KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Kinh tế
Đăng ngày: 28/09/2023 - Lượt xem: 403
Khơi thông nguồn vốn tín dụng trong xây dựng nông thôn mới

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, ngành Ngân hàng đã tích cực chung tay, góp sức cùng các cấp, các ngành trong tỉnh thực hiện hiệu quả một số tiêu chí NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Các tổ chức tín dụng (TCTD) bố trí nguồn vốn phù hợp, kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn của các địa phương, đưa diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, trù phú.
Hướng dẫn khách hàng vay vốn tại Điểm giao dịch Ngân hàng CSXH xã Liên Phương (thành phố Hưng Yên)
Đồng chí Đặng Sỹ Hòa, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh cho biết: Trong những năm qua, chi nhánh chỉ đạo các TCTD  trên địa bàn chủ động cân đối nguồn vốn, xây dựng kế hoạch huy động vốn, đầu tư cho vay chương trình xây dựng NTM, trong đó, tập trung cho vay xây dựng hạ tầng nông thôn, các chương trình cho vay ưu đãi như: Cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, cho vay nước sạch và vệ sinh, môi trường nông thôn. Đồng thời khuyến khích các TCTD phát triển mạng lưới chi nhánh và phòng giao dịch, mạng lưới ATM/POS đến vùng nông thôn, đẩy mạnh phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính phục vụ sản xuất, kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Cùng với đó, nguồn vốn tín dụng từ các TCTD đóng vai trò quan trọng đối với quá trình xây dựng NTM ở địa phương. Bám sát mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, các TCTD chủ động cân đối nguồn vốn, xây dựng kế hoạch huy động vốn, đầu tư cho vay chương trình xây dựng NTM, trong đó, tập trung đầu tư cho vay phục vụ xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Mạng lưới hoạt động được mở rộng đến các huyện, xã; từng bước cải cách, tiết giảm thủ tục vay vốn cho phù hợp với đặc thù sản xuất nông nghiệp và trình độ của người dân khu vực nông thôn nhưng vẫn bảo đảm an toàn vốn. Đồng chí Vũ Thanh Liêm, Giám đốc Agribank Chi nhánh tỉnh Hưng Yên chia sẻ: Đơn vị tập trung đầu tư cho vay vào các nhóm khách hàng ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của ngân hàng cấp trên, ưu tiên nguồn vốn cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và xây dựng NTM, đặc biệt là các chương trình tín dụng với mục tiêu giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Agribank đã áp dụng các gói sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tiện ích, hiện đại, các gói cho vay ưu đãi lãi suất và phí; điều chỉnh, cập nhật, bổ sung kịp thời thông tin khách hàng để phục vụ hiệu quả công tác thẩm định cho vay và phát triển sản phẩm dịch vụ. Đến nay, dư nợ cho vay xây dựng NTM của đơn vị đạt trên 9 nghìn tỷ đồng với hơn 48 nghìn hộ, trên 100 doanh nghiệp,  HTX còn dư nợ, tập trung cho vay chủ yếu vào các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn, xây dựng nhà ở dân sinh…
Thời gian qua, Ngân hàng chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh phối hợp với cấp uỷ, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội giúp người dân các xã xây dựng NTM vay vốn để cải thiện chất lượng cuộc sống và góp phần thực hiện một số tiêu chí NTM như: Vay vốn để thực hiện tiêu chí tạo việc làm; vay vốn xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn để thực hiện tiêu chí môi trường và tiêu chí nước sạch; vay vốn xây nhà ở để thực hiện tiêu chí nhà ở dân cư; cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập để thực hiện tiêu chí giáo dục và đào tạo… Tổng dư nợ các chương trình tín dụng CSXH đạt trên 3,8 nghìn tỷ đồng.
Thực hiện chương trình xây dựng NTM, các TCTD trong tỉnh đã chủ động triển khai hỗ trợ tín dụng để chung sức xây dựng NTM, cung ứng những sản phẩm dịch vụ, tiện ích ngân hàng, cho vay trực tiếp các dự án mục tiêu của chương trình xây dựng NTM như: cho vay hộ sản xuất kinh doanh, cho vay làm đường giao thông nông thôn, xây dựng hệ thống thủy lợi, trạm điện, xây dựng nhà ở... Dư nợ cho vay tăng trưởng đều qua các năm. Dư nợ phân theo mục đích, chương trình cho vay phục vụ xây dựng NTM tính đến hết tháng 8/2023 đạt  trên 41 nghìn tỷ đồng. Kết quả đó cho thấy, nguồn vốn tín dụng ngân hàng đã trở thành nguồn lực quan trọng của Chương trình xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.
Để tiếp tục khơi thông nguồn vốn tín dụng trong xây dựng NTM, các TCTD trong tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện theo Công văn số 6632/NHNN-TD ngày 23/8/2023 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc tiếp tục triển khai nhiệm vụ của ngành ngân hàng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025. Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh chỉ đạo các TCTD đổi mới, áp dụng quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục cho khách hàng vay vốn, nhưng vẫn bảo đảm an toàn vốn vay, nâng cao khả năng thẩm định, rút ngắn thời gian giải quyết cho vay để tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn ngân hàng. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về hoạt động tiền tệ, tín dụng ngân hàng đến Nhân dân, đặc biệt là người nghèo, đối tượng chính sách; tăng cường công tác phối hợp giữa ngân hàng, TCTD với chính quyền địa phương... Chủ động cân đối nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn phục vụ phát triển “tam nông” trên địa bàn.
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan