Vụ mùa năm nay, huyện Khoái Châu có kế hoạch gieo cấy hơn 1.500 héc-ta lúa; trong đó, hơn 65% diện tích lúa chất lượng cao với các giống: Đài thơm 8, ADI 168, Hà phát 3, nếp các loại…, phấn đấu năng suất đạt trên 60 tạ/héc-ta, sản lượng đạt trên 9 nghìn tấn. Hiện nay, lúa chất lượng cao của huyện được gieo cấy tập trung chủ yếu ở các xã: Việt Hòa, Thuần Hưng, Đại Hưng… trong đó, ưu tiên mở rộng diện tích lúa chất lượng cao ở những vùng có chân ruộng tốt, tổ chức gieo cấy gọn vùng, gọn thửa và tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật canh tác của từng giống lúa. So với các giống lúa khác, giống lúa chất lượng cao có giá bán cao hơn từ 1,3 đến 1,4 lần, sau khi trừ chi phí, nông dân thu lãi cao hơn từ 25 đến 30%. Do vậy, những năm gần đây, diện tích gieo cấy những giống lúa này không ngừng được mở rộng, góp phần nâng cao chất lượng nông sản, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân.
Nông dân xã Việt Hoà (Khoái Châu) chăm sóc bảo vệ lúa mùa
Với các biện pháp triển khai đồng bộ, phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã phối hợp với Xí nghiệp Khai thác công trình thuỷ lợi Châu Giang sớm trữ nước tại các kênh mương để có đủ nước tưới dưỡng cho lúa sau gieo cấy, khắc phục khô hạn; hướng dẫn các xã, thị trấn kết nối với doanh nghiệp xây dựng mô hình cánh đồng sản xuất tập trung quy mô lớn, mô hình khảo nghiệm, trình diễn giống lúa mới, kỹ thuật mới để nông dân tham quan, học tập, mở rộng sản xuất; cán bộ chuyên môn và Trạm bảo vệ thực vật huyện hằng tuần đều tiến hành theo dõi, kiểm tra, có báo cáo cụ thể về tình hình phát triển của lúa và diễn biến sâu, bệnh ở từng xã, thị trấn, thông báo thường xuyên để nông dân nắm bắt, có biện pháp xử lý kịp thời. Đặc biệt chú trọng theo dõi bệnh nghẹt rễ, vàng lá sinh lý, hạn chế nguồn sâu bệnh lây lan từ vụ xuân sang vụ mùa, đồng thời, sớm phát hiện để khoanh vùng kiểm soát…
Nhằm bảo đảm kế hoạch thời vụ, huyện khuyến cáo nông dân cân đối lượng thóc giống bảo đảm hiệu quả sản xuất, hạn chế giá tăng do khan hiếm; khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu giống lúa, mở rộng diện tích lúa hàng hoá, chất lượng cao; hướng dẫn nông dân bón đủ lượng và cân đối theo quy trình sản xuất của từng giống lúa, chú trọng sử dụng phân kali, tăng cường sử dụng nguồn phân hữu cơ, phân hỗn hợp NPK chuyên dùng theo quy trình khuyến cáo của nhà sản xuất; theo dõi diễn biến sâu, bệnh để kịp thời phòng trừ; bảo đảm tưới, tiêu khoa học, cung cấp, điều tiết nước theo thời điểm sinh trưởng đối với từng loại giống khác nhau, bảo đảm mực nước cạn, đủ ẩm đối với lúa gieo thẳng và diện tích cấy bằng mạ nền cứng, giữ mực nước nông đối với lúa cấy. Trước diễn biến thời tiết nắng nóng, nông dân chủ động bố trí thời gian xuống đồng gieo cấy lúa vào thời điểm trời mát, nhiệt độ giảm, tránh gieo cấy lúa khi nhiệt độ ngoài trời tăng cao…
Nhằm phục vụ nông dân có đủ giống lúa, phân bón, ngay từ đầu vụ, các đơn vị, doanh nghiệp, cửa hàng, đại lý cung ứng vật tư nông nghiệp đã chủ động nhập thóc giống, phân bón để cung ứng cho nông dân. Bà Nguyễn Thị Hồng, chủ đại lý vật tư nông nghiệp tại xã Thuần Hưng cho biết: Đại lý đã ký hợp đồng với một số công ty, đơn vị sản xuất giống cây trồng để nhập về hơn 5 tấn giống lúa chất lượng các loại, các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất cam kết bảo đảm chất lượng cho nông dân sản xuất.
Tại xã Việt Hòa, vụ mùa năm nay, nguồn nước tưới, tiêu được bảo đảm, thuận lợi cho việc gieo cấy, giúp cho cây lúa nhanh bén rễ, hồi xanh. Anh Phạm Văn Công, nông dân trong xã chia sẻ: Những năm gần đây, gia đình tôi thâm canh các giống lúa chất lượng cao bởi giá trị kinh tế cao. Vụ mùa này, gia đình tôi gieo cấy 7 sào giống lúa Đài thơm 8. Giống lúa này rất hợp đồng đất địa phương, chất lượng gạo thơm, ngon. Vụ xuân tới, gia đình tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích gieo cấy giống lúa nếp thơm Hưng Yên.
Thời gian tới, huyện Khoái Châu có chủ trương tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất lúa chất lượng cao nhằm nâng cao hiệu quả, giá trị canh tác trên cùng một đơn vị diện tích. Bên cạnh đó, để sản xuất lúa chất lượng cao bảo đảm năng suất, hiệu quả kinh tế, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền; phân công cán bộ chuyên môn bám sát đồng ruộng; hướng dẫn các địa phương và nông dân áp dụng các biện pháp thủ công hoặc thuốc sinh học để diệt chuột và diệt ốc bươu vàng bảo vệ lúa; thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, dự tính, dự báo tình hình sâu, bệnh phát sinh để có biện pháp xử lý kịp thời theo nguyên tắc “4 đúng”, tạo điều kiện cho lúa sinh trưởng, phát triển tốt…
Nguồn: https://baohungyen.vn