Chiều 17/4, dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp và cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm Tài chính quốc tế tại Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu ý kiến tại Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 17/4. (Ảnh: DUY LINH)
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi cho biết: Một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau cần xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, như: Hạn chế trong hoạt động đầu tư của doanh nghiệp; thẩm quyền quyết định nhân sự tại doanh nghiệp; quyết định tiền lương; lợi nhuận sau trích lập các quỹ; các nội dung người đại diện phần vốn nhà nước xin ý kiến, quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu; bảo toàn và phát triển vốn…
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết: Hội nghị Trung ương 11 đã xác định doanh nghiệp nhà nước giữ vai trò chủ đạo của nền kinh tế, kinh tế tư nhân là động lực, vì vậy việc sửa đổi luật cần tập trung hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn.
Nhiều ý kiến cho rằng: Các quy định hạn chế doanh nghiệp nhà nước đầu tư cần nghiên cứu để quy định rõ ràng, minh bạch, phù hợp quy định của Hiến pháp; đồng thời, quy định rõ quyền, trách nhiệm cơ quan đại diện chủ sở hữu để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, gắn trách nhiệm, giảm thủ tục hành chính; bảo đảm nguyên tắc không can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp...
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị đánh giá kỹ tác động, không để xảy ra tình trạng sửa đổi nhưng lại tạo ra khó khăn, vướng mắc, bất cập mới; bảo đảm các quy định của luật phải giải quyết các khó khăn, vướng mắc hiện nay, bao quát những vấn đề mới, bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế tư nhân trong mối quan hệ với đầu tư vốn của nhà nước và các yêu cầu trong tình hình mới.
Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu nghiên cứu kỹ các bài học về giải quyết các dự án lớn tồn đọng, vấn đề cổ phần hóa và thoái vốn để quản lý chặt chẽ, không để xảy ra thất thoát, lãng phí.
Về Trung tâm Tài chính quốc tế tại Việt Nam, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết: Việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm Tài chính quốc tế với các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, xây dựng và phát triển Trung tâm Tài chính quốc tế trở thành đơn vị hàng đầu, vận hành theo các chuẩn mực quốc tế tiên tiến, kết nối với các thị trường và trung tâm tài chính lớn trên thế giới. Qua đó nâng tầm vị thế của Việt Nam trong mạng lưới tài chính toàn cầu. Trung tâm sẽ được đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đề nghị tham khảo có chọn lọc thông lệ, kinh nghiệm quốc tế về các lĩnh vực mới để đề xuất quy định các chính sách đặc thù, vượt trội đối với Trung tâm Tài chính quốc tế, phù hợp điều kiện Việt Nam.
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em từ 3-5 tuổi. Nhiều ủy viên tán thành việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng và thực hiện mục tiêu “hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo vào năm 2030”.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết: tổng dự toán kinh phí thực hiện phổ cập giáo dục mầm non giai đoạn 2026-2030 là 116.314,1 tỷ đồng. Đồng chí nhấn mạnh để triển khai thực hiện, Nhà nước phải bảo đảm nguồn tài chính và nguồn nhân lực rất lớn.
Về nhân lực, dự kiến tổng biên chế thiếu đến năm 2030 là 47.949 chỉ tiêu. Biên chế cần bổ sung giai đoạn 2026-2030 là 21.427 chỉ tiêu. Thường trực Ủy ban đề nghị cần tập trung đánh giá số lượng giáo viên mầm non, khả năng bố trí biên chế; xác định cụ thể số lượng giáo viên thiếu cần bổ sung hằng năm phù hợp với lộ trình phát triển trường, lớp.
Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính Lê Quang Mạnh đề nghị Chính phủ khẩn trương tổng hợp nhu cầu, nguồn lực tài chính, bố trí ngân sách thực hiện để bảo đảm chính sách khả thi.
Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải đề xuất xây dựng chính sách ưu đãi vượt trội và đột phá, gắn với trách nhiệm xã hội để thu hút nguồn đầu tư tốt hơn; trong đó cần dựa trên nguồn vốn tư nhân và xã hội hóa.
Tham khảo kinh nghiệm của Indonesia về việc triển khai chương trình “Bữa ăn dinh dưỡng miễn phí” cho 82,9 triệu học sinh trong 5 năm, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu cách làm, chú trọng dinh dưỡng các bữa ăn nhằm giải quyết tình trạng thấp còi và phát triển trí tuệ cho trẻ em Việt Nam.
Về cơ chế đặc thù cho Hải Phòng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng.
Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị thực hiện chủ trương của Đảng về thay đổi địa giới hành chính. Đồng thời, Tờ trình cần đánh giá tổng thể, mở rộng phạm vi áp dụng Nghị quyết cho địa bàn mới được sáp nhập; xây dựng chính sách đột phá, sáng tạo, bao quát, toàn diện.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh đây không phải là vấn đề riêng của Hải Phòng mà cả Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Khánh Hòa đều có nghị quyết riêng về cơ chế chính sách đặc thù. Đồng chí đề nghị Chính phủ sớm có văn bản xin ý kiến Bộ Chính trị để mở rộng phạm vi áp dụng cho các địa phương sau sáp nhập.
Kết luận phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ xin ý kiến Bộ Chính trị áp dụng cơ chế đặc thù hiện nay. Đồng chí nhấn mạnh đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư: “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm, Trung ương, Quốc hội, Chính phủ kiến tạo và giám sát”
Nguồn: https://nhandan.vn