Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) đặt câu hỏi: Trong Nghị quyết chất vấn tại Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có đặt ra yêu cầu hạn chế việc trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung nhiều lần trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm soát hoạt động tư pháp. Tuy nhiên, trong Báo cáo của VKSND Tối cao chưa đề cập tới nội dung này.
“Đề nghị Viện trưởng cho biết các giải pháp đã được triển khai và những chuyển biến trong tỷ lệ đã yêu cầu trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung sau khi thực hiện nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội”, đại biểu kiến nghị.
Trả lời đại biểu, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí cho biết: Trước hết, xác định rằng việc trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan tố tụng là một biện pháp tố tụng được phép sử dụng để chống oan, sai, chống lọt tội phạm nhưng vấn đề phải sử dụng đúng biện pháp này.
|
Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Ảnh: QH.
|
Theo Viện trưởng Lê Minh Trí, không nên coi chuyện trả điều tra hồ sơ bổ sung là không đúng ngay từ cảm nhận đầu tiên. Bởi, nếu trong quá trình điều tra, kết thúc điều tra hoặc kể cả truy tố và chuyển qua xét xử nhưng cơ quan tòa án hoặc kiểm sát phát hiện hoặc phát sinh những tình tiết mới thấy có thể thay đổi bản chất tội phạm vẫn phải trả lại để điều tra để không để oan, sai hoặc không để lọt tội phạm.
Phân tích cụ thể, Viện trưởng VKSND Tối cao cho hay, tội phạm ngày càng hoạt động tinh vi, phức tạp, kể cả loại tội phạm mới, phi truyền thống đặt ra những vấn đề, thậm chí những thủ tục tố tụng cũng không theo kịp được với những tính chất phức tạp của tội phạm.
Dẫn chứng tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm công nghệ cao, tội phạm mạng, đối tượng ở nước này nhưng gây án và phạm tội gây hậu quả thiệt hại cho một đối tượng ở nước khác, vì vậy đặt ra vấn đề có những điều chúng ta chưa tiên liệu được. Trong khi đó, Viện trưởng Lê Minh Trí cho hay, chúng ta vừa gặp khó khăn về phức tạp mới của tội phạm nhưng đồng thời bảo vệ quyền con người, đặc biệt không được oan, sai đồng thời cũng không được bỏ lọt tội phạm thì trả hồ sơ điều tra bổ sung là việc cần phải làm nhưng không được lạm dụng.
Mặt khác, hiện nay trong Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 và Bộ luật Tố tụng hình sự có phát sinh một số vướng mắc chưa được các cơ quan thẩm quyền hướng dẫn, giải thích nên dẫn đến sự khác nhau về nhận thức và áp dụng pháp luật của các cơ quan tố tụng, đặc biệt của điều tra cũng như của kiểm sát viên và đội ngũ thẩm phán.
“Thực tế, ở Uỷ ban kiểm sát các cấp, có những tình huống vụ án phức tạp, đưa ra đánh giá, nhận xét, ý kiến còn khác nhau. Rồi Hội đồng thẩm phán ở các cấp, kể cả Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân Tối cao, khi luận án cũng có những ý kiến khác nhau”, ông Trí nói và nhận định “đây cũng là chuyện bình thường”. Song lưu ý phải lắng nghe, phải quyết theo quy định của pháp luật và người chủ trì quyết phải chịu trách nhiệm. Do đó, quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung mà làm đúng pháp luật thì “không băn khoăn”.
Viện trưởng chia sẻ: “Thời gian qua việc trả điều tra, điều tra bổ sung chúng tôi vẫn coi đây là một yêu cầu trong chỉ đạo nghiệp vụ. Các cấp kiểm sát đều đã cố gắng, nỗ lực, từ người đứng đầu các cấp kiểm sát cho đến các kiểm sát viên coi đây là một mục tiêu phải phấn đấu và hạn chế tối đa việc trả, nhưng nếu không đảm bảo chống oan, sai, chống lọt thì vẫn phải trả”.
Theo Viện trưởng Lê Minh Trí, đây là một biện pháp kỹ thuật đối với một số các vụ án quá lớn, quá phức tạp. “Ví dụ, như vụ án SCB, một số vụ án khác phức tạp như Việt Á hay đăng kiểm mà không có điều tra, không trả hồ sơ điều tra bổ sung là không làm được, kể cả chuyện phân tách vụ án ra rồi vẫn phải có điều tra bổ sung để chúng ta có đủ thời gian để chứng minh tội phạm”, ông Trí thông tin./.
Nguồn:https://dangcongsan.vn/