trình phát triển giao thông, vận tải tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, hạ tầng giao thông vận tải tiếp tục được quan tâm đầu tư với các công trình giao thông trọng điểm có quy mô và tổng mức đầu tư lớn. Hệ thống giao thông nông thôn được quan tâm ưu tiên đầu tư thông qua việc hỗ trợ các xã đầu tư kết cấu hạ tầng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Qua đó, hệ thống kết cấu giao thông trên địa bàn tỉnh được đầu tư tạo thành một mạng lưới giao thông bền vững, liên hoàn và phát triển như: Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với Cầu Giẽ - Ninh Bình, giai đoạn 2 và đường bên, đoạn qua địa phận tỉnh Hưng Yên; Dự án Nâng cấp, mở rộng tuyến đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên kéo dài, đoạn qua địa phận tỉnh Hưng Yên; Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường trục ngang kết nối QL.39 với ĐT.376... Cùng với đó, nhiều dự án quan trọng đã được phê duyệt chủ trương đầu tư để đưa Hưng Yên phát triển nhanh, kết nối thuận lợi với các tuyến cao tốc qua địa bàn tỉnh nhằm tạo động lực phát triển cho các vùng, nhất là khu vực còn khó khăn trên địa bàn các huyện Ân Thi, Tiên Lữ, Phù Cừ, Khoái Châu. Đồng thời thu hút phát triển các cụm công nghiệp công nghệ cao, khu nông nghiệp công nghệ cao, chuyển đổi cơ cấu lao động, sản xuất, tăng thu nhập cho Nhân dân và là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.
Ngày 25/6/2023, Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội đã được khởi công. Tổng chiều dài dự án khoảng gần 113km. Trong đó, đoạn tuyến trên địa bàn tỉnh Hưng Yên khoảng dài 19,3km, đi qua địa phận 4 huyện. Đồng chí Trần Minh Hải, Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết: Sở đã hoàn thành cắm mốc giải phóng mặt bằng đường vành đai 4 – vùng Thủ đô Hà Nội trên địa bàn tỉnh, hoàn thành trích lục bản đồ địa chính để tổ chức giải phóng mặt bằng. Tham mưu với UBND tỉnh giao UBND các huyện: Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ, Văn Lâm triển khai các công việc trong quy trình thực hiện bồi thường, hỗ trợ và ủy quyền phê duyệt khu tái định cư theo quy định; lập kế hoạch giải phóng mặt bằng chi tiết; lập các phương án bố trí quỹ đất tái định cư cho người dân, doanh nghiệp, khu vực tín ngưỡng, khu vực nghĩa trang… Sở tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương, đơn vị làm tốt hơn nữa công tác giải phóng mặt bằng, phấn đấu vận động, thuyết phục tạo đồng thuận trong Nhân dân; hoàn thành tái định cư để 100% hộ dân có nơi ở mới.
Tại các địa phương, hệ thống giao thông nông thôn được quan tâm đầu tư phát triển. Tỉ lệ cứng hóa đạt cao (các tuyến đường huyện, đô thị được trải nhựa hoặc bê tông đạt 99,3%; tỉ lệ các tuyến đường xã, liên xã được trải nhựa hoặc bê tông đạt 99,4%)…
Tăng cường thu hút đầu tư, phát triển mạnh công nghiệp
Thực hiện mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra, đó là xây dựng Hưng Yên thành tỉnh công nghiệp hiện đại, ngày 15/6/2021, BCH Đảng bộ tỉnh khóa XIX đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU về Chương trình phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết số 07). Theo đó, tỉnh xác định công nghiệp vẫn đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2023, là cơ sở phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.
Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã cụ thể hóa Nghị quyết số 07 bằng nhiều kế hoạch, đề án cụ thể. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế mạnh mẽ và sâu rộng, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quyết liệt chỉ đạo xây dựng môi trường đầu tư, phát triển doanh nghiệp thông thoáng, minh bạch nâng cao tính hấp dẫn cho môi trường đầu tư của tỉnh. Tiếp tục thực hiện ưu tiên thu hút các dự án công nghiệp công nghệ cao, tiên tiến, hiện đại, có khả năng tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất, phân phối toàn cầu. Tỉnh luôn ưu tiên dành nguồn lực tài chính cho đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các KCN. Hạ tầng giao thông, hệ thống cấp nước, cấp điện, các khu tái định cư... đồng loạt được triển khai xây dựng, với tổng vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Công tác giải phóng mặt bằng được thực hiện với sự quyết tâm và nỗ lực cao nhất, bảo đảm bàn giao mặt bằng cho các nhà đầu tư đúng hạn để triển khai dự án đúng tiến độ.
Trong giai đoạn từ năm 2021 đến tháng 6/2023, tỉnh được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư thêm 6 KCN và chấp thuận bổ sung 2 KCN vào Quy hoạch các KCN Việt Nam; đưa tổng số KCN của tỉnh lên 17 KCN với diện tích trên 4.395 héc-ta. Trong đó, 6 KCN đã đi vào hoạt động và sẵn sàng tiếp nhận đầu tư, 3 KCN đã khởi công…
Đồng chí Phạm Trường Tam, Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết: Thời gian tới, Ban Quản lý các KCN tỉnh tiếp tục tập trung hỗ trợ chủ đầu tư hạ tầng các KCN hoàn thiện hồ sơ quyết định chủ trương đầu tư và phối hợp với các cơ quan liên quan hỗ trợ, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục đầu tư xây dựng hạ tầng KCN làm căn cứ triển khai thực hiện. Chủ động hỗ trợ các chủ đầu tư tháo gỡ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao đất để đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, tạo mặt bằng đồng bộ, hiện đại tiếp nhận các dự án đầu tư. Cùng với đó, tiếp tục phối hợp với các chủ đầu tư hạ tầng KCN và các tổ chức tư vấn xúc tiến đầu tư, vận động thu hút đầu tư vào các KCN; thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư; tăng cường theo dõi, giám sát việc triển khai thực hiện dự án và hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, chủ động hỗ trợ các doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc…
Việc thu hút đầu tư phát triển cụm công nghiệp được quan tâm. Toàn tỉnh có 26 cụm công nghiệp (CCN) được thành lập với tổng diện tích trên 1.256 héc-ta, tổng vốn đầu tư đăng ký là 12.409 tỷ đồng. Đến nay đã khởi công xây dựng 3 CCN và đang tập trung giải phóng mặt bằng 8 CCN, các CCN khác đang triển khai thủ tục đầu tư hạ tầng…
Từ đầu nhiệm kỳ đến hết tháng 6 năm 2023, trên địa bàn tỉnh đã thu hút thêm 188 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt gần 85 nghìn tỷ đồng và trên 800 triệu USD; nâng tổng số dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh lên 2.157 dự án. Tính chung giai đoạn 2021-2023, chỉ số sản xuất công nghiệp đạt bình quân 108,8%/năm.
Cùng với phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, giai đoạn 2021-2023, giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản của tỉnh duy trì tăng trưởng tốt, bình quân 3 năm 2021 – 2023 tăng 2,7%/năm (kế hoạch giai đoạn 2021 – 2025 tăng 2-2,5%/năm). Đặc biệt, Chương trình xây dựng nông thôn mới được người dân trong tỉnh hưởng ứng tích cực và đạt nhiều kết quả. Đến nay, toàn tỉnh có 98 xã nông thôn mới nâng cao và 24 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu (mục tiêu Nghị quyết Đại hội, đến năm 2025 có 55-60 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 25-30 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, có ít nhất 1 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu).
Trong nửa đầu nhiệm kỳ, dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song với sự chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành, tỉnh ta đã nỗ lực vượt qua, duy trì đà tăng trưởng kinh tế ổn định, tạo tiền đề quan trọng để toàn tỉnh quyết tâm thực hiện các mục tiêu phát triển trong nửa cuối nhiệm kỳ.
Toàn cảnh khu công nghiệp Thăng Long II
Nguồn: https://baohungyen.vn