Trong tổng số gần 10 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, khách đến bằng đường hàng không đạt 8,4 triệu lượt người, chiếm 84,2% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam và tăng 45,1% so với cùng kỳ năm trước. Khách nhập cảnh bằng đường bộ đạt 1,4 triệu lượt người, chiếm 14,1% và tăng 84,2%. Khách đến bằng đường biển đạt 165.500 lượt người, chiếm 1,7% và gấp 3 lần cùng kỳ năm 2023.
 Khách quốc tế thăm quan Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. (Ảnh minh họa: HT)
Về quy mô thị trường, Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất của Việt Nam với gần 2,6 triệu lượt (chiếm 26%). Trung Quốc xếp ở vị trí thứ 2, đạt 2,1 triệu lượt (chiếm 21,4%). Hai thị trường Hàn Quốc và Trung Quốc đóng góp gần 50% tổng số khách quốc tế đến Việt Nam.
Ở vị trí thứ 3 là Đài Loan (Trung Quốc) với 732 nghìn lượt, Mỹ ở vị trí thứ 4 (478 nghìn lượt), Nhật Bản ở vị trí thứ 5 (380 nghìn lượt). Trong tốp 10 thị trường lớn nhất của du lịch Việt Nam còn có Malaysia và Úc (281 nghìn lượt), Ấn Độ (272 nghìn lượt), Campuchia (260 nghìn lượt), Thái Lan (248 nghìn lượt).
Về động lực tăng trưởng, lượng khách quốc tế đến Việt Nam 7 tháng đầu năm 2024 tăng 51% so với cùng kỳ năm 2023. Hầu hết các thị trường đều ghi nhận tăng trưởng, trong đó châu Á tăng 57% với động lực chính từ các thị trường lớn ở khu vực Đông Bắc Á: Trung Quốc (+190%), Hàn Quốc (+37%), Nhật Bản (+34%),...
Các thị trường Đông Nam Á cũng đạt tăng trưởng tốt, như Indonesia (+107%), Philippines (+58%), Malaysia (+7%), Campuchia (+15%), Singapore (+6%). Chỉ có thị trường Thái Lan giảm 14,5%. Hai thị trường tiềm năng ở vị trí thứ 7 và 8 là Úc và Ấn Độ tiếp tục tăng trưởng tốt, đều đạt 27%. Các hoạt động kết nối thị trường, xúc tiến du lịch của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam tại Úc trong tháng 6 vừa qua sẽ tạo động lực cho sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn của thị trường này trong thời gian tới.
Các thị trường khu vực châu Âu tiếp tục tăng trưởng tốt trong 7 tháng đầu năm (+47%). Hầu hết các thị trường đều tăng trưởng khả quan, trong đó có các thị trường chính như: Anh (+25%), Pháp (+33%), Đức (+27%), Nga (+75%). Bên cạnh đó là Italia (+61%), Tây Ban Nha (+38%), Thụy Điển (+27%), Thụy Sỹ (+25%), Đan Mạch (+26%), Bỉ (+26%), Na Uy (+21%)...
Đáng chú ý dù đang là mùa thấp điểm của du lịch quốc tế, lượng khách từ các thị trường châu Âu trong tháng 7 vẫn gia tăng so với tháng trước. Đây là tín hiệu rất tích cực đến từ một khu vực trọng điểm của du lịch Việt Nam, cho thấy hiệu quả từ chính sách thị thực thông thoáng và những nỗ lực của cơ quan quản lý và các doanh nghiệp du lịch, các địa phương trong việc quảng bá, xúc tiến du lịch tại các thị trường chính như Pháp, Đức, Ý, Nga.
Nhờ đó, doanh thu du lịch lữ hành 7 tháng năm 2024 ước đạt 35,2 nghìn tỷ đồng, tăng 31,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Một số địa phương tăng mạnh như Thành phố Hồ Chí Minh tăng 42,2%; Đà Nẵng tăng 38,6%; Cần Thơ tăng 33,7%; Hà Nội tăng 29,7%; Quảng Ninh tăng 21%;...
Để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam, trong nửa cuối năm 2024, dự kiến Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai các chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam ở nước ngoài như Trung Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand, tổ chức chương trình Xúc tiến du lịch - điện ảnh Việt Nam tại Hoa Kỳ; tham gia một số hội chợ du lịch quốc tế.
Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, với việc mùa cao điểm du lịch quốc tế sẽ đến trong những tháng cuối năm, cùng với hàng loạt hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch ở nhiều thị trường trọng điểm, kỳ vọng ngành du lịch Việt Nam sẽ hoàn thành tốt mục tiêu đón 17 - 18 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2024.
Nguồn: https://dangcongsan.vn/