KỶ NIỆM 110 NĂM NGÀY SINH ĐỒNG CHÍ TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN VĂN LINH (01/7/1915 - 01/7/2025); KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY CÁCH MẠNG THÁNG TÁM THÀNH CÔNG (19/8/1945 - 19/8/2025) VÀ QUỐC KHÁNH NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM (2/9/1945 - 2/9/2025)
Văn hóa - Xã hội
Đăng ngày: 08/07/2025 - Lượt xem: 19
Khan hiếm lao động vụ cấy, giá thuê cao vẫn khó thuê được thợ

Vụ mùa năm nay, toàn tỉnh Hưng Yên có kế hoạch gieo cấy trên 97,5 nghìn ha lúa. Thời điểm này, nông dân các địa phương đang khẩn trương làm đất, chăm sóc mạ và xuống đồng gieo cấy lúa mùa để kịp thời vụ. Tuy nhiên, vấn đề khiến nhiều gia đình canh cánh lo lắng là tình trạng khan hiếm lao động cấy thuê, dù giá công tăng cao vẫn khó tìm được người làm.

Nhọc nhằn nghề cấy thuê

Giữa cái nắng oi ả ngày hè, trên những thửa ruộng phơi mình dưới trời nắng gắt, không khó để bắt gặp hình ảnh những người nông dân vẫn cặm cụi cấy lúa. Với họ, đây là khoảng thời gian “vàng” để tranh thủ kiếm thêm thu nhập từ công việc cấy thuê. Chị Nguyễn Thị Thư, xã Tiên Lữ chia sẻ: “Thời điểm này, chủ ruộng gọi nhiều, tôi làm không xuể. Ngày nào cũng ra đồng từ 2 – 3 giờ sáng, nghỉ trưa vài tiếng rồi lại làm đến tối muộn”. Theo chị, mỗi ngày một thợ cấy khoán có thể nhận từ 500.000 – 800.000 đồng, tùy vào diện tích và tốc độ làm việc. Nhiều chủ ruộng còn chu cấp bữa trưa và nước uống để giữ thợ.

Nông dân thôn An Lạc, xã Tiên Lữ nhổ mạ từ sáng sớm

Nông dân thôn An Lạc, xã Tiên Lữ nhổ mạ từ sáng sớm

Vụ lúa mùa thường có khung thời vụ ngắn, nên việc thuê thợ cấy ngày càng khó khăn. Trong khi đó, lực lượng lao động nông thôn làm nông nghiệp đang ngày một giảm sút, nhất là lao động trẻ. Những người đã quen việc, có tay nghề như chị Thắm luôn được “đặt lịch” trước nhiều ngày.

Tuy mang lại nguồn thu nhập khá hơn nhiều công việc mùa vụ khác, nhưng nghề cấy lúa mùa luôn gắn liền với nỗi vất vả: lội ruộng từ sáng sớm, tay chân ngâm nước nhiều giờ, da cháy nắng, người mỏi rã rời. Bà Nguyễn Thị Hậu, xã Hồng Quang, một người làm nghề cấy thuê lâu năm tâm sự: Làm nhiều thành quen, nhưng càng lớn tuổi càng thấy đuối. Mỗi thửa ruộng cấy xong là cả người ê ẩm, tay chân rộp nước… Người ngoài nhìn thì tưởng dễ, chứ vào làm mới thấy vất vả.

Lao đao vì thiếu thợ cấy

Dù mới chỉ đầu vụ, nhưng tình trạng thiếu lao động cấy đã khiến nhiều nông hộ lúng túng, buộc phải tự xoay xở trong điều kiện thời tiết nắng nóng gay gắt.

Trên cánh đồng xã Hiệp Cường, ông Nguyễn Văn Thành cùng vợ đang tự tay cấy từng bó mạ. Ông chia sẻ: Mọi năm tôi chỉ chuẩn bị ruộng, còn việc cấy, thuê người làm. Năm nay gọi khắp nơi không ai nhận, hai vợ chồng đành phải tự làm. Cũng muốn thuê thêm vài người cho nhanh nhưng không tìm được.

Nông dân xã Lương Bằng cấy lúa vụ mùa

Nông dân xã Lương Bằng cấy lúa vụ mùa

Theo ghi nhận, mức giá thuê thợ cấy hiện dao động từ 500.000 – 600.000 đồng/ngày hoặc 500.000 đồng/sào cấy khoán, tăng so với các năm trước. Tuy nhiên, việc tìm được người vẫn rất khó khăn. Nguyên nhân là do lực lượng thợ cấy chủ yếu là phụ nữ trung niên, tuổi ngày một cao, trong khi lớp lao động trẻ đã chuyển dịch sang làm công nhân trong các khu công nghiệp hoặc đi làm xa.

Tại xã Chí Minh, bà Trần Thị Minh cho biết: Nhà chỉ có hai vợ chồng trong khi cấy hàng mẫu ruộng nên trước đây tôi vẫn thuê người cấy. Năm nay tôi gọi thợ từ sớm, trả giá cao mà chẳng ai nhận.

Thiếu lao động khiến không ít hộ phải cấy rải rác, không đồng loạt, dẫn tới ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cây lúa. Đặc biệt nếu thời tiết diễn biến bất lợi hoặc xuất hiện sâu bệnh, nguy cơ giảm năng suất là rất lớn. Nhiều nông dân lo lắng nếu tình trạng này kéo dài, hiệu quả sản xuất vụ mùa năm nay sẽ bị ảnh hưởng.

Đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp là giải pháp giải quyết bài toán thiếu lao động

 

Đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp là giải pháp giải quyết bài toán thiếu lao động

Tình trạng thiếu hụt lao động cấy lúa đã không còn là hiện tượng cá biệt mà lặp lại nhiều năm gần đây, đặt ra yêu cầu cấp thiết về đổi mới sản xuất nông nghiệp. Việc ứng dụng công nghệ mạ khay, máy cấy; tích tụ ruộng đất để sản xuất quy mô lớn; hay tổ chức các tổ hợp tác nông nghiệp cung ứng lao động thời vụ là hướng đi cần thiết.

Nhiều nông dân mong muốn tỉnh tiếp tục mở rộng chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ mạ khay, máy cấy tới tất cả các địa phương, khuyến khích thành lập các tổ đội cung ứng lao động thuê khoán theo mô hình chuyên nghiệp. Điều này không chỉ giúp nông dân chủ động hơn trong sản xuất, mà còn góp phần nâng cao hiệu quả, giảm chi phí và tiến tới sản xuất nông nghiệp hiện đại, bền vững.

Nguồn: Baohungyen.vn
Tin liên quan