KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Kinh tế
Đăng ngày: 09/04/2024 - Lượt xem: 287
Khai thác, phát triển tài sản trí tuệ

Tài sản trí tuệ (TSTT) đang đóng vai trò ngày càng quan trọng và trong nhiều trường hợp trở thành yếu tố quyết định giá trị thị trường của doanh nghiệp. Do vậy, tạo lập, phát triển và bảo vệ TSTT sẽ khuyến khích, tạo động lực cho sự sáng tạo, thúc đẩy cải tiến kỹ thuật, nghiên cứu khoa học để tạo ra những sản phẩm mới, hữu ích cho xã hội.

Lực lượng quản lý thị trường tỉnh kiểm tra, xử lý vi phạm về kinh doanh mũ bảo hiểm giả mạo nhãn hiệu HONDA tại một cơ sở kinh doanh ở huyện Yên Mỹ
Các doanh nghiệp thành công đều chú trọng đến quản trị TSTT, vì đó là một trong những công cụ thiết yếu cải thiện nội lực, tăng khả năng cạnh tranh và vị thế của doanh nghiệp trong dài hạn. TSTT có khả năng mang lại cho doanh nghiệp vị thế độc quyền nhờ cơ chế bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Doanh nghiệp có thể thương mại hóa TSTT dưới hình thức sử dụng trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh hoặc chuyển giao quyền sử dụng cho các chủ thể khác. Trong các TSTT thì kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, tên thương mại có tác động rõ nét nhất. Khi nhắc đến một nhãn hiệu hay kiểu dáng công nghiệp thì người tiêu dùng có thể nghĩ ngay đến sản phẩm, đặc trưng, lợi ích, thậm chí cả nền văn hoá của doanh nghiệp sở hữu các đối tượng đó. Nhãn hiệu cũng chính là công cụ marketing đắc lực đối với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nhãn hiệu hỗ trợ cho chính sách mở rộng, giúp cho quá trình phân phối sản phẩm dễ dàng hơn. Một thực tế dễ nhận thấy, khách hàng khi mua hàng sẽ cảm thấy tin tưởng hơn khi mua những hàng hoá có tên gọi hay nhãn hiệu mà họ quen biết từ trước.
Công ty TNHH Hoàng Dương, tiền thân là Công ty cổ phần thương mại và dịch vụ Hoàng Dương (thị xã Mỹ Hào) được thành lập năm 1997 với lĩnh vực hoạt động chủ yếu là sản xuất hàng thời trang xuất khẩu. Với những lợi thế khi sản xuất các sản phẩm thời trang xuất khẩu, năm 2000, công ty quyết định tiếp cận thêm thị trường trong nước nhưng thời điểm đó rất ít người tiêu dùng biết đến sản phẩm của công ty. Năm 2001, công ty xây dựng và bảo hộ thành công thương hiệu CANIFA tạo bước đột phá để đưa thương hiệu CANIFA đến với người tiêu dùng. Năm 2002, công ty khánh thành nhà máy sản xuất tại Khu công nghiệp Phố nối A với tổng diện tích 15.000m2. Không chỉ xây dựng, phát triển và bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu của mình, công ty còn chủ động, tích cực quan tâm tới việc mua bản quyền từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước phục vụ cho sản xuất, kinh doanh như: Mua hình ảnh của Hello Kitty, Angry Bird… Đầu năm 2019, Tổ hợp xanh Văn Giang của CANIFA được đưa vào vận hành đã khẳng định sự phát triển mạnh mẽ của doanh nghiệp khi thương hiệu đã có chỗ đứng trên thị trường. Hiện nay, các sản phẩm mang thương hiệu CANIFA đã được người tiêu dùng biết đến với mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, thân thiện với môi trường.
Sản xuất sản phẩm mang thương hiệu CANIFA tại Công ty TNHH Hoàng Dương
(thị xã Mỹ Hào). Ảnh minh họa
Trong bối cảnh mô hình tăng trưởng của nền kinh tế đang chuyển dần từ chiều rộng sang chiều sâu, sự cạnh tranh chủ yếu là cạnh tranh về nội lực, đặc biệt là hàm lượng trí tuệ chứa đựng trong sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Do vậy, TSTT và quản trị TSTT đóng vai trò ngày càng quan trọng trong chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp khi xây dựng kế hoạch, chiến lược kinh doanh, đã sử dụng các TSTT như: Nhãn hiệu, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp… làm đòn bẩy để tìm kiếm nguồn lực đầu tư. Các thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, hàng hóa, công nghệ của doanh nghiệp đã được quan tâm thực hiện các thủ tục bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Đến hết năm 2023, toàn tỉnh có trên 7.400 đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp hơn 4.000 văn bằng bảo hộ.
Nhằm khuyến khích hoạt động đăng ký bảo hộ TSTT, ngày 16/3/2022, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 179/NQ-HĐND quy định mức hỗ trợ đăng ký bảo hộ TSTT đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Theo đó, tỉnh hỗ trợ đăng ký bảo hộ trong nước với mức: 30 triệu đồng/đơn đăng ký bảo hộ sáng chế và bảo hộ, công nhận giống cây trồng mới (trường hợp đã có văn bản chấp nhận đơn hợp lệ); 15 triệu đồng/văn bằng bảo hộ đối với đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu. Đối với đăng ký bảo hộ ở nước ngoài, đơn đăng ký bảo hộ đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu sẽ được hỗ trợ 60 triệu đồng/đơn được chấp nhận hợp lệ.
Cùng với tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ nhằm khai thác hiệu quả TSTT, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về sở hữu trí tuệ được các ngành chức năng của tỉnh tập trung thực hiện. Hằng năm, qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện và xử lý nhiều trường hợp vi phạm, trong đó chủ yếu là các hành vi vi phạm về kinh doanh sản phẩm, hàng hóa như: Bày bán sản phẩm, hàng hóa giả nhãn hiệu, không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng…
Đồng chí Nguyễn Xuân Hải, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: Để nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong quản lý, khai thác TSTT và sở hữu trí tuệ, hằng năm, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền, tập huấn về sở hữu trí tuệ cho hàng nghìn lượt người tham gia. Nhờ vậy, số lượng đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của các tổ chức, cá nhân trong tỉnh những năm vừa qua có sự tăng trưởng khá. Ngoài ra, các chủ sở hữu, chủ sử dụng thương hiệu, nhãn hiệu trên địa bàn tỉnh đã chủ động hơn trong việc bảo vệ TSTT của mình thông qua việc phát hiện, trình báo cơ quan chức năng các hành vi xâm phạm. Thời gian tới, sở tiếp tục phối hợp với các ngành, đơn vị chức năng thực hiện thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm về sở hữu trí tuệ.
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan