Đón Tết Độc lập 2/9 năm nay, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh phấn khởi với những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội mà tỉnh đạt được sau nửa đầu nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Phát huy truyền thống đoàn kết, sự quyết liệt, sáng tạo vượt qua những khó khăn, thách thức, tỉnh đã khơi dậy mạnh mẽ các nguồn lực để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Sản xuất tại Nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô Maz-Asia (Kim Động)
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020-2025, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng các chương trình của Tỉnh ủy, đề án của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cụ thể hóa, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh phù hợp với tình hình thực tiễn. Tỉnh tập trung cao khắc phục khó khăn, chuyển thành công trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, khẩn trương mở cửa trở lại nền kinh tế, củng cố các cân đối kinh tế lớn, tăng cường thu hút đầu tư, nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Hơn 2 năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền bám sát định hướng phát triển kinh tế - xã hội là: Đẩy nhanh phát triển kinh tế với công nghiệp hiện đại, nông nghiệp hàng hóa hiệu quả cao, kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với ổn định xã hội, nâng cao cuộc sống Nhân dân. Theo đó, kinh tế của tỉnh phục hồi và phát triển nhanh, tăng trưởng khá so với mức bình quân chung của cả nước, với chất lượng tăng trưởng được cải thiện, tiềm lực, quy mô kinh tế tăng lên. Bình quân từ năm 2020 đến tháng 6/2023: Tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 9,3%/năm (mục tiêu tăng từ 7,5 đến 8%/năm).
Công nghiệp của tỉnh có sự chuyển dịch theo định hướng tái cơ cấu. Đó là tăng tỉ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, thân thiện môi trường, sử dụng tiết kiệm năng lượng và tài nguyên đất đai. Chuyển dần từ gia công lắp ráp sang chế tạo sản phẩm đồng bộ, có khả năng lan tỏa, hỗ trợ, thúc đẩy hình thành liên kết với các doanh nghiệp theo chuỗi giá trị, thu hút các dự án vệ tinh khác tiếp tục đầu tư. Chú trọng phát triển công nghiệp xanh và phát triển một số doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin chủ lực thực hiện tốt vai trò dẫn dắt về hạ tầng công nghệ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số. Do đó, sản xuất công nghiệp của tỉnh tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực tăng 8,8%/năm. Trong giai đoạn từ năm 2021 đến tháng 6/2023, tỉnh được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư thêm 6 khu công nghiệp và chấp thuận bổ sung 2 khu công nghiệp vào Quy hoạch các khu công nghiệp Việt Nam; đưa tổng số toàn tỉnh có 17 khu công nghiệp với diện tích 4.395,43 ha (trong đó, 6 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động và sẵn sàng tiếp nhận dự án đầu tư; đã khởi công 3 khu công nghiệp (Khu công nghiệp Thăng Long II mở rộng, Khu công nghiệp số 05, Khu công nghiệp Sạch), 8 khu công nghiệp đang triển khai). Thành lập 26 cụm công nghiệp, với tổng diện tích 1.256 ha và tổng vốn đầu tư đăng ký 12.409 tỷ đồng; đã khởi công xây dựng 03 cụm công nghiệp và đang tập trung giải phóng mặt bằng 08 cụm công nghiệp, các cụm công nghiệp khác đang triển khai thủ tục đầu tư hạ tầng.
Tỉnh đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh gắn với chuyển đổi số; tổ chức các đoàn xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore để kêu gọi, thu hút các tập đoàn kinh tế lớn đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) bứt phá ngoạn mục, năm 2022 vươn lên xếp thứ 14/63 tỉnh, thành phố, tăng 29 bậc so với năm 2020, đạt thứ hạng cao nhất từ trước đến nay. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tỉnh có thêm 214 dự án đầu tư mới (152 dự án trong nước và 62 dự án nước ngoài) với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 82,6 nghìn tỷ đồng và trên 660 triệu USD; nâng tổng số dự án còn hiệu lực trên địa bàn tỉnh lên 2.165 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 318 nghìn tỷ đồng và gần 6,5 tỷ USD.
Nông nghiệp tiếp tục phát triển, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới. Cơ cấu sản xuất nông nghiệp được chuyển dịch tích cực theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa chất lượng, hiệu quả và có sức cạnh tranh cao trên cơ sở phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh quy mô lớn. Các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm đặc trưng có tiềm năng, lợi thế của từng vùng được quan tâm phát triển như: Vải trứng Hưng Yên, nhãn, gà Đông Tảo, nghệ Chí Tân,... Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu được đẩy mạnh. Giai đoạn từ năm 2021 đến tháng 6/2023, toàn tỉnh có thêm 70 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 24 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, đưa tổng số toàn tỉnh có 98 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đạt và 24 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đời sống vật chất và tinh thần người dân ở nông thôn ngày càng được nâng cao, nhiều hoạt động văn hóa truyền thống được khơi dậy và phát huy.
“Điểm nhấn” trong bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh trong nửa nhiệm kỳ qua là hạ tầng giao thông được đầu tư phát triển mạnh mẽ. Tỉnh triển khai hoàn thiện mạng lưới giao thông đồng bộ, hiện đại, có tính lan tỏa, kết nối vùng, liên vùng, như: Tuyến đường nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (giai đoạn 2 và đường bên); Đường trục ngang kết nối QL.39 (Km22+550) với ĐT.376; ĐT.382B nhánh phải (Km0+00 - Km14+420 giao với QL.39); Dự án Nâng cấp, mở rộng tuyến đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên kéo dài, đoạn qua địa phận tỉnh Hưng Yên,... Tích cực triển khai các bước để chuẩn bị đầu tư, đầu tư các dự án: vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội; Tuyến đường kết nối di sản văn hóa, du lịch phát triển kinh tế dọc sông Hồng; đường Tân Phúc - Võng Phan (giao ĐT.378); đường kết nối ĐT.387 với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (Km31+100);... Xây mới và cải tạo, nâng cấp 681km đường cấp huyện, xã, thôn, xóm nhằm hoàn chỉnh mạng lưới giao thông trong tỉnh, góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu cấp xã, cấp huyện.
Công tác tài chính ngân sách bảo đảm quy định và đạt nhiều kết quả nổi bật. Giai đoạn 2021 đến tháng 6/2023, tổng thu ngân sách đạt 86.647 tỷ đồng (trong đó, thu nội địa chiếm gần 80%), gấp 1,32 lần cả giai đoạn 2016-2020. Đặc biệt năm 2022, thu ngân sách đạt 51.410 tỷ đồng (gấp 2,63 lần dự toán và tăng 2,69 lần so với năm 2021, đứng trong top 10 tỉnh, thành phố có số thu cao nhất cả nước)...
Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, sự nghiệp giáo dục - đào tạo tiếp tục phát triển, công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân được quan tâm đầu tư, mạng lưới y tế được mở rộng, dịch Covid-19 được kiểm soát. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, lễ hội, tổ chức sự kiện quan trọng được đảm bảo an toàn, tạo không khí vui tươi, phấn khởi và củng cố niềm tin, khơi dậy tự hào truyền thống quê hương, đất nước, tăng cường đoàn kết trong Nhân dân. Hạ tầng kỹ thuật viễn thông phát triển rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Công tác chuyển đổi số được đẩy nhanh trên ba mảng chính: chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Cải cách thủ tục hành chính có kết quả tốt, tạo thuận lợi cho người dân đến giao dịch công việc với các cơ quan, đơn vị. Các vấn đề xã hội tiếp tục được quan tâm giải quyết, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động. Quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đời sống của Nhân dân được cải thiện nâng cao.
Có thể khẳng định, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, trong nửa đầu nhiệm kỳ, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song với sự chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành, khơi dậy mạnh mẽ các nguồn lực, tỉnh đã nỗ lực vượt qua các trở ngại, sớm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tạo tiền đề quan trọng để toàn tỉnh thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra.
Nguồn: https://baohungyen.vn