Năm 2023, được sự quan tâm của tỉnh, ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh và các địa phương đã có nhiều giải pháp khắc phục khó khăn, giành được nhiều kết quả trong thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp, đưa lĩnh vực nông nghiệp phát triển khá toàn diện.
Vải trứng Hưng Yên có nhiều tiềm năng mở rộng thị trường tiêu thụ
Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt, hiệu quả của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, đồng thời, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, triển khai áp dụng tổng hợp các biện pháp kỹ thuật và các giải pháp được đưa ra phù hợp với thực tiễn nên sản xuất nông nghiệp năm 2023 được mùa khá toàn diện. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp tiếp tục chuyển đổi tích cực theo hướng giảm tỉ trọng sản xuất cây lương thực, tăng tỉ trọng chăn nuôi, thủy sản, rau, quả, cây công nghiệp. Tổng diện tích gieo cấy lúa cả năm đạt hơn 50,3 nghìn héc-ta, năng suất bình quân cả năm đạt 63 tạ/héc-ta, cao hơn 0,01 tạ/hécta so với năm 2022. Đến hết năm 2023, diện tích cây ăn quả toàn tỉnh có 14.629 héc-ta, gồm các cây trồng cho giá trị kinh tế cao như nhãn, vải, chuối, cam, bưởi… Hoạt động chăn nuôi, thủy sản tuy gặp nhiều khó khăn nhưng nhìn chung phát triển ổn định. Đàn gia súc, gia cầm trong tỉnh phát triển tốt, trong đó, đàn lợn có khoảng 511.000 con, tăng 0,9% so với năm 2022; đàn gia cầm có trên 9,7 triệu con, tăng 9,8%; đàn trâu có 4.800 con, tăng 2,0%; đàn bò có 32.000 con, tăng 7,8%. Diện tích nuôi thả thủy sản có 5.239 héc-ta, sản lượng ước đạt 52,5 nghìn tấn, tăng 2,79% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2023, giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản đạt hơn 14 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 2,4% so với năm 2022; trong đó, nông nghiệp đạt hơn 12,45 nghìn tỷ đồng, tăng 2,19%; thủy sản đạt hơn 1,59 nghìn tỷ đồng, tăng 4%. Đồng hành và hỗ trợ nông dân trong sản xuất, ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh đã tập trung làm tốt công tác dự tính, dự báo, phòng trừ sâu bệnh gây hại cây trồng, dịch bệnh trên đàn vật nuôi;ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, công tác xúc tiến thương mại được thực hiện hiệu quả. Các giải pháp về công tác thuỷ lợi được triển khai khá đồng bộ, tổ chức theo dõi sát diễn biến thời tiết, nguồn nước và chỉ đạo triển khai các giải pháp, vận hành hệ thống thuỷ lợi bảo đảm đủ nguồn nước phục vụ cho sản xuất. Tiếp đà tăng trưởng, năm 2024, ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh phấn đấu giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đạt hơn 14,3 nghìn tỷ đồng; trong đó, nông nghiệp hơn 12,66 nghìn tỷ đồng, thuỷ sản hơn 1,66 nghìn tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng đạt 2%; năng suất lúa bình quân đạt 62 tạ/ha/ vụ… Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu của năm 2023, đồng chí Đỗ Minh Tuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Ngành nông nghiệp và PTNT tỉnh tập trung thực hiện đồng bộ một số giải pháp như: Tiếp tục quán triệt, tuyên truyền sự cần thiết và tầm quan trọng về cơ cấu lại ngành nông nghiệp; thay đổi, thống nhất nhận thức về sản xuất nông nghiệp hàng hóa trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế và biến đổi khí hậu. Tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các chương trình, đề án, dự án, kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp đã được phê duyệt; tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện, nhất là sự thống nhất, tích hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; nghiên cứu chọn tạo các giống cây trồng, vật nuôi mới, có năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng cao, phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp; chú trọng phát triển công nghiệp phục vụ địa bàn nông thôn, trước hết là công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản; chuyển giao các tiến bộ khoa học - công nghệ trong nông nghiệp, nhất là công nghệ giống, bảo quản, chế biến nông sản, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm. Phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; nâng cao năng lực phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh tổ chức lại sản xuất theo chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh; đổi mới và phát triển các hợp tác xã nông nghiệp theo hướng tổ chức sản xuất nông sản hàng hóa quy mô lớn, an toàn, chất lượng gắn với chế biến và tiêu thụ; thực hiện chuyển mạnh lao động nông nghiệp sang các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề nông thôn, góp phần tăng năng suất lao động ở nông thôn. Rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền bổ sung, điều chỉnh cơ chế chính sách, tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới, như các chính sách về phát triển giống nông nghiệp, quy trình sản xuất, thâm canh; khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng. Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá nông sản của tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, giới thiệu các mô hình sản xuất hiệu quả, tích cực thâm nhập thị trường mới trong và ngoài nước cho các nông sản có lợi thế, thế mạnh của tỉnh; tiếp tục duy trì và phát triển các nhãn hiệu hàng hóa tập thể đã được bảo hộ, đồng thời phối hợp hỗ trợ, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa tập thể mới cho một số nông sản khác của tỉnh.
Nguồn: https://baohungyen.vn