KỶ NIỆM 135 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19/5/1890 - 19/5/2025)
Văn hóa - Xã hội
Đăng ngày: 16/08/2023 - Lượt xem: 693
Khắc phục tình trạng trường, lớp quá tải ở một số địa phương

Những năm gần đây, nhiều trường, lớp học ở tỉnh đã được đầu tư xây mới, sửa chữa… nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu đến lớp của học sinh, nhất là ở các khu vực đông dân cư như thị xã Mỹ Hào, huyện Yên Mỹ, huyện Văn Lâm.
Giáo viên Trường Tiểu học Tân Lập (Yên Mỹ) vệ sinh trường, lớp học, chuẩn bị đón năm học mới
Hiện nay, thị xã Mỹ Hào có 47 trường học từ bậc mầm non đến THCS. Số học sinh trong độ tuổi đến trường của thị xã tăng dần qua các năm. Năm học 2023 – 2024 này, thị xã có trên 27.400 học sinh, tăng trên 700 học sinh so với năm học trước. Trong đó, ở bậc tiểu học, sĩ số trung bình của các trường trong toàn thị xã là trên 39 học sinh/lớp, cao hơn so với quy định tại Thông tư số 28/2020/TT-BGD&ĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành ngày 18/9/2020 về Điều lệ Trường tiểu học, quy định mỗi lớp học không quá 35 học sinh. Khu vực tăng học sinh nhiều nhất chủ yếu ở các khu trung tâm thị xã và khu phát triển công nghiệp thuộc phường Bần Yên Nhân, phường Nhân Hòa; xã Cẩm Xá, xã Dị Sử… bởi nơi đây tập trung nhiều công nhân lao động có con trong độ tuổi đến trường. Vì thế, các trường học ở đây luôn trong tình trạng quá tải.
Đồng chí Bùi Đức Sáng, Phó Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Mỹ Hào cho biết: Về cơ bản ngành GD&ĐT thị xã Mỹ Hào vẫn bảo đảm bố trí đủ phòng học cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 9 để đạt mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học và THCS. Những địa phương có số lượng học sinh đông, trường có phòng học ít, Phòng GD&ĐT thị xã đề nghị các trường nâng sĩ số học sinh/lớp và tổ chức dạy học 2 ca/ngày. Đặc biệt hệ thống trường mầm non công lập chưa thể tiếp nhận hết nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh, phụ huynh có thể gửi con vào các trường mầm non, nhà trẻ tư thục. Chúng tôi thường xuyên kiểm tra và cấp giấy phép hoạt động giáo dục cho những cơ sở mầm non tư thục đạt yêu cầu.
Cô giáo Ngô Thị Thanh Hương, Hiệu trưởng Trường THCS Bần Yên Nhân cho biết, năm học 2023 - 2024, nhà trường có 27 lớp, với 1.150 học sinh, tăng 187 học sinh và tăng 4 lớp so với năm học 2022 - 2023. Để đáp ứng đủ phòng học cho học sinh, nhà trường phải bố trí phòng chờ của giáo viên thành lớp học. Đặc biệt, khó khăn nhất hiện nay với nhà trường là thiếu giáo viên ở hầu hết các môn học.
Huyện Yên Mỹ cũng đang trong tình trạng thiếu cơ sở vật chất, phòng học, giáo viên khi dân số cơ học tăng nhanh. Hiện nay, toàn huyện có 53 trường học ở 3 cấp mầm non, tiểu học và THCS với trên 1.190 phòng học văn hóa. Do số lượng học sinh đông và tăng cao sau mỗi năm học nên dẫn đến tình trạng quá tải ở nhiều trường, đặc biệt là ở các trường khối mầm non và tiểu học. Huyện hiện nay còn 11 phòng học ở một số trường mầm non phải học nhờ ở nhà văn hóa thôn hoặc đình, chùa, như Trường Mầm non xã Việt Cường có 7 phòng học nhờ. Năm học 2023 – 2024, toàn huyện có tổng số trên 37.800 học sinh ở 3 cấp học mầm non, tiểu học và THCS. Trong đó: Bậc mầm non tăng trên 100 trẻ; bậc tiểu học giảm 15 lớp với 734 học sinh; bậc THCS tăng 35 lớp với 1.150 học sinh so với năm học trước. Tính trung bình toàn huyện, sĩ số học sinh mỗi lớp của bậc tiểu học là 36,3 em/lớp, nhiều trường sĩ số 37 – 40 em/lớp; bậc THCS là 42,73 em/lớp, một số trường 45 – 48 em/lớp.
Bên cạnh việc thiếu phòng học, số lượng giáo viên hiện tại của các trường cũng không đủ để đáp ứng nhu cầu dạy học. Hiện nay, huyện Yên Mỹ thiếu 113 giáo viên bậc mầm non; 206 giáo viên bậc tiểu học và 141 giáo viên bậc THCS. Việc tăng sĩ số mỗi lớp chắc chắn ảnh hưởng đến chất lượng dạy học, giáo viên cũng vất vả hơn, trang thiết bị, bàn ghế học tập cũng cần phải đầu tư thêm...
Đồng chí Đỗ Văn Hải, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Mỹ cho biết: Để khắc phục tình trạng thiếu phòng học, Phòng GD&ĐT huyện chỉ đạo các nhà trường sắp xếp lịch học của các lớp lệch nhau, bố trí học 2 ca; đối với bậc tiểu học, một số trường bố trí các lớp thực hiện học 6 - 8 buổi/tuần, thay vì học 10 buổi/tuần. Tuy nhiên, giải pháp lâu dài vẫn là cần tăng cường đầu tư nguồn lực để xây dựng thêm trường, lớp học, nhất là ở các khu vực đông dân cư.
Những năm gần đây, số lượng học sinh Trường Tiểu học Tân Lập (Yên Mỹ) tăng nhanh khiến việc bố trí phòng, lớp học rất khó khăn. Không những thế, mỗi tiết học chưa tới 40 phút, lớp học lại có 38 - 40 học sinh, ở độ tuổi chưa quen với kỷ luật thì công việc và trách nhiệm quản lý đi kèm với giảng dạy của giáo viên rất vất vả. Để khắc phục tình trạng thiếu phòng học, tới đây UBND xã Tân Lập sẽ đầu tư xây dựng thêm phòng học cho nhà trường - cô giáo Ngô Thị Lan Anh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.
Để chuẩn bị tốt các điều kiện cho năm học mới 2023-2024 và những năm học tiếp theo, các địa phương trong tỉnh cần sớm có những giải pháp tháo gỡ khó khăn về thiếu phòng học của các trường học như: chú trọng đầu tư cơ sở vật chất và nhân lực, từng bước mở rộng quy mô trường học, đáp ứng tốt nhu cầu học tập của học sinh; huy động nguồn lực xã hội để phát triển thêm mạng lưới các trường tư thục trên địa bàn, đặc biệt ở những địa phương đông dân cư, công nhân lao động để giảm tải cho hệ thống giáo dục công lập...
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan