Năm 2023, ngành thương mại, dịch vụ (TMDV) của tỉnh có nhiều khởi sắc, tăng trưởng mạnh; mạng lưới phân phối hàng hóa phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu, chất lượng dịch vụ được cải thiện. Thêm vào đó, hệ thống cửa hàng bán buôn, bán lẻ phát triển rộng khắp, phủ kín tới tận khu vực nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương hàng hóa, góp phần kích cầu sản xuất và tiêu dùng.
Giá trị sản xuất TMDV toàn tỉnh ước tăng 15,25% so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt gần 109,5 nghìn tỷ đồng, đạt 210,5% kế hoạch, tăng 74,19% so với năm trước.
Ngành thương mại dịch vụ duy trì mức tăng trưởng ổn định, đóng góp tích cực
vào sự phát triển kinh tế của tỉnh
Điểm sáng trong thị trường bán lẻ thời gian gần đây là có sự tham gia của đa dạng các thành phần kinh tế. Hệ thống thương mại văn minh, hiện đại như: Trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi dần được hình thành và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong phân phối lưu thông hàng hóa. Đặc biệt, số lượng các siêu thị, cửa hàng tiện ích được đầu tư, mở rộng, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương.
Bên cạnh hoạt động thương mại truyền thống, thương mại điện tử (TMĐT), góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hạ tầng công nghệ thông tin được chú trọng đầu tư; các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt được phổ biến, giúp các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng kinh doanh bắt nhịp với xu hướng chung của toàn xã hội. Trong đó, sàn thương mại điện tử Hưng Yên (http://ecomhungyen.vn) đã phát huy tốt vai trò cầu nối giữa người sản xuất và tiêu dùng. Hiện nay, trên sàn có 60 doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia với trên 150 sản phẩm trưng bày, bán. Các sản phẩm trên sàn bao gồm: Hàng thủ công mỹ nghệ, nông sản, thực phẩm chế biến, đồ uống... là những sản phẩm tiêu biểu của tỉnh, sản phẩm OCOP, từng bước đưa hoạt động TMĐT của tỉnh hội nhập với TMĐT trong nước, quốc tế. Ngoài ra, nhiều tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa chủ động, tích cực tham gia các sàn thương mại điện tử như: Shopee; sendo, voso, postmart.
Cùng bắt nhịp với xu hướng kinh doanh hiện đại, các cơ sở bán lẻ truyền thống cũng chủ động tìm hiểu, nắm bắt thị trường, ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng phần mềm quản trị bán hàng, hệ thống camera giám sát tự động... để quản lý thông tin bán hàng. Hiện nay, tại nhiều cửa hàng các sản phẩm đều gắn mã phản hồi nhanh (mã QR). Khi mua sắm, khách hàng có thể sử dụng điện thoại thông minh để quét mã QR in trên bao bì, vỏ bọc sản phẩm để kiểm tra chi tiết thông tin về nguồn gốc, xuất xứ hay giá thành... của sản phẩm, giúp khách hàng yên tâm khi mua và sử dụng hàng hóa.
Để thúc đẩy phát triển TMDV, tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp phát triển TMDV, nhất là các dịch vụ tiện ích, giải trí, phù hợp với xu hướng và nhu cầu hiện nay. Tiếp tục tập trung phát triển, mở rộng kết cấu hạ tầng thương mại, kết hợp hài hòa giữa thương mại truyền thống với thương mại hiện đại, phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của thị trường ở từng khu vực; tiếp tục cải tạo, nâng cấp hệ thống chợ truyền thống ở tất cả các khu vực, khuyến khích phát triển các mô hình chợ bảo đảm an toàn thực phẩm. Đồng thời kết hợp phát triển các dịch vụ tiện ích phục vụ đời sống Nhân dân, đáp ứng nhu cầu đầu tư, sản xuất, kinh doanh của các nhà đầu tư, nhất là các dịch vụ công nghệ thông tin, thanh toán không dùng tiền mặt,... Chú trọng đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, phát triển thương mại điện tử. Đồng thời chú trọng công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực TMDV, tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật đến các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh về các hoạt động thương mại. Các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa.
Nguồn: https://baohungyen.vn